VnReview
Hà Nội

Thế giới sắp không còn đủ rừng nhiệt đới để hấp thụ CO2 do nạn phá rừng tràn lan

Mặc dù che phủ khoảng 1/3 diện tích đất liền của Trái Đất nhưng diện tích rừng đang suy giảm nghiêm trọng và trong lương lai, rừng có thể là nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, thay vì là giải pháp.

Rừng là "lá phổi xanh" của hành tinh chúng ta. Chúng hấp thụ CO2 và tạo ra O2, thanh lọc không khí và làm cho khí hậu ôn hòa hơn. Ngoài ra rừng còn làm giảm đáng kể lượng nhiệt mà Trái Đất phải hấp thụ từ Mặt Trời.

Từ hàng triệu năm nay, những cánh rừng tự nhiên vẫn tự sinh trưởng và phát triển mà không hề có bàn tay can thiệp của con người. Tuy nhiên kể từ khi có loài người, diện tích rừng tự nhiên đã giảm đáng kể.

Theo tổ chức World Wildlife Fund;(WWF), Trái Đất đang mất đi khoảng 7,5 triệu ha rừng mỗi năm. Con số này tương đương với khoảng 27 sân bóng đá bị mất đi mỗi phút. Năm 2016 là năm mất đi diện tích rừng lớn nhất lịch sử với khoảng 29,7 triệu ha. Hoạt động phá rừng có nhiều mục đích, bao gồm chế biến gỗ hoặc tạo không gian để phục vụ cho hoạt động nông/công nghiệp.

Tuy nhiên theo các nhà khoa học tại Đại học Edinburgh, Vương quốc Anh khẳng định, nếu không kiểm soát tốt số lượng rừng bị chặt hạ, rừng nhiệt đới có thể là nguyên nhân gây biến đổi khí hậu thay vì là giải pháp bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta.

Những cánh rừng thực sự có tiềm năng rất lớn trong việc điều hòa và chống biến đổi khí hậu. Chúng hấp thụ CO2, một trong những chất khí chủ yếu gây ra hiệu ứng nhà kính.

Mặc dù vậy, do tình trạng phá rừng tràn lan để lấy đất phục vụ nông/công nghiệp tại nhiều nơi trên thế giới nên khả năng hấp thụ CO2 của rừng đang suy giảm nghiêm trọng. Nói cách khác, việc khai thác rừng thiếu kiểm soát, thậm chí có dấu hiệu xâm phạm và xóa sổ những cánh rừng tự nhiên đang khiến các mục tiêu của Hiệp định Paris năm 2015 trở nên khó có thể đạt được.

Nhưng nguyên nhân nào khiến rừng, từ một nguồn hấp thụ CO2 trở thành nguồn phát thải CO2 khổng lồ và trực tiếp gây ra biến đổi khí hậu? Đúng vậy, vẫn là do nạn phá rừng.

Rừng luôn là nguồn lợi màu mỡ cho nhiều công ty lâm nghiệp muốn kiếm tiền từ gỗ rừng. Việc khai thác theo kiểu "tận diệt" khiến hàng triệu ha rừng trên thế giới mất đi mỗi năm và khó có thể khôi phục trở lại. Sự thiếu vắng những cánh rừng làm đảo lộn bầu khí quyển, khi đó khí CO2 sẽ nhiều hơn cả dưỡng khí là O2.

Đó là chưa kể thị trường các sản phẩm lâm nghiệp hiện chiếm tới 1% tổng GDP của thế giới. Toàn bộ thị trường này có trị giá lên tới 200 tỷ USD/năm. Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều người nảy sinh lòng tham và phá rừng trái phép.

Ngoài ra nguyên nhân còn do tình trạng đốt rừng làm rẫy hay cháy rừng làm thiêu trụi số lượng lớn gỗ rừng và phát thải khí CO2 vào bầu khí quyển. Theo WWF, khoảng 15% số khí thải nhà kính hiện nay do tình trạng phá rừng gây ra.

Đáng buồn thay, theo dữ liệu của FAO hiện có hơn 1,6 tỷ người, tương đương hơn 25% dân số thế giới đang sống phụ thuộc vào những cánh rừng. Điều này không khác gì việc chúng ta tự chặt đi chính nguồn sinh nhai của chính mình. Theo ước tính của tổ chức FAO, hơn một nửa số rừng nhiệt đới trên thế giới đã mất đi vì hoạt động phá rừng của con người.

Bao nhiêu cánh rừng bị chặt hạ nữa mới đủ để lấp đầy lòng tham của con người?

Các nhà khoa học ước tính, các khu rừng nhiệt đới hiện nay vẫn đủ sức hấp thụ lượng CO2 phát thải ra do hoạt động của con người. Tuy nhiên, thật khó để đảm bảo rằng trong tương lai, chúng vẫn có thể tiếp tục duy trì được khả năng ấy.

Nghiên cứu ước tính, tình trạng mất rừng do phá rừng hoặc suy thoái có thể đóng góp khoảng 1/5 lượng khí thải nhà kính do con người tạo ra. Vậy chúng ta có nên trồng nhiều cây hơn để ngăn tình trạng này? Nên như vậy nhưng cũng không nhất thiết.

Điều cốt lõi chính là ngăn chặn nạn phá rừng vô tổ chức và tràn lan hiện nay. Nếu quản lý được việc phá rừng, những cánh rừng còn lại sẽ tiếp tục sinh trưởng và góp phần giảm thiểu lượng CO2 trong bầu khí quyển.

Giới khoa học khẳng định rất khó để dự đoán điều gì sẽ xảy ra với rừng nhiệt đới dưới tác động của con người. Tiến sỹ Ed Mitchard thuộc nhóm tác giả nghiên cứu chia sẻ: "Dự đoán tác động của rừng nhiệt đới với khí hậu là một thách thức vô cùng lớn, vì chúng ta không thể biết cách khí hậu tác động lên rừng như thế nào. Điều đáng lo ngại hơn, như các nghiên cứu chỉ ra, là khi những khu rừng nhiệt đới chống lại mọi nỗ lực ngăn biến đổi khí hậu và trở thành nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất".

Kết luận nghiên cứu khẳng định, con người phải có biện pháp phục hồi những cánh rừng đã mất. Rừng còn thì hành tinh còn. Chỉ riêng việc thực hiện các biện pháp giảm lượng CO2 phát thải từ hoạt động công nghiệp thôi là không đủ. Chúng ta còn phải phối hợp với chính tự nhiên để ngăn chặn biến đổi khí hậu và bảo vệ Trái Đất.

Tiến Thanh

Chủ đề khác