VnReview
Hà Nội

Mới đến đầu tháng 8, tài nguyên tái tạo của Trái Đất trong năm 2018 đã bị con người dùng hết

Trái đất là hữu hạn. Trong khi đó cơn thèm ăn của nền văn minh dường như là vô hạn. Mạng lưới Dấu chân Toàn cầu (Global Footprint Network: GFN) đã đánh giá số lượng các nguồn tài nguyên chúng ta sử dụng hàng ngày từ nước cho đến không khí sạch, cũng như số ngày loài người chúng ta sử dụng quá mức khả năng tái tạo của hành tinh này trong mỗi năm.

Theo Quartz, từ đầu những năm 1970 cho đến nay, số ngày trong mỗi năm loài người sử dụng tài nguyên quá mức tái tạo của tự nhiên ngày càng được đẩy lên sớm hơn. Trong năm 2018, ngày con người bắt đầu sử dụng quá mức là từ ngày 1/8 vừa qua.

Bạn hãy hình dung, mỗi phút con người sử dụng quá mức trong quá khứ sẽ tương đương với việc rút vốn ra để ăn thay vì sống bằng tiền lãi từ khoản vốn đó. "Giờ đây, một năm là không đủ để tái tạo lại nhu cầu tiêu thụ hàng năm của con người trên hành tinh, ngay cả khi sử dụng các bộ dữ liệu khắt khe nhất." GFN tuyên bố.

Để tính toán số ngày trên, GFN chia sinh khối của hành tinh (các nguồn tài nguyên sinh thái tạo ra mỗi năm) cho tổng số nhu cầu của con người cho tất cả các nguồn tài nguyên đó. Họ sử dụng 15.000 điểm dữ liệu do Liên Hiệp Quốc thu thập cho mỗi quốc gia tính từ năm 1961 đến nay. Theo GFN, các điểm dữ liệu này có thể chia thành 4 nhân tố chính: chúng ta tiêu thụ bao nhiêu, chúng ta sản xuất hiệu quả như thế nào, dân số của chúng ta, và năng suất tái tạo của tự nhiên.

Trong năm 2018, chúng ta sẽ sử dụng lượng tài nguyên tương đương 1,7 lần Trái Đất hiện tại để hỗ trợ cho nền văn minh của con người. Với tốc độ hiện tại, sẽ cần đến hai Trái Đất để đáp ứng đủ nhu cầu vào năm 2030. Đây là hậu quả nhìn thấy trước của việc chặt phá rừng, các ngư trường bị suy sụp, cạn kiệt nguồn nước, phát thải khí nhà kính, gây ra sự xáo trộn lớn, thiệt hại về kinh tế và tuyệt chủng của các loài trên cả hành tinh.

GFN ước tính, có đến 86% quốc gia hiện đang sống quá mức tiềm lực của họ, tạo ra điều mà tổ chức này gọi là "thâm hụt sinh thái." Một số quốc gia còn tồi tệ hơn các quốc gia khác. Ví dụ nếu cả thế giới tiêu thụ tài nguyên với tốc độ như nước Mỹ, số ngày sử dụng quá mức sẽ bắt đầu từ 15 tháng 3 (hiện tại chỉ có 5 quốc gia sống tồi tệ hơn cả Mỹ).

Nhưng vẫn có điểm sáng trong báo cáo này. Ở nhiều quốc gia, tăng trưởng kinh tế đã tách biệt khỏi việc sử dụng năng lượng và tiêu thụ tài nguyên thô của con người, từ kim loại cho đến bìa carton. Trong những năm gần đây, các quốc gia châu Âu và Mỹ đã tiếp tục tăng trưởng kinh tế trong khi sử dụng ít năng lượng hơn (cho dù thương mại quốc tế đã chuyển một số việc khai thác quá mức sang nước khác).

Một phần điều này do thay đổi trong cách sống của những quốc gia giàu có: Sản xuất hiệu quả hơn, năng lượng tái tạo trở nên cạnh tranh hơn hoặc rẻ hơn so với năng lượng hóa thạch. Dân số ở mức ổn định hoặc thậm chí giảm xuống, trong khi mức độ nghèo đói ở các quốc gia đang phát triển giảm nhanh hơn bất kỳ lúc nào trong lịch sử.

Theo bà Amanda Diep của GFN, việc giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên không có nghĩa là giảm tiêu chuẩn sống. "Mọi người đều có thể sống tốt trong phạm vi tiềm lực của hành tinh chúng ta."

Bất đồng trong cách giải cứu Trái Đất

Trong một cuốn sách gần đây, nhà văn khoa học Charles C. Mann sử dụng các thuật ngữ "Tiên Tri" và "Pháp Sư" để mô tả tầm nhìn về cuộc đối đầu trong tương lai: các Pháp Sư, những người tin rằng chúng ta có thể sáng tạo theo cách vượt quá giới hạn của tự nhiên thông qua khoa học và công nghệ, và các nhà Tiên Tri – những người tin rằng việc vượt quá giới hạn sẽ chỉ mang lại thảm họa.

"Cả hai nhóm đều có những lập luận mạnh mẽ." Mann cho biết trong cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên, chúng ta dường như đang mắc kẹt với cuộc tranh luận chấp nhận quan điểm của một bên và phủ nhận bên còn lại. "Việc chấp nhận cả hai quan điểm dường như là sự hoàn hảo về logic, nhưng đó không phải là những gì xảy ra."

Ông Mann cho rằng đó là sự căng thẳng giữa cộng đồng và quyền tự do. Ví dụ, nếu chúng ta muốn giải quyết biến đổi khí hậu, liệu chúng ta có chọn năng lượng tái tạo và loại bỏ năng lượng hạt nhân, hay chúng ta chọn các giải pháp kỹ thuật mang tính toàn cầu như loại bỏ CO2 và kỹ thuật geo-engineering (kỹ thuật can thiệp vào khí hậu như che Trái đất khỏi Mặt trời)?

Lựa chọn đầu tiên sẽ hấp dẫn những người theo giá trị Tiên Tri: một giải pháp san sẻ cho cả tự nhiên và cộng đồng. Trong khi đó, lựa chọn thứ hai, dựa vào sức mạnh của kỹ thuật, lại phù hợp với góc nhìn của các Pháp Sư, khi cho rằng kỹ thuật có thể giải quyết vấn đề khí hậu theo cách tối đa hóa quyền tự do mỗi cá nhân, ngay cả khi có các giới hạn tự nhiên.

"Chẳng có định luật vật lý nào nói bạn không thể có cả hai." Mann cho biết.

Nguyễn Hải

Chủ đề khác