VnReview
Hà Nội

Mẹo xác định mức độ bỏng cần phải tới bệnh viện để cấp cứu kịp thời

Bài viết sẽ chia sẻ tới bạn đọc cách nhận biết các cấp độ bỏng khác nhau và một số mẹo giảm đau nhanh nếu không may gặp phải những tai nạn đáng tiếc.

Bỏng hay phỏng là điều không ai muốn vì nó gây ra cảm giác rát, đau nhức và khó chịu. Dựa trên diện tích bỏng ngoài da, chúng ta có thể tiên lượng mức độ và phân chia thành nhiều cấp độ bỏng khác nhau.

Sự phân loại này giúp chúng ta có thể biết khi nào một vết bỏng cần phải sơ cứu y tế khẩn cấp và loại bỏng nào có thể tự chữa được tại nhà. Trước hết hãy cùng tìm hiểu cấu tạo của làn da con người để biết bỏng tác động ra sao tới cơ quan chiếm nhiều diện tích nhất trên cơ thể người.

Cấu tạo của da người

Da là cơ quan lớn nhất vì nó chiếm tới 16% trọng lượng cơ thể. Da có cấu tạo gồm 2 phần cơ bản là lớp biểu bì và hạ bì. Ngoài ra còn có thêm lớp dưới da có tên Hypodermis.

Theo ScienceABC, lớp biểu bì là lớp ngoài cùng của da và mỏng hơn lớp hạ bì bên trong. Lớp biểu bì không có mạch máu và chúng thường có tế bào chính là những keratinocyte (tế bào sừng).;Các tế bào biểu mô nhận dinh dưỡng thông qua sự khuếch tán từ lớp hạ bì. Những tế bào mới được hình thành sẽ từ từ di chuyển đến đỉnh của lớp biểu bì và thay đổi hình dạng, thành phần của chúng sau khi bị cô lập khỏi nguồn cấp máu.

Cuối cùng lớp tế bào này chết đi và bong ra. Lớp biểu bì được chia thành 5 lớp nhỏ gồm: lớp sừng, lớp bóng, lớp hạt, lớp gai và lớp đáy.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Lớp hạ bì nằm ở dưới lớp biểu bì và dày hơn. Đây là nơi chứa sợi collagen, tạo ra sự đàn hồi và dẻo dai cho da. Cả hai lớp được nối với nhau qua một màng tế bào. Riêng lớp hạ bì có mô liên kết với dây thần kinh. Nó cũng có nang lông, tuyến mồ hôi, mạch máu và mạch bạch huyết. Lớp hạ bì được chia thành 2 phần gồm vùng nhú và vùng lưới.

Dưới lớp hạ bì là mô dưới da. Về cơ bản thì đây không phải là một phần của da. Nó còn được gọi là hypodermis, chức năng chính của lớp này là gắn da vào xương và cơ bên dưới. Lớp hypodermis chủ yếu chứa chất béo, mạch máu và thần kinh. Có thể coi hypodermis giống như một tấm đệm bảo vệ cơ thể người.

Từ cấu tạo của da, chúng ta hãy tìm hiểu nếu có tác động của nhiệt độ hay nói cách khác bị bỏng, các lớp da này sẽ bị hủy hoại như thế nào.

Bỏng độ 1

Đây là loại bỏng ít nguy hiểm nhất. Nó chỉ ảnh hưởng đến lớp biểu bì và không cần thiết phải nhập viện hoặc chăm sóc y tế đặc biệt. Ví dụ cháy nắng có thể coi là một dạng bỏng cấp độ 1.

Đặc trưng của vết bỏng độ 1 là lớp da ửng đỏ và sưng. Bỏng độ 1 hiếm khi để lại sẹo. Các vết bỏng cũng nhanh lành, thường trong vòng 1 tuần sau khi lớp tế bào trên cùng chết đi và bong ra.

Cách sơ cứu nhanh nhất với bỏng độ 1, đó là nhúng nhanh vị trí bị bỏng vào nước mát. Bạn cũng có thể dùng thuốc giảm đau nếu cơ thể có biểu hiện nhạy cảm với vết bỏng. Mặc dù bỏng độ 1 hiếm khi để lại tổn thương nào về lâu dài nhưng loại bỏng này có thể khiến một vùng da bị sẫm màu hoặc sáng bóc sau khi lớp da chết bong ra.

Bỏng độ 2

Những vết bỏng cấp độ 2 gây đau đớn và có hại hơn so với bỏng độ 1. Loại bỏng này thường gây tổn thương lâu dài và tác động tới cả lớp hạ bì. Dạng bỏng này sẽ cần nhiều thời gian hơn để chữa lành, có thể mất từ 2-3 tuần trở lên.

Khác với bỏng cấp độ 1, bỏng độ 2 sẽ cần phải có sự can thiệp và chữa trị y tế ngay lập tức. Tùy thuộc vào diện tích bỏng và mức độ bỏng trên da, các bác sỹ có thể quyết định ghép da hoặc không.

Bỏng độ 2 có đặc trưng là những mụn nước phồng rộp có thể chảy ra nếu bạn bóp vào. Chúng có thể tồn tại cho tới khi vết thương bên trong cấu trúc da lành lặn hoàn toàn. Bỏng độ 2 thường khiến da trở nên sạm màu hơn sau khi lành. Trong quá trình tái tạo lại cấu trúc da, bệnh nhân có thể thấy các vẩy mềm và dày bao quanh lớp da chết vì bỏng. Sau khi bong ra, bạn sẽ thấy lớp da mới bên dưới.

Với bỏng độ 2, cách sơ cứu tốt nhất cũng là cho tiếp xúc ngay với nước mát để giảm đau.

Bỏng độ 3

Đây là loại bỏng nặng nhất và mất nhiều thời gian nhất để chữa lành. Khi bị bỏng độ 3, cả lớp biểu bì và hạ bì đều bị cháy hoàn toàn, bao gồm cả nang lông, tuyến mồ hôi. Thậm chí nếu vết bỏng sâu hơn, chúng có thể gây hại cho các mô dưới da.

Có một quan niệm sai lầm cho rằng, người bị bỏng độ 3 thường sẽ cảm thấy đau nhất. Nhưng thực tế không phải vậy. Ngược lại, bỏng độ 3 gây ra vết thương vô cùng nghiêm trọng, dẫn tới cả những đầu dây thần kinh có nhiệm vụ cảm nhận sự đau cũng bị hủy hoại, tê liệt gây ra mất cảm giác đau. Tùy thuộc vào nguyên nhân, khu vực bị ảnh hưởng vùng da có thể xuất hiện màu trắng sáp, màu nâu sậm và các mụn nước.

Với bỏng độ 3 không có một khoảng thời gian chắc chắn để xác định thời gian bình phục. Mức độ bỏng này sẽ để lại những vết sẹo lớn và không thể lành theo thời gian. Nếu trường hợp bỏng quá nặng, các bác sỹ có thể phải quyết định ghép da.

Nếu tổn thương bỏng độ 3 kéo dài và lan xuống xương, cơ và gân, đó gọi là bỏng độ 4. Loại bỏng này sẽ khiến cơ thể cực kỳ đau đớn, thậm chí có thể gây tử vong.

Kết luận chung, bỏng độ 1 là loại bỏng chúng ta có thể sơ cứu và chữa lành ngay tại nhà. Trong khi đó kể từ bỏng độ 2 trở đi, bạn sẽ cần phải tới ngay các cơ sở y tế hoặc bệnh viện để chữa trị nếu không muốn để lại di chứng nguy hiểm về sau.

Một số mẹo giảm đau ngay lập tức do bỏng vô cùng hiệu quả

- Sử dụng lòng trắng trứng: Sau khi bị bỏng lấy ngay một chút lòng trắng trứng bôi vào vết bỏng để nhanh chóng giảm đau. Sau khi lòng trắng khô, tiếp tục bôi tiếp cho tới khi các vết bỏng hết phồng rộp. Cuối cùng chỉ cần lấy nước để rửa sạch.

- Sử dụng nha đam: Nhanh chóng cắt một nhánh nha dam và bôi phần nhựa lên vết bỏng, bạn sẽ thấy dịu ngay vì nha đam có tính mát và giảm đau, chống viêm rất hiệu quả.

- Sử dụng khoai tây: Hãy cắt một lát khoai tây và đắp lên vết bỏng. Cách này giúp làm dịu vết bỏng khá nhanh.

- Sử dụng mật ong: Mật ong không chỉ là một thức uống bổ dưỡng mà còn là bài thuốc hiệu nghiệm để chống nhiễm trùng và giảm đau do bị bỏng.

- Sử dụng bã trà xanh: Bã trà sau khi uống hoặc các túi lọc có chứa trà rất hiệu nghiệm trong việc giảm đau rát và phồng rộp do bỏng gây ra.

Lưu ý: Tránh bôi dầu mỡ lên vết bỏng vì có thể khiến vết bỏng thêm khó lành và nhiễm trùng. Đặc biệt không được chườm đá lạnh lên vết bỏng ngay lập tức vì nó có thể làm tổn thương lớp biểu bì, gây ra hoại tử về sau.

Tiến Thanh

Chủ đề khác