VnReview
Hà Nội

"Lười biếng" không xấu đâu, nó còn được quá trình tiến hóa ủng hộ!

Một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học đã phát hiện ra mối liên kết thú vị giữa tỷ lệ trao đổi chất và khả năng tuyệt chủng của các loài sinh vật. Theo đó, dường như quá trình tiến hóa đang ngầm ủng hộ cho sự lười biếng...

Nếu bạn đang ngồi lướt internet và đọc câu chuyện này thay vì làm những việc có ích hơn thì thật tuyệt vời, có tin vui cho bạn đây. Một nghiên cứu khoa học mới đây đã kết luận, có một số loài sinh vật sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ sự lười biếng. Như một món quà, quá trình tiến hóa sẽ cho phép chúng tiếp tục truyền gien tới đời sau và duy trì nòi giống.

Bài nghiên cứu, được đăng tải trên trang Proceedings of the Royal Society B, cho thấy mối liên kết rất thú vị giữa tỷ lệ trao đổi chất và khả năng tuyệt chủng của các loài sinh vật. Hóa ra, là một cá thể năng động, liên tục bận rộn là cách rất tốt để... chết sớm.

Các nhà khoa học tham gia nghiên cứu đã thu thập dữ liệu của hơn 300 loài vật khác nhau từ 5 triệu năm trước cho tới ngày nay. Sau đó, họ phác thảo nhu cầu trao đổi chất của các loài, rồi đánh giá các hoạt động cần thiết để loài vật có thể duy trì sự sống. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những loài càng năng động thì càng có khả năng bị tuyệt chủng cao hơn.

"Chúng tôi tự hỏi, 'dựa trên sự hấp thụ năng lượng của một sinh vật, làm sao bạn có thể nhìn ra được xác suất tuyệt chủng của chúng?'" Luke Strotz, nhà khoa học của trường đại học Kansas và là tác giả chính của nghiên cứu mới này, giả thích. "Chúng tôi đã tìm ra sự khác biệt giữa các loài nhuyễn thể đã tuyệt chủng từ 5 triệu năm trước với những loài nhuyễn thể còn tồn tại ngày nay. Những sinh vật tuyệt chủng có tỷ lệ trao đổi chất cao hơn so với những sinh vật còn tồn tại đến nay".

Về phương diện toán học, nhận định trên đem lại nhiều ý nghĩa. Theo đó, những giống loài tương tự nhau nhưng tỷ lệ trao đổi chất khác nhau sẽ có khả năng sống sót khác nhau. Tùy môi trường, những loài có mặt bằng chung trao đổi chất thấp hơn thì thường kéo dài được tuổi thọ lâu hơn. "Những sinh vật có nhu cầu tái tạo năng lượng thấp hơn dường như có khả năng sống sót cao hơn so với những sinh vật có nhu cầu tái tạo cao", Strotz nói thêm.

Đây là một phát hiện thú vị, nhưng nó không đúng cho muôn loài. Nghiên cứu gần đây về tổ tiên loài người cổ đại phát hiện ra rằng, một nhóm người lười biếng thuộc loài Homo erectus đã bị tiêu diệt sau khi họ tìm ra cách để tạo ra công cụ và kiếm tìm những vùng đất mới quá dễ dàng. Có vẻ như sự biếng nhác sẽ chỉ đóng vai trò đáng kể nếu nhận được sự ủng hộ của môi trường xung quanh. Cách tiếp cận "ít nỗ lực" (least-effort) có thể khiến loài vật sớm đi vào sách đỏ hơn nếu chúng lười biếng sai cách, dẫn đến việc không thể thích nghi với thế giới đang thay đổi liên tục này.

Shirley

Chủ đề khác