VnReview
Hà Nội

Chăn nuôi công nghiệp là một trong những tội ác tồi tệ nhất lịch sử

Số phận của động vật nuôi công nghiệp là một trong những câu hỏi cấp bách nhất về mặt đạo đức trong thời đại của chúng ta. Hàng tỷ con vật với những cảm giác và cảm xúc riêng biệt, sống và chết trên một dây chuyền sản xuất.

Con đường phát triển của loài người trải đầy xác chết của các loài động vật. 'Ảnh: John Eveson/Re

Động vật là nạn nhân chính của lịch sử, và cách đối xử với gia súc gia cầm trong các trang trại công nghiệp có lẽ là tội ác tồi tệ nhất lịch sử. Con đường phát triển của loài người trải đầy xác chết của các loài động vật. Thậm chí, từ hàng chục nghìn năm trước, tổ tiên thời đồ đá của chúng ta đã gây ra hàng loạt thảm họa sinh thái. Khoảng 45.000 năm trước, khi những người đầu tiên đặt chân đến châu Úc, họ đã nhanh chóng làm tuyệt chủng 90% các động vật lớn của châu lục này. Đây là tác động to lớn đầu tiên mà người hiện đại (người Homo Sapien) gây ra cho hệ sinh thái của hành tinh này. Tất nhiên, đó chưa phải là tác động cuối cùng.

Khoảng 15.000 năm trước, con người đặt chân đến châu Mỹ, đưa khoảng 75% động vật có vú lớn của châu lục này vào danh sách tuyệt chủng. Rất nhiều loài động vật khác đã biến mất khỏi châu Phi, khỏi lục địa Á - Âu và khỏi vô số hải đảo xung quanh bờ biển của các châu lục này. Hồ sơ khảo cổ học của rất nhiều quốc gia kể câu chuyện buồn tương tự. Kịch bản diễn ra như sau: ban đầu, rất nhiều loài động vật lớn cùng nhau sinh sống, không có dấu vết của người hiện đại. Và rồi con người xuất hiện (bằng chứng là có sự tồn tại của một mẩu xương hóa thạch, một ngọn giáo, và có lẽ là lửa trại). Rất nhanh sau đó, đàn ông và phụ nữ chiếm vị trí trung tâm, hầu hết các loài động vật lớn, cùng nhiều loài động vật nhỏ hơn, đã biến mất. Nhìn chung, con người đã đẩy khoảng 50% loài động vật có vú trên cạn của hành tinh tới vực thẳm tuyệt chủng trước khi họ trồng cánh đồng lúa mì đầu tiên, chế tạo công cụ kim loại đầu tiên, viết văn bản đầu tiên hay đúc đồng tiền xu đầu tiên.

Dấu mốc quan trọng tiếp theo trong mối quan hệ giữa con người và động vật là cuộc cách mạng nông nghiệp: quá trình chúng ta chuyển từ dân du mục săn bắn hái lượm thành nông dân sống trong những khu định cư cố định. Quá trình này liên quan đến sự xuất hiện của một hình thức sống hoàn toàn mới trên Trái đất: động vật thuần hóa hay gia súc, gia cầm. Ban đầu, sự phát triển này dường như có vai trò khá nhỏ bé vì con người chỉ thuần hóa được chưa đến 20 loài động vật có vú và chim, so với vô số các loài vẫn còn "hoang dã". Tuy nhiên, nhiều thế kỷ trôi qua, hình thức sống mới này trở thành một chuẩn mực. Ngày nay, hơn 90% các loài động vật lớn được thuần hóa ("lớn" hàm ý động vật có trọng lượng ít nhất vài kilôgam). Hãy lấy gà làm ví dụ. 10.000 năm trước, gà là một loài chim quý hiếm chỉ thấy ở một vài nơi thuộc vùng Nam Á. Ngày nay, hàng tỷ con gà có mặt ở hầu hết các lục địa và hải đảo, ngoại trừ Nam Cực. Gà thuần hóa có lẽ là loài chim phổ biến nhất trong lịch sử của Trái đất. Nếu bạn đánh giá thành công của một loài bằng số lượng, thì gà, bò và lợn là những con vật thành công nhất từ trước tới nay.

Tuy nhiên, những loài động vật thuần hóa phải trả giá cho sự thành công tập thể chưa từng có của chúng bằng những đau khổ cá nhân chưa từng thấy. Thế giới động vật đã nếm trải nhiều đau đớn và khổ sở trong hàng triệu năm. Tuy nhiên, cuộc cách mạng nông nghiệp tạo ra những đau khổ hoàn toàn mới và ngày càng tồi tệ hơn ở những thế hệ sau.

Nếu chỉ nhìn qua, động vật thuần hóa có vẻ hạnh phúc hơn nhiều so với tổ tiên và họ hàng hoang dã của chúng. Trâu hoang dã phải ngày ngày đi kiếm thức ăn, nước uống và nơi trú ẩn, và thường xuyên bị sư tử, ký sinh trùng, lũ lụt và hạn hán đe dọa. Ngược lại, gia súc thuần hóa được con người chăm sóc và bảo vệ. Con người mang đến cho bò và bê thức ăn, nước uống và nơi trú ẩn, chữa bệnh cho chúng và bảo vệ chúng khỏi động vật săn mồi và thiên tai. Đúng là hầu hết bò và bê sớm hay muộn đều bị đưa đến lò mổ. Nhưng điều đó có làm cho số phận của chúng tồi tệ hơn so với những con trâu hoang dã? Bị ăn thịt bởi một con sư tử có tốt hơn là bị giết bởi con người? Hàm răng cá sấu có nhẹ nhàng và êm ái hơn lưỡi dao bằng thép?

Điều khiến sự tồn tại của động vật thuần hóa trở nên đặc biệt tàn nhẫn không chỉ là cách mà chúng chết đi mà trên tất cả là cách chúng sống. Có hai yếu tố cạnh tranh đã hình thành các điều kiện sống của động vật được chăn nuôi: một mặt, con người muốn thịt, sữa, trứng, da, sức mạnh cơ bắp của động vật và muốn được tiêu khiển; mặt khác, con người phải đảm bảo sự tồn tại và sinh sản lâu dài của động vật nuôi. Về mặt lý thuyết, điều này sẽ bảo vệ động vật nuôi không bị đối xử tàn nhẫn. Nếu một người nông dân vắt sữa bò mà không cung cấp thức ăn và nước uống cho con bò, sản lượng sữa sẽ giảm, và con bò sẽ nhanh chóng chết đi. Thật không may, con người có thể gây ra đau khổ to lớn cho động vật nuôi theo những cách khác, ngay cả khi vẫn đảm bảo sự sống còn và sinh sản của chúng. Gốc rễ của vấn đề là động vật thuần hóa đã thừa hưởng từ tổ tiên hoang dã của chúng nhiều nhu cầu về thể chất, cảm xúc và giao tiếp xã hội - những thứ vốn trở nên dư thừa trong các trang trại công nghiệp. Nông dân có thể bỏ qua những nhu cầu này mà không phải trả bất kỳ chi phí kinh tế nào. Họ nhốt động vật nuôi trong những chiếc chuồng chật hẹp, cắt xén sừng và đuôi của chúng, tách mẹ khỏi con non và gây giống kỳ quái một cách chọn lọc. Các loài động vật phải chịu đựng rất nhiều, nhưng chúng vẫn tiếp tục sống và sinh sản.

Gà giò, được nuôi để lấy thịt, thường bị què quặt vì mật độ quá đông. Ảnh: PA

Chẳng phải điều đó mâu thuẫn với các nguyên tắc cơ bản nhất trong thuyết tiến hóa của Darwin? Lý thuyết tiến hóa cho rằng tất cả bản năng và động lực đều phát triển vì lợi ích của sự sống còn và sinh sản. Nếu vậy, liệu rằng việc sinh sản liên tục của động vật được nuôi trong các trang trại có thể chứng minh tất cả nhu cầu thực sự của chúng đều được đáp ứng? Làm thế nào một con bò lại có một "nhu cầu" mà không thực sự cần thiết cho sự sống còn và sinh sản của nó?

Đúng là tất cả bản năng và động lực phát triển để đáp ứng những áp lực tiến hóa của sự sống còn và sinh sản. Tuy nhiên, khi những áp lực này biến mất, các bản năng và động lực đã được hình thành không mất đi ngay lập tức. Ngay cả khi không còn là công cụ để tồn tại và sinh sản, chúng vẫn tiếp tục mang lại cho động vật những trải nghiệm chủ quan. Các nhu cầu về thể chất, cảm xúc và giao tiếp xã hội của bò, chó và con người ngày nay không phản ánh điều kiện hiện tại mà phản ánh áp lực tiến hóa mà tổ tiên đã gặp phải hàng chục nghìn năm trước. Tại sao người hiện đại lại thích đồ ngọt? Không phải vì vào đầu thế kỷ 21 chúng ta phải ăn kem và sô cô la để tồn tại. Mà đó là bởi nếu tổ tiên thời đồ đá của chúng ta gặp trái cây chín ngọt, thì điều hợp lý nhất họ làm là ăn càng nhiều và càng nhanh càng tốt. Tại sao thanh niên lại lái xe thiếu cẩn trọng, dễ dàng gây gổ và tấn công các trang web bảo mật trên Internet? Bởi vì họ đang làm theo các động lực di truyền cổ xưa. 70 nghìn năm trước, một thợ săn trẻ tuổi đã mạo hiểm cả mạng sống để đuổi theo một con voi khổng lồ, để khiến mình nổi bật so với tất cả đối thủ cạnh tranh và chiếm được cảm tình của người đẹp - và chúng ta đang bị mắc kẹt với gen "đại trượng phu" của vị tổ tiên đó.

Logic tiến hóa tương tự định hình cuộc sống của bò và bê trong các trang trại công nghiệp. Gia súc hoang dã cổ xưa là động vật xã hội. Để tồn tại và sinh sản, chúng cần giao tiếp, hợp tác và cạnh tranh hiệu quả. Giống như tất cả động vật có vú xã hội, gia súc hoang dã học các kỹ năng xã hội cần thiết thông qua chơi đùa. Chó con, mèo con, bê con và trẻ em đều thích chơi đùa vì quá trình tiến hóa đã cấy động lực này vào bên trong chúng. Trong tự nhiên, chúng cần phải chơi đùa. Nếu không, chúng sẽ không học được các kỹ năng xã hội quan trọng cho sự sống còn và sinh sản. Nếu một con mèo con hoặc con bê được sinh ra với một số đột biến hiếm hoi khiến chúng thờ ơ với chơi đùa, chúng không thể tồn tại hoặc sinh sản, như thể ngay từ đầu chúng đã không tồn tại nếu tổ tiên của chúng không có được những kỹ năng đó. Tương tự như vậy, quá trình tiến hóa cấy vào chó con, mèo con, bê và trẻ em một mong muốn vượt trội là được liên kết với mẹ của chúng. Một đột biến ngẫu nhiên làm suy yếu mối liên kết mẹ - con là một bản án tử hình.

Điều gì xảy ra khi ngày nay nông dân tách riêng một con bê ra khỏi bò mẹ, nhốt nó vào một cái chuồng nhỏ, tiêm vắc xin cho nó để chống lại nhiều loại bệnh khác nhau, cung cấp cho nó thức ăn và nước uống, và sau đó, khi đủ lớn, thụ tinh nhân tạo cho nó bằng tinh trùng của bò? Từ góc độ khách quan, con bê này không còn cần đến mối liên kết với mẹ hoặc bạn tình để tồn tại và sinh sản. Tất cả các nhu cầu của nó đều được con người đáp ứng. Nhưng từ quan điểm chủ quan, con bê vẫn có thôi thúc mạnh mẽ là được liên kết với mẹ và chơi đùa với những con bê khác. Nếu những thôi thúc này không được đáp ứng, con bê sẽ phải chịu đựng rất nhiều.

Đây là bài học cơ bản của tâm lý học tiến hóa: một nhu cầu đã định hình hàng nghìn thế hệ trước vẫn tiếp tục được cảm nhận ngay cả khi nó không còn cần thiết cho sự sống còn và sinh sản trong hiện tại. Bi kịch là, cuộc cách mạng nông nghiệp đã cho con người điều kiện để đảm bảo sự tồn tại và sinh sản của động vật nuôi trong khi có thể bỏ qua nhu cầu chủ quan của chúng. Kết quả là, động vật nuôi là những loài động vật thành công nhất trên thế giới, và đồng thời cá nhân chúng là những loài động vật khốn khổ nhất từng tồn tại.

Tình hình chỉ trở nên tồi tệ hơn trong vài thế kỷ vừa qua, khi nông nghiệp truyền thống nhường chỗ cho canh tác công nghiệp. Trong các xã hội truyền thống như Ai Cập cổ đại, đế chế La Mã hay Trung Hoa thời trung cổ, con người có hiểu biết giới hạn về sinh hóa, di truyền học, động vật học và dịch tễ học. Do đó, sức mạnh thao túng của họ bị hạn chế. Ở những ngôi làng thời trung cổ, gà tự do đi lại giữa những ngôi nhà, nhặt nhạnh hạt và giun từ trong đống rác, và làm tổ trong chuồng. Nếu một nông dân tham vọng cố gắng nhốt 1.000 con gà trong một chiếc chuồng đông đúc, dịch cúm gia cầm chết người chắc chắn sẽ xảy ra, xóa sạch tất cả đàn gà, cũng như nhiều dân làng. Không một linh mục, pháp sư hay phù thủy nào có thể ngăn cản được điều đó. Nhưng khi khoa học hiện đại đã giải mã được bí mật của chim, virus và thuốc kháng sinh, con người có thể đưa động vật vào những điều kiện sống khắc nghiệt. Với sự giúp đỡ của tiêm chủng, thuốc, hoóc môn, thuốc trừ sâu, hệ thống điều hòa trung tâm và máy cấp thức ăn tự động, giờ đây con người có thể nhồi nhét hàng chục nghìn con gà vào những chiếc chuồng nhỏ, và sản xuất thịt và trứng với hiệu quả chưa từng có.

Khoa học cho thấy động vật là những sinh vật có cảm giác, có thể cảm nhận nỗi đau và sự cô đơn. Ảnh: Graham Turner/Guardian

Số phận của động vật trong các cơ sở công nghiệp như vậy đã trở thành một trong những vấn đề đạo đức bức xúc nhất thời đại chúng ta. Ngày nay, hầu hết các loài động vật lớn sống trong các trang trại công nghiệp. Chúng ta cho rằng hành tinh này là nơi cư trú của sư tử, voi, cá voi và chim cánh cụt. Điều đó có thể đúng trên kênh National Geographic, trong các bộ phim của Disney và các câu chuyện cổ tích của trẻ em, nhưng nó không còn đúng với thế giới thực. Thế giới có 40.000 con sư tử nhưng có khoảng 1 tỷ con lợn thuần hóa; 500.000 con voi nhưng có tới 1,5 tỷ con bò thuần hóa; 50 triệu con chim cánh cụt trong khi có tới 20 tỷ con gà.

Năm 2009, châu Âu có tổng cộng 1,6 tỷ con chim hoang dã. Cùng năm đó, ngành công nghiệp thịt và trứng châu Âu đã nuôi 1,9 tỷ con gà. Tổng cộng, các loài động vật thuần hóa của thế giới nặng khoảng 700 triệu tấn, so với 300 triệu tấn của con người và chưa tới 100 triệu tấn của các động vật hoang dã lớn.

Đây là lý do tại sao việc nuôi nhốt động vật trong các trang trại không phải là một vấn đề kém quan trọng về mặt đạo đức. Nó liên quan đến phần lớn sinh vật lớn của Trái đất: hàng chục tỷ sinh vật có cảm giác, mỗi một sinh vật lại có một thế giới cảm xúc và tình cảm phức tạp, nhưng sống và chết đi trên một dây chuyền sản xuất công nghiệp. 40 năm trước, nhà triết học đạo đức Peter Singer đã xuất bản cuốn sách Animal Liberation, làm thay đổi suy nghĩ của con người về vấn đề này. Singer cho rằng chăn nuôi công nghiệp gây ra nhiều đau đớn và khổ sở hơn tất cả các cuộc chiến tranh lịch sử cộng lại.

Nghiên cứu khoa học về động vật đóng vai trò không mấy tích cực trong bi kịch này. Cộng đồng khoa học đã sử dụng kiến ​​thức ngày càng tăng về động vật để thao túng cuộc sống của chúng hiệu quả hơn nhằm phục vụ ngành công nghiệp của con người. Tuy nhiên, chính những kiến ​​thức này đã chứng minh không chút nghi ngờ rằng động vật nuôi là những sinh vật có cảm xúc, với quan hệ xã hội phức tạp và các mô hình tâm lý phức tạp. Chúng có thể không thông minh như chúng ta, nhưng chúng chắc chắn biết thế nào là đau đớn, sợ hãi và cô đơn. Chúng cũng có thể cảm nhận được nỗi đau, và cũng có thể cảm thấy hạnh phúc.

Đã đến lúc chúng ta nhìn nhận nghiêm túc về những phát hiện khoa học này, bởi vì khi sức mạnh của con người tiếp tục phát triển, khả năng chúng ta mang đến đau đớn hay lợi ích cho các loài động vật khác cũng phát triển theo. Chọn lọc tự nhiên đã chi phối cuộc sống trên Trái Đất trong 4 tỷ năm. Giờ đây cuộc sống ngày càng bị chi phối bởi trí thông minh của con người. Công nghệ sinh học, công nghệ nano và trí thông minh nhân tạo sẽ sớm cho phép con người định hình lại sinh vật sống theo những cách hoàn toàn mới, điều này sẽ định nghĩa lại ý nghĩa của cuộc sống. Khi chúng ta kiến thiết thế giới này, chúng ta nên tính đến phúc lợi của tất cả sinh vật sống, không chỉ của con người.

Tô Sỹ

Theo The Guardian

https://www.theguardian.com/books/2015/sep/25/industrial-farming-one-worst-crimes-history-ethical-question?CMP=fb_gu

Chủ đề khác