VnReview
Hà Nội

Nâng tuổi tàu bay lên 25 năm: Sao cho an toàn?

Tuổi thọ chỉ là yếu tố thời gian. Vấn đề quan trọng nhất là các điều kiện an toàn bay vẫn đáp ứng đúng tiêu chuẩn quy định.

Vì sao kéo dài tuổi thọ?

Mới đây, trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 92/2016/NĐ-CP và Nghị định 30/2013/NĐ-CP liên quan đến lĩnh vực kinh doanh hàng không dân dụng, Bộ GTVT đề xuất nâng độ tuổi tàu bay vận chuyển hành khách từ 20 năm lên 25 năm, máy bay chở hàng từ 25 năm lên 30 năm.

Trước đề xuất trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 20/9, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách khoa TPHCM cho rằng, việc thay đổi trên có thể là để bắt kịp với thế giới.

Trước kia, khi trình độ kỹ thuật sản xuất chưa phát triển, tuổi đời máy bay cũng ngắn, do không đáp ứng được yếu tố an toàn bay. Giờ kỹ thuật sản xuất đã ngày càng hiện đại, nên tuổi thọ gia tăng là điều dễ hiểu. Nếu đủ điều kiện bay mà không cho bay là lãng phí.

Thế nhưng, cần phải xác định rõ ràng, tuổi thọ chỉ là tổng thể. Nhiều khi máy bay tuổi đời còn trẻ nhưng các điều kiện lại không đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn bay.

Kéo dài tuổi thọ máy bay hành khách từ 20 lên 25 năm

Thông thường, tuổi thọ của máy bay được nhà sản xuất đặt ra và thường dựa trên chu trình cất cánh – hạ cánh. Phần dễ bị xuống cấp nhanh nhất là kim loại trên thân máy bay và sự hao mòn trên cánh cũng vậy. Đặc biệt, khi thường xuyên bay chặng ngắn, chúng phải trải qua những chu trình điều áp hàng ngày. Nghĩa là, tuổi thọ chỉ là vấn đề thời gian, còn việc có được bay hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề khác.

"Vì vậy, về việc kéo dài tuổi thọ trên, Bộ GTVT cần làm rõ, căn cứ vào đâu đưa ra mức tuổi thọ đó, có đối chiếu tiêu chuẩn quốc tế hay không.

Nếu có đối chiếu cũng không thể tùy tiện, làm gì cũng nên tuân theo quy định của thế giới. Các máy bay được kéo dài tuổi thọ phải kiểm tra, xem xét cẩn trọng.

Rõ ràng, điểm mấu chốt ở đây, là việc xác định chất lượng máy bay. Việt Nam đang không đủ điều kện, máy bay tốt hay không tốt phụ thuộc chuyên gia kiểm định quốc tế, trình độ cao.

Nhà sản xuất hay các hãng hàng không thuê máy bay sử dụng, đều có lý do kéo dài tuổi thọ. Việc đi thuê các máy bay cũ sẽ giúp hãng hàng không tiết kiệm chi phí, vì giá thuê sẽ rẻ hơn máy bay mới. Cho nên, người sử dụng cần có phương pháp kiểm tra. Hiện tại, Việt Nam rất yếu, thậm chí không thể làm việc này", vị chuyên gia trên khẳng định.

Phải kiểm tra cho nghiêm ngặt

Ở góc độ khác, theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, với các hãng bay Việt Nam, trong vòng 3 năm trở lại đây, nhiều hãng hàng không không ngừng mua sắm, khiến Việt Nam trở thành một trong những thị trường mua bán máy bay nhộn nhịp.

Như Vietjet Air đã mạnh tay sắm mới 183 máy bay các loại, trị giá các hợp đồng lên tới 20 tỷ USD. Hay Vietnam Airlines, cuối năm 2016, ký liên tiếp 2 hợp đồng lớn mua 11 máy bay Boeing 787-9 và 10 máy bay A350 XWB-900.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, mua gần 200 máy bay các loại, nhưng tới nay, đội bay của Vietjet Air vẫn chỉ biên chế 40 chiếc, gần như toàn bộ là Airbus A320-200 và A321-200 đi thuê, tuổi đời trung bình chỉ khoảng hơn 3 năm tuổi.

Chỉ 5 trong tổng số 40 chiếc máy bay này là thuộc sở hữu của Vietjet Air.

Còn theo báo cáo thường niên 2016 của Vietnam Airlines, ngày 31/5, tổng số máy bay của Vietnam Airlines bao gồm 99 chiếc. Trong đó, hãng sở hữu 58 chiếc và 41 chiếc là đi thuê.

Điều này cũng dễ hiểu khi các hãng đã áp dụng nghiệp vụ tài chính sale and lease back - nghiệp vụ mua và bán lại máy bay vốn rất phổ biến trong ngành hàng không, được nhiều hãng áp dụng để xoay vòng vốn.

"Tôi cũng được lắng nghe nhiều chia sẻ của một số chuyên gia, rằng việc kéo dài tuổi thọ trên có phải là cách nới lỏng quy định cho hãng hàng không mới được cấp phép thành lập hãng bay hay không?.

Nhưng dù có thế nào, thì vẫn phải kiểm tra an toàn bay cho nghiêm ngặt. Nga như một người lớn tuổi leo núi cũng cần kiểm tra sức khỏe có đảm bảo hay không, chứ không phải ai cũng được, máy bay cũng vậy.

Với dự thảo mới của Bộ GTVT, không chỉ là đội ngũ tàu bay mà còn liên quan đến kinh tế tài chính, nên cần công khai, minh bạch, làm nghiêm túc.

Điều kiện của máy bay bảo đảm an toàn cho bay bao gồm: động cơ, bảo dưỡng, bảo trì trên từng bộ phận, chi tiết máy bay. Tất cả phải được giám sát, kiểm định rõ ràng, chặt chẽ.

Dĩ nhiên, quy trình bảo dưỡng đối với máy bay hơi khác biệt. Đó là không phải bộ phận nào cũng có độ tuổi như nhau, mà phải thay thế từng bộ phận khác nhau. Đó chính là cách kéo dài tuổi thanh xuân của máy bay đang được các nước áp dụng hiệu quả", ông Tống gợi ý.

Theo Báo Đất Việt

Chủ đề khác