VnReview
Hà Nội

Không lực giả mạo: Trung Quốc và lực lượng không quân toàn "hàng nhái"

Song song với sự bành trướng về tầm ảnh hưởng, Trung Quốc cũng đang không ngừng phát triển thêm về tiềm lực quân sự. Nâng cao khả năng của Hải quân, đầu tư mạnh tay vào công nghệ vũ khí, xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài,... chính là những ví dụ cho mục tiêu biến Trung Quốc trở thành một siêu cường quốc của ông Tập Cận Bình.

Nhưng đi ngược lại với tham vọng ấy, lực lượng Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) lại đang biến những sản phẩm của quốc gia khác trở thành nguồn "cảm hứng" tạo ra trang thiết bị cho quân đội vũ trang của mình. Về mặt chiến thuật, việc mua lại hoặc ăn cắp các công nghệ quân sự sẽ trở thành một điểm yếu, nhưng đổi lại, Trung Quốc có thể dễ dàng cắt giảm chi phí và thời gian cho quá trình nghiên cứu và phát triển các khí tài quân sự.

Và cũng chẳng nơi đâu lại có kiểu "tiếp thu" đầy dối trá và vụng về như Không lực Trung Quốc. Giống với Mỹ, Trung Quốc cũng tự cho ra mắt hàng loạt các mẫu chiến đấu cơ đa dụng, nhưng trái khác Mỹ, phần lớn các máy bay của Trung Quốc đều được hoàn thiện dựa trên các bản kế hoạch được mua hoặc ăn trộm từ những đối thủ của mình. Dưới đây là 7 ví dụ về sự "vay mượn" này.

Thành Đô J-10 và F-16 của Mỹ

Vào những năm 1980, Mỹ đã hợp tác với Israel để phát triển một mẫu chiến đấu cơ mới dựa trên chiếc F-16 do General Dynamics sản xuất. Tuy nhiên, do giá thành "đội trời", Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận trên, bỏ lại Israel với chiếc tiêm kích "Lavi" còn đang dang dở. Nhiều năm về sau, Mỹ mới phát hiện ra rằng Israel đã bán bản kế hoạch phát triển chiếc Lavi cho Trung Quốc, cho phép quốc gia này quyền truy cập chưa từng có vào những công nghệ vốn được phát triển dành cho chiếc F-16.

Chiếc J-10 không chỉ giống với chiếc F-16 ở kiểu dáng chung. Những công nghệ do Israel cung cấp cho Trung Quốc đã cho phép quốc gia này tạo ra những cải tiến đáng kể cho các mẫu máy bay tiêm kích của thập niên 1960 mà họ đang vận hành. Tuy chiếc J-10 không phải là mẫu máy bay duy nhất thừa hưởng đặc điểm của F-16 nhưng đây chính là ví dụ trực quan nhất.

Năm trước, Trung Quốc còn cho ra mắt phiên bản nâng cấp mới của chiếc J-10 được trang bị đĩa radar điều khiển tấn công tiên tiến, kèm theo đó là việc áp dụng chất liệu tổng hợp để giảm khối lượng máy bay và một vài cải tiến khác để giúp chiếc J-10 không bị lỗi thời trong nhiều thập kỉ tới.

Thẩm Dương J-11/16 và Sukhoi Su-27 của Nga

Năm 1989, Liên minh Xô-viết rơi vào đà sụp đổ, tận dụng tình thế này, Trung Quốc đã tìm cách để đảm bảo có được dây chuyền sản xuất chiếc Sukhoi Su-27, một mẫu máy bay tiêm kích chiếm ưu thế trên không được phát triển để chống lại các loại máy bay phản lực của Mỹ, ví dụ như chiếc T-14 Tomcat. Về phía Xô-viết, họ thực tình chỉ muốn bán đi thiết kế của chiếc MiG mới, song trước viễn cảnh kinh tế đầy tăm tối, họ không còn nhiều lựa chọn. Sau đó, Trung Quốc ngay lập tức khởi động việc tự mình sản xuất mẫu máy bay Su-27, đồng thời thêm vào những cải tiến về thiết kế. Chiếc J-11 chính là "sản phẩm" của quá trình trên.

Khác với những mẫu tiêm kích mà Trung Quốc đang sở hữu lúc đó, mẫu Su-27 được trang bị hệ thống điện tử tiên tiến và công nghệ điều khiển điện tử, giúp Trung Quốc có thể áp dụng những công nghệ này vào các nền tảng chiến đấu hiện tại.

Không những vậy, vào năm 2000, Nga đã bán cho Trung Quốc một số cải tiến mà quốc gia này thêm vào nền tảng Su-27. Sau đó, Trung Quốc cũng đã tìm cách để kết hợp những cải tiến này với các công nghệ họ tự phát triển để có thể mang tới mẫu J-16, một phiên bản cải tiến và nâng cấp của mẫu Su-27.

Thẩm Dương J-15 và Sukhoi Su-33 của Nga

Dòng máy bay J-15 hiện nay đang đóng vai trò là dòng chiến đấu cơ chủ lực có thể hoạt động trên tàu sân bay của Trung Quốc. Tương tự với khi ra mắt dòng J-11, J-15 ban đầu được sản xuất từ dây chuyền sản xuất chiếc Su-33 mà Trung Quốc mua lại được. (Mẫu Su-33 là phiên bản có thể hoạt động trên tàu sân bay của mẫu Su-27).

Song lần này, do Xô-viết từ chối tiết lộ những bí mật trong thiết kế của chiếc Su-33, Trung Quốc đã tự mua một nguyên mẫu chiếc Su-33 từ Urkraine, nguyên mẫu này được gọi là T-10K-3. Ngay sau khi sở hữu nguyên mẫu trên, Trung Quốc đã bắt đầu quá trình nghiên cứu ngược chiếc Su-33.

Và kết quả là một mẫu máy bay có thể hoạt động trên tàu sân bay với cánh gập và thiết kế tổng thể tương đồng với mẫu Su-33, đi cùng với đó là một vài nâng cấp của Trung Quốc, bao gồm việc sử dụng vật liệu tổng hợp để giảm thiểu khối lượng máy bay.

Về mặt kĩ thuật mà nói, dòng J-15 có thể chính là mẫu máy bay tiêm kích chiếm ưu thế trên không có khả năng "ngang cơ" với tiêm kích đánh chặn F-15 của Mỹ. Với những điểm vượt trội hơn về tốc độ tối đa, tải trọng tối đa và trần hoạt động, Trung Quốc tự tin khẳng định rằng chiếc J-15 của mình sẽ giành chiến thắng nếu đưa hai mẫu máy bay này lên cuộc chiến một chọi một.

Song, khả năng hoạt động của J-15 lại bị giới hạn nặng nề bởi cơ cấu phóng. Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc là mẫu tàu sử dụng hệ thống đường băng dốc phóng, đây chính là điểm làm hạn chế tải trọng vận hành tối đa của chiếc J-15, làm giảm lượng vũ khí mà nó có thể mang vào cuộc chiến. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang tiến hành nghiên cứu mẫu tàu sân bay mới với hệ thống phóng điện từ tương tự hệ thống đang được trang bị trên các tàu sân bay dòng Ford mới của Mỹ. Nhưng có lẽ chiếc J-15 chẳng thể sống đủ lâu để chờ tới ngày được vận hành trên mẫu tàu sân bay mới.

CASC Caihong-4 và MQ-9 Reaper của Mỹ

Tuy rằng không có bằng chứng công khai nào để chứng minh cho cáo buộc ăn cắp của Mỹ về thiết kế của chiếc máy bay không người lái có vũ trang Caihong-4 là một sản phẩm dựa trên bản kế hoạch được ăn cắp từ mẫu MQ-9 Reaper của hãng General Atomics, nhưng chỉ cần nhìn qua bạn cũng sẽ nhìn thấy được sự tương đồng trên cả hai mẫu drone này. Các điểm tương đồng tổng quan có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường nhưng có lẽ sự sao chép chỉ dừng lại ở thiết kế bên ngoài.

Tuy rằng được xây dựng ăn theo mẫu máy bay UAV của Mỹ nhưng CH-4 lại không được trang bị nhiều trạm gắn vũ khí bên ngoài, đồng thời, mẫu này lại chỉ có thể đạt được những thông số chiến đấu và thời lượng bay ngang với chiếc MQ-9 Reaper của Mỹ. Đây chính là điểm giúp chúng ta thấy rằng hệ thống đẩy của chiếc CH-4 không được tốt so với mẫu máy bay đang phục vụ cho quân đội Mỹ.

FC-1 Tiểu Long và MiG-21 của Xô-viết

Tình yêu của Trung Quốc với các mẫu tiêm kích Nga không chỉ dừng lại ở thiết kế của dòng Sukhoi. Vào thập niên 1960, nước này đã mua lại kế hoạch sản xuất của chiếc Mikoyan-Gurevich MiG-21, và sau những thay đổi và nâng cấp, họ cho ra mắt nền tảng chiến đấu J-7. Những năm sau đó, J-7 trở thành phần khung cho việc nước này liên doanh với Pakistan để có thể cho ra mắt mẫu tiêm kích mới có đủ khả năng cạnh tranh với một mẫu MiG khác mới hơn: chiếc MiG-29.

Một phần nhờ vào việc nắm trong tay bản thiết kế chi tiết của chiếc F-16, kết quả của lần liên kết trên với Pakistan chính là sự pha trộn giữa hai mẫu máy bay là F-16 của Mỹ và mẫu MiG-21 của Nga, để rồi tạo ra một chiếc máy bay được cho là hoàn hảo hơn hai mẫu máy bay mẹ. Bạn có thể dễ dàng nhận ra các đặc điểm thiết kế của cả hai mẫu được xuất hiện trên chiếc FC-1 (hay còn được gọi là JF-17 tại Pakistan). Đây chính là mẫu máy bay "kế thừa" phần mũi và đuôi từ mẫu F-16 và thiết kế cánh từ mẫu MiG-21.

FC-1 vẫn đang được Trung Quốc tận dụng và tuy rằng tuổi thọ đã lên tới hàng chục năm, nhưng với tầm quan trọng của mẫu máy bay này, nó vẫn hoàn toàn đủ điều kiện để được đứng ngang hàng với những mẫu khác.

Còn tại Pakistan thì phiên bản mới hơn của chiếc JF-17 đã được trang bị thêm khả năng tiếp nhiên liệu trên không, nhẹ hơn nhờ được thay thế chất liệu vỏ sang vật liệu tổng hợp và công nghệ điều khiển điện tử thu được nhờ mua từ Xô-viết.

Thành Đô J-20 và F-22 Raptor của Mỹ

Chiếc J-20 thuộc thế hệ máy bay tiêm kích thứ năm của Trung Quốc ngoài việc là đối thủ cạnh tranh với mẫu F-22 Raptor của Mỹ, nhiều người con tin rằng nó chính là một bản sao trực tiếp từ chiếc F-22. Một người Trung Quốc tên là Su Bin đã ăn trộm được bản kế hoạch thiết kế từ hãng Lockheed Martin, người này đã bị Mỹ tuyên án 46 tháng tù giam trong Nhà tù Liên bang của nước này. Thành quả lấy được từ Lockheed Martin được cho là vẫn có tác dụng trong hàng chục năm tới.

Tạm gạt những tin tức lề bên về chiếc J-20, mẫu máy bay này có thiết kế tổng thể giống tới bất ngờ với chiếc F-22 của Mỹ nhờ vào việc được "tham khảo" tài liệu thiết kế của Mỹ. Trung Quốc cũng không quên thêm vào một vài thay đổi nhỏ về thiết kế như những sản phẩm "tham khảo" trước đó.

Với vốn hiểu biết không quá rộng trong công nghệ tàng hình của Trung Quốc, nhiều người tin rằng thiết kế tàng hình của chiếc J-20 sẽ bị giới hạn đi phần nào bởi lớp bao phủ hấp thụ sóng radar, vật liệu cấu thành nên mẫu máy bay này.

Nhiều chuyên gia Quốc phòng Mỹ cho rằng mẫu J-20 của Trung Quốc sẽ cho điểm biểu thị khi bị bắt gặp trên radar lớn hơn so với chiếc F-22, nhưng những biến thể khác của mẫu máy bay này đang dần giảm đi sự khác biệt trên. Mới chỉ hoàn thành được gần 200 chiếc F-22 thì Mỹ đã hùy chương trình này vào năm 2011. Còn về phía Trung Quốc, mẫu J-20 vẫn đã đang và sẽ tiếp tục được sản xuất với số lượng lớn trong nhiều năm tới.

Thẩm Dương J-31 và F-35 của Mỹ

Giống với trường hợp của chiếc F-22, mẫu tiêm kích F-35 Joint Strike Fighter của Lockheed Martin cũng đã bị đánh cắp bởi Su Bin, đây chính là cơ sở cho chương trình sản xuất mẫu F-31 của Trung Quốc. Mẫu phi cơ này hiện tại vẫn đang trong quá trình phát triển, nó sở hữu tầm hoạt động rộng hơn và có sức tải lớn hơn nguyên mẫu F-35. Nhiều người tin rằng, sau khi đi vào sản xuất hàng loạt, dòng J-31 sẽ sớm trở thành dòng máy bay tiêm kích được vận hành chính trên các tàu sân bay của Trung Quốc, giải quyết những vướng mắc hiện tại của dòng J-15. Tuy nhiên, J-31 cũng một phần bị hạn chế bởi sự thiếu kinh nghiệm trong công nghệ tàng hình của Trung Quốc, tương tự với mẫu J-20.

Nhìn tổng thể, thiết kế của J-31 được mượn đôi chút từ cả hai mẫu F-22 và F-35 của Mỹ, có lẽ đây sẽ là yếu tố giúp mẫu máy bay này nhẹ hơn và cơ động hơn so với các dòng tiêm kích hàng đầu của Mỹ. Nhưng đổi lại, khả năng tàng hình của nó vẫn không thể bằng mẫu F-35, đồng thời, một trong những điểm làm nên tên tuổi của phi đội Mỹ chính là bộ trang phục có gắn cảm biến giúp tăng cao khả năng phòng bị của phi công trên chiến trường.

Trong nhiều trường hợp, chiếc F-35 không chỉ đóng vai trò là một chiếc máy bay tiêm kích, nó còn phục vụ như một trung tâm dữ liệu. Chúng ta không hề thấy nhiều bằng chứng về khả năng tập trung dữ liệu vào chung một giao diện trên mẫu J-31. Điều này có nghĩa là khả năng chiến đấu của F-35 ở hiện tại vẫn đang vượt xa so với phiên bản nhái của Không lực Trung Quốc.

Trung Nguyễn

Chủ đề khác