VnReview
Hà Nội

Con người có thể là tác nhân khiến Trái Đất ngày càng rung lắc nhiều hơn

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng rất nhiều dữ liệu thu thập được hơn 100 năm qua để xây dựng các mô hình toán học nhằm theo dõi nguyên nhân về sự rung lắc của vòng quay Trái Đất. Họ nhận thấy có ba tác nhân, và loài người chịu trách nhiệm cho một trong số chúng.

Khi nhìn từ xa, Trái Đất dường như là một khối cầu hoàn hảo nhưng thực tế không phải như vậy. Trái Đất không đồng đều ở tất cả các phía do khối lượng đất đá dịch chuyển và thay đổi theo thời gian, hành tinh của chúng ta thực sự có một chút rung lắc khi quay xung quanh trục của nó. Hiện nay, một nghiên cứu mới từ các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA và một số trường đại học, trung tâm khoa học khác đã xác định chính xác nguyên nhân của sự quay vòng không hoàn hảo của Trái Đất - hay còn gọi là "chuyển động phân cực"- và họ còn nhận thấy con người đang góp phần vào hiện tượng này.

Tính toán cho thấy Trái Đất đang quay lệch trục

Hai trong ba yếu tố được xác định bởi các nhà khoa học là hiện tượng đẳng tĩnh băng và sự đối lưu của quyển Man-ta (lớp phủ địa chất). Hiện tượng đẳng tĩnh băng xảy ra khi các dải băng dày đẩy các khối đất đá xuống, nén chúng lại, nhưng sau đó lực ép này được giải phóng khi băng tan chảy. Nhờ vậy, tầng địa chất sau đó nổi dần trở lại theo thời gian, khiến vòng quay của Trái Đất lung lay như thể lệch trục. Những ảnh hưởng của kỷ băng hà cuối cùng có thể đã nén xuống một lượng lớn đất đá trên khắp các châu lục mà chúng ta vẫn đang cảm nhận được ngày nay dưới dạng đẳng tĩnh băng.

Sự đối lưu của lớp phủ địa chất, một yếu tố không kiểm soát được trong sự rung lắc của Trái Đất, liên quan đến hoạt động bên trong hành tinh của chúng ta. Các lớp phủ trên bề mặt Trái Đất thay đổi liên tục nhờ sự chuyển động của các dòng đá lỏng ở phía sâu dưới chân chúng ta. Các nhà nghiên cứu tin rằng các dòng dịch chuyển này cũng góp phần vào vòng quay không hoàn hảo của Trái Đất.

Yếu tố thứ ba và cuối cùng được xác định bởi các nhà khoa học là việc ngày càng nhiều băng của các dải băng trên vùng Greenland, Đan Mạch và các khu vực khác biến mất, đó là kết quả trực tiếp của sự nóng lên toàn cầu do các hoạt động của con người. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng Greenland đã mất khoảng 7.500 tỷ tấn băng Trái Đất nóng lên.

Tất cả số lượng băng bị mất đi trong thế kỷ 20 và hoạt động phát thải khí nhà kính được coi là nguyên nhân chính. Các dải băng biến mất đã gây ra một sự thay đổi đáng kể trên hành tinh và cũng đã góp phần làm Trái Đất rung lắc.

NASA cho biết: "Với việc chỉ ra ba phát hiện chính yếu này, các nhà khoa học có thể phân biệt những thay đổi khối lượng và chuyển động phân cực do các chu trình dài hạn của Trái Đất, từ đó chúng ta có một chút sự kiểm soát lên các yếu tố gây nên bởi hiện tượng biến đổi khí hậu... Họ giờ đây nhận thức được rằng nếu hiện tượng tan băng ở Greenland tăng nhanh, chuyển động phân cực cũng sẽ tăng theo".

Ngọc Linh

Chủ đề khác