VnReview
Hà Nội

Nobel y sinh 2018 thuộc về liệu pháp điều trị ung thư bằng cách kích hoạt hệ miễn dịch

Ủy ban Nobel của Viện Karolinska ở Thụy Điển đã vinh danh giải Nobel đầu tiên của năm 2018, Nobel Y Sinh;thuộc về hai nhà khoa học James P. Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật). Hai người được trao giải cho những khám phá về trị liệu miễn dịch, liệu pháp trị ung thư sử dụng hệ miễn dịch của cơ thể người, một cuộc cách mạng mới trong điều trị ung thư.

giải Nobel Y Sinh 2018

Tiến sĩ James P. Allison (trái) và tiến sĩ Tasuku Honjo (phải), hai nhà khoa học vừa được xướng tên cho giải Nobel y sinh 2018 về nghiên cứu ung thư (Ảnh: AP)

Ở tuổi 70, tiến sĩ James P. Allison hiện là trưởng khoa miễn dịch Trung tâm ung thư MD Anderson ở Houston, Mỹ. Còn tiến sĩ Tasuku Honjo 76 tuổi là là giáo sư khoa miễn dịch và y học di truyền Đại học Kyoto, Nhật Bản và là giáo sư xuất sắc Học viện Nghiên cứu Cao cấp của trường này. 

Cả hai tiến sĩ đều có công trình độc lập về cùng một đề tài: cách thức hệ miễn dịch bảo vệ chúng ta khỏi bệnh ung thư và những phương pháp đặc biệt để nạp lại năng lượng cho hệ miễn dịch phản ứng hiệu quả hơn. Theo NPR, công trình của Jim Allison (tên thường gọi của tiến sĩ James P. Allison) ở đại học California, Berkeley (Mỹ) tập trung vào protein mang tên CTLA-4 trong các tế bào bạch cầu T, trung tâm của hệ miễn dịch. Các tế bào T (T-Cell) tích cực phản ứng lại trước ung thư và các bệnh khác, đồng thời cũng có một cơ chế tự làm chậm để phòng ngừa các phản ứng thái quá. Phân tử protein mang tên CTLA-4 là một loại "phanh xe" (thắng xe) của các tế bào này.

Kết quả thí nghiệm trên chuột bị ung thư của Allison những năm 1990 cho thấy, các khối u ở chuột có phân tử CTLA-4 được chỉnh sửa đã biến mất. Allison nghĩ rằng việc thực hiện thí nghiệm trên người sẽ rất bất ngờ.

Khám phá của Allison đã dẫn tới sự phát triển của một nhóm thuốc mới được gọi là thuốc ức chế trạm kiểm soát miễn dịch, một cách rất hiệu nghiệm để điều trị một số loại ung thư. Loại thuốc đầu tiên dựa trên khám phá của Allison là thuốc tiêm Yervoy dùng cho bệnh ung thư da được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ FDA phê chuẩn ngày 25/3/2011.

Biết tin mình được giải Nobel, Allison nói "Tôi thật sự xúc động vì tôi chỉ là một nhà khoa học cơ bản. Tôi không tham gia vào những nghiên cứu này để chữa bệnh ung thư", dù mẹ ông đã qua đời vì bệnh ung thư hạch bạch huyết khi ông chỉ mới 11 tuổi, và em trai ông cũng đã mất năm 2005 vì ung thư tuyến tiền liệt.

Thuốc ức chế trạm kiểm soát chữa ung thư

Ảnh minh họa cơ chế của thuốc ức chế trạm kiểm soát: các protein ngăn cản khả năng trị ung thư của tế bào bạch cầu T (T-Cell) bị ức chế sẽ kích hoạt lại khả năng tấn công khối u ung thư (tumour) của hệ miễn dịch (Ảnh: United Cancer Support Foundation)

Còn đồng nghiệp của Allison ở bên kia Thái Bình Dương, tiến sĩ Tasuku Honjo đã tìm ra loại "phanh xe" thứ hai của tế bào T, protein mang tên PD-1, giúp các nhà phát triển thuốc sáng chế ra những thuốc hiệu nghiệm hơn bằng cách ức chế các tế bào PD-1 để kích hoạt các tế bào T chống lại các khối u. Một số thuốc đã phổ biến rộng rãi dựa trên khám phá của tiến sĩ Honjo là Keytruda và Opdivo đã được FDA thông qua năm 2015, dùng để trị bệnh ung thư phổi.

Nhóm thuốc mới đạt hiệu quả đáng kể trên một số ít bệnh nhân được tiếp cận chúng. Tiêu biểu là cựu tổng thống Pháp Jimmy Carter bị ung thư hắc tố, loại ung thư da nguy hiểm nhất, di căn lên não và gan. Năm 2015, tổng thống Carter đã dùng một loại thuốc ức chế trạm kiểm soát là Keytroda. Kết quả kiểm tra mới nhất hồi tháng 6 năm nay cho thấy dấu hiệu ung thư đã không còn, theo một phụ tá của ông.

Cả hai nghiên cứu của hai tiến sĩ Allison và Honjo dựa trên sự ức chế trạm kiểm soát đều tạo nên một nhóm phương pháp trị ung thư mới tiên tiến và vượt xa các phương pháp thông thường hiện nay như hóa trị, xạ trị, phẫu thuật. So với các phương pháp sử dụng hệ miễn dịch để tấn công ung thư trước đây thì ức chế trạm kiểm soát là hiệu quả nhất cho tới nay.

Đây là lần đầu tiên giải Nobel về sinh lý/y khoa được trao cho các biện pháp điều trị ung thư mới. Trước đây chỉ có những giải Nobel được trao cho các công trình tạo nên hiểu biết nền tảng về cơ chế ung thư, tiêu biểu là nghiên cứu của giáo sư Otto Warburg (người Đức) về cơ chế hô hấp của tế bào ung thư đạt giải Nobel Y Sinh năm 1931. Theo Warburg, ung thư bắt đầu khi tế bào bình thường biến đổi từ ưa khí thành yếm khí (thiếu oxy).

Theo NPR, mặc dù các loại thuốc ức chế trạm kiểm soát đã đạt được những kết quả đáng chú ý ở một số bệnh nhân, chúng vẫn chưa thể chữa trị cho tất cả bệnh nhân dùng chúng. Tỉ lệ sống sót có thể được cải thiện bằng cách kết hợp các loại thuốc này, hoặc bổ sung chúng trong các biện pháp khác như hóa trị, xạ trị. Các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới đang chạy đua thử nghiệm các loại thuốc kết hợp mới hiệu nghiệm hơn.

Do đó, "chúng ta vẫn còn nhiều việc khó khăn cần làm. Nhưng sự lạc quan đến từ sự thật là giờ đây chúng ta đã biết được những quy luật cơ bản", NPR dẫn lời tiến sĩ Allison.

Giải Nobel Y Sinh trị giá 1 triệu USD sẽ được chia đôi cho hai người chiến thắng trong buổi lễ trao giải ngày 10 tháng 12, kỷ niệm ngày mất của Alfred Nobel.

Nhà miễn dịch học người Mỹ James P. Allison sinh năm 1948 tại Alice, Texas, Hoa Kỳ. Allison lấy bằng tiến sĩ sinh học Đại học Texas năm 1973, là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại quỹ nghiên cứu Clinic and Research Foundation, La Jolla, California từ 1974-1977. Bắt đầu làm giảng viên đại học từ năm 1977-1984 tại Trung Tâm Ung Thư Hệ Thống đại học Texas, từ 1985-2012 là giảng viên các trường đại học California, trung tâm ung thư Memorial Sloan-Kettering, New York. Từ năm 2012, ông là giáo sư trung tâm ung thư MD Anderson đại học Texas, liên kết với Học viện Parker về trị liệu miễn dịch ung thư. James P. Allison từng là chủ tịch Hiệp hội các nhà miễn dịch Hoa Kỳ.

James P. Allison

Nhà miễn dịch học người Mỹ James P. Allison tại New York năm 2015 (Ảnh: AP)

Nhà miễn dịch học người Nhật Tasuku Honjo sinh năm 1942 tại Kyoto, Nhật Bản. Ông lấy bằng bác sĩ y khoa năm 1966, tiến sĩ hóa y học năm 1975 đều của Đại học Kyoto, từng là nghiên cứu sinh các học viện ở Mỹ như Học viện Carnegie, Washington, Baltimore và Học viện Sức khỏe Quốc gia, Maryland. Honjo bắt đầu làm giảng viên đại học từ năm 1974 ở Đại học Tokyo, từng giảng dạy ở Đại học Osaka, là giáo sư Đại học Kyoto từ năm 1984. Honjo cũng từng là chủ tịch Hiệp hội Miễn dịch học Nhật Bản năm 1999-2000, thành viên danh dự Hiệp hội các nhà miễn dịch Hoa Kỳ và nhận được nhiều giải thưởng ở Nhật cho các nghiên cứu của mình.

Tasuku Honjo

Nhà miễn dịch học người Nhật Tasuku Honjo phát biểu tại một buổi hội thảo ở Đại học Kyoto ngay sau khi giải Nobel y sinh 2018 được công bố (Ảnh: Mainichi)

Nguyễn Linh Trần

Chủ đề khác