VnReview
Hà Nội

Sao chổi hình "đầu lâu" sẽ dạo chơi qua Trái Đất chỉ hai tuần sau đêm Halloween

Một ngôi sao chổi có hình dạng giống "đầu lâu" sắp bay lướt qua Trái Đất sau hai tuần diễn ra lễ hội Halloween vào cuối tháng 10. Đây là lần dạo chơi thứ hai sau 3 năm mất tích của sao chổi mang biệt danh "Great Pumpkin".

Theo Sky News, sao chổi được đặt tên là Asteroid 2015 TB145 và từng được một nhóm nghiên cứu tại Đại học Hawaii, Mỹ phát hiện vào ngày 10/10/2015. NASA đặt tên cho tiểu hành tinh này là "Great Pumpkin", tạm dịch là "Quả bí ngô vĩ đại" trước khi nó lướt qua Trái Đất ở khoảng cách lên tới gần 500 ngàn km vào đêm Halloween năm 2015.

Năm nay, ngôi sao chổi này sẽ tiếp tục bay lướt qua Trái Đất thêm lần nữa vào ngày 11/11 tới ở khoảng cách lên tới 40 triệu km.

Các nhà khoa học đã quan sát ngôi sao chổi này qua Kính viễn vọng hồng ngoại của NASA đặt trên đảo Mauna Kea, Hawaii. Họ tưởng rằng ngôi sao chổi "đầu lâu" đã chết sau 3 năm lướt qua Trái Đất. Họ cũng phát hiện thấy đuôi băng của nó cũng không còn, có lẽ do đi qua quỹ đạo gần Mặt Trời nhiều lần.

Sau năm 2018, ngôi sao chổi mang hình dạng giống sọ người này sẽ chỉ xuất hiện trở lại sau khoảng 70 năm nữa. Lúc đó, nó có thể tiếp cận Trái Đất ở khoảng cách 8,6 triệu km.

Khi NASA theo dõi ngôi sao này vào năm 2015, cơ quan này cho biết "Great Pumpkin" dài 609 mét và rộng 304 mét. Theo các nhà khoa học, sao chổi này hoàn thành một vòng quay mất khoảng 5 giờ.

Trước đó vào năm 2015, hình ảnh radar đầu tiên về sao chổi hình sọ người này đã được ghi nhận tại Đài quan sát Arecibo ở Puerto Rico.

Tiến Thanh

Chủ đề khác