VnReview
Hà Nội

Nobel 2018: Sau 55 năm, thế giới lại có một người phụ nữ cùng chia sẻ giải Nobel vật lý

Hai người phụ nữ đầu tiên trên thế giới chiến thắng giải Nobel vật lý là nhà khoa học nữ lừng danh Marie Curie vào năm 1903 và nhà vật lý lý thuyết người Mỹ gốc Đức Maria Goeppert-Mayer năm 1962. Và hôm qua, sau hơn nửa thế kỷ, thế giới lại chứng kiến người phụ nữ thứ ba giành giải Nobel vật lý, một nhà vật lý quang học người Canada.

Năm 1903, Marie Curie là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới được trao giải Nobel, cùng chia giải thưởng Nobel vật lý với chồng bà Pierre Curie và Henri Becquerel cho công trình về phóng xạ. Năm 1962, nhà vật lý lý thuyết người Mỹ gốc Đức Maria Goeppert-Mayer là người phụ nữ thứ hai trong lịch sử đoạt giải Nobel vật lý với nghiên cứu về cấu trúc nguyên tử và các mức năng lượng gián đoạn của nguyên tử cùng E. Paul Wigner và Hans Jensen.

Và hôm qua, sau hơn nửa thế kỷ, thế giới lại chứng kiến người phụ nữ thứ ba giành giải Nobel vật lý, đó là nữ tiến sĩ vật lý Donna Strickland đến từ trường đại học Waterloo, Canada.

Nobel Vật lý 2016: Mở ra cánh cửa để bước vào một thế giới chưa từng được biết đến

Nobel Vật lý 2014 thuộc về phát minh LED xanh da trời

Nobel Vật lý 2012 dành cho vật lý lượng tử có thể làm siêu máy tính

Nhóm Donna Strickland và Gérard Mourou, tiến sĩ vật lý, giáo sư tại École Polytechnique, Palaiseau (Pháp) cùng chia đôi giải Nobel vật lý năm nay với nhà vật lý Arthur Ashkin đến từ Bell Laboratories, Mỹ. Một điều đặc biệt là Arthur Ashkin nhận giải thưởng danh giá này khi ông đã ở tuổi 96.

(Ảnh: Reuters)

Bộ ba nhà vật lý quang học được vinh danh "vì những phát minh đột phá trong lĩnh vực vật lý laser".

Arthur Ashkin,;tiến sĩ vật lý đại học Cornell (một trong những trường đại học hàng đầu nước Mỹ về công nghệ), được giải vì "phát minh kìm quang học và ứng dụng trong các hệ thống sinh học". Kìm quang học do Ashkin sáng chế vào năm 1986 là một chùm tia sáng nén chặt có thể bắt được các phân tử, nguyên tử, tế bào sống mà không gây hại cho chúng. Ngày nay, kìm quang học đã trở thành một công cụ phổ biến trong các phòng thí nghiệm sinh học khắp thế giới.

Còn Mourou và Strickland được vinh danh nhờ sáng chế phương pháp tạo ra các xung nhịp laser có khả năng nổ mạnh và ngắn nhất để phát tán và gia tăng cường độ ánh sáng laser, "mở đường cho nhiều lĩnh vực chưa được nghiên cứu, nhiều ứng dụng công nghiệp và y khoa".

Theo website Nobel Foundation, phát minh mang tính cách mạng của nhóm Strickland được công bố trong một bài nghiên cứu năm 1985 và là cơ sở để Strickland thực hiện luận văn tiến sĩ vật lý năm 1989 của mình. Kỹ thuật tạo xung laser mới của nhóm không gây hại cho vật liệu khuyếch đại, được gọi là khuyếch đại xung chirp (CPA-chirped pulse amplification). CPA nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn trong lĩnh vực laser cường độ cao, tiêu biểu là hàng triệu cuộc phẫu thuật mắt mỗi năm cần đến những tia laser sắc bén nhất.

Được hỏi về cảm giác của mình khi là người phụ nữ thứ ba trong lịch sử được vinh danh cho giải thưởng khoa học hàng đầu thế giới, Strickland vui mừng: "Tôi không biết phải nói gì. Tôi cảm thấy vinh dự khi được sánh ngang với họ".

Nguyễn Linh Trần

Chủ đề khác