VnReview
Hà Nội

Để đủ lương thực cho cả hành tinh và chống biến đổi khí hậu, tốt nhất bạn nên ăn ít thịt đi

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Châu Âu chỉ ra, việc hạn chế ăn ít thịt và giảm các hoạt động chăn nuôi sẽ giúp tránh viễn cảnh Trái Đất bị phá hủy do biến đổi khí hậu trong tương lai.

Theo một phân tích toàn diện về tác động của thực phẩm tới môi trường của các nhà khoa học Châu Âu, việc giảm lượng tiêu thụ thịt là cách tốt nhất và cần thiết trong lúc này để tránh các tác động nguy hiểm của biến đổi khí hậu.

Hiện nay ở các nước phương Tây, lượng tiêu thụ thịt bò cần giảm 90% và thay thế bằng các thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhiều hơn gấp 5 lần thì mới có thể cải thiện được tình hình. Nghiên cứu cũng nhận thấy, những thay đổi quan trọng trong canh tác, chăn nuôi sẽ giúp giảm tác động lên Hành tinh xanh, nơi đang nuôi sống hơn 7 tỷ người và dự kiến sẽ chạm ngưỡng 10 tỷ người trong vài thập kỷ tới.

Theo Theguardian, sản xuất lương thực là một trong những quy trình đang gây tác động lớn tới môi trường. Khí nhà kính từ chăn nuôi, phá rừng và thiếu nước canh tác,… đều đang trực tiếp tác động tới hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Nếu không có hành động, tác động của nó sẽ còn tồi tệ hơn nữa khi dân số dự báo sẽ tăng 2,3 tỷ người vào năm 2050 và thu nhập toàn cầu sẽ tăng gấp 3 lần, qua đó làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ thịt ở các nước phương Tây.

Trưởng nhóm nghiên cứu Marco Springmann thuộc Đại học Oxford cho biết: "Chúng ta thực sự đang mạo hiểm tính bền vững của toàn bộ hệ sinh thái. Nếu chúng ta quan tâm đến chăn nuôi và ăn uống, tốt nhất chúng ta không nên làm điều đó".

Giáo sư Johan Rockström thuộc Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam, Đức cho biết: "Nuôi sống dân số 10 tỷ người dễ thôi nhưng chỉ khi chúng ta có thể thay đổi cách ăn và sản xuất thực phẩm. Hãy làm làm xanh hóa thực đơn hoặc không chúng ta sẽ ăn cạn kiệt cả hành tinh này".

Giảm tiêu thụ thịt là giải pháp hàng đầu, dễ thực hiện để giữ nhiệt độ toàn cầu không quá 2 độ C vào cuối thế kỷ này

Rõ ràng việc giảm lượng tiêu thụ thịt và sữa là điều kiện tiên quyết để giữ Trái Đất tránh khỏi tai họa khí hậu. Nhưng trên thực tế, mọi thứ đang đi ngược lại.

Springmann cho biết: "Sẽ chẳng có liều thuốc thần kỳ nào giải quyết được vấn đề này nếu chúng ta không thay đổi chế độ ăn và công nghệ chăn nuôi. Ngoài ra, chúng ta cũng cần giảm tổn thất thực phẩm và lượng chất thải từ chăn nuôi". Hiện có khoảng 1/3 lượng thực phẩm sản xuất ra nhưng không có cơ hội được sử dụng tới do quá hạn hoặc nhiều nguyên nhân khác.

Để có được một chế độ ăn lành mạnh và hạn chế nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng quá 2 độ C trước cuối thế kỷ này, mỗi công dân trên thế giới được khuyến nghị ăn ít thịt bò đi tới 75%, thịt lợn ít hơn 90% và một nửa số trứng. Thay vào đó, hãy tăng cường ăn gấp 3 lần đậu và các loại hạt khác. Nếu có thể làm được điều này, chúng ta có thể giảm được một nửa lượng phát thải khí nhà kính từ hoạt động chăn nuôi.

Ở những quốc gia phương Tây có chế độ ăn thiên về thịt nhiều hơn sẽ cần phải giảm càng nhiều càng tốt. Cụ thể mỗi người dân Anh và Mỹ sẽ cần phải giảm 90% lượng thịt bò và 60% sữa tiêu thụ, trong khi tăng lượng đậu tiêu thụ từ 4-6 lần. Điều này sẽ rất hữu ích trong bối cảnh còn có hàng triệu người ở các quốc gia nghèo đói khác đang thiếu dinh dưỡng vì không có thịt và sữa.

Giảm tiêu thụ thịt không phải là một thách thức lớn nếu các chính phủ có thể làm tốt khâu giáo dục, tuyên truyền, trợ cấp thực phẩm có nguồn gốc thực vật.

Còn với vấn nạn phá rừng để canh tác hoặc ô nhiễm nguồn nước do lạm dụng phân bón, chúng ta cần sớm áp dụng những biện pháp canh tác công nghệ cao ví dụ như thủy canh, ít sử dụng phân bón và nguồn nước trong khi lại tiết kiệm diện tích.

Springmann nhấn mạnh: "Tôi nghĩ chúng ta có thể thực hiện được những mục tiêu tham vọng đó, chỉ là chúng ta cần các chính phủ chủ động nhiều hơn. Mọi người có thể tạo ra sự khác biệt mang tính cá nhân bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, và chúng ta cũng có thể gây sức ép với các chính trị gia để họ thay đổi chính sách bảo vệ môi trường".

Giáo sư Tim Benton tại Đại học Leeds chia sẻ: "Chúng ta đang sống trên một hành tinh hữu hạn với các nguồn tài nguyên hữu hạn. Không có giải pháp công nghệ nào cho phép chúng ta sản xuất đủ thực phẩm mà chúng ta muốn, cho chúng ta ăn thoải mái tới nỗi thừa thãi và vứt bỏ đi".

Benton cho rằng, hệ thống thực phẩm hiện tại sẽ trở thành gánh nặng cho thế hệ tương lai và cả hành tinh này.

Hay theo Giáo sư Peter Smith tại Đại học Aberdeen, chúng ta có thể đã quen với việc lựa chọn thực phẩm theo sở thích cá nhân, nhưng rõ ràng các bằng chứng hiện nay đã chỉ ra, chúng ta cần thay đổi chế độ ăn nếu chúng ta còn muốn một tương lai bền vững. Thực tế, một chế độ ăn ít thịt hơn cũng sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.

Nghiên cứu quan trọng trên đã được đăng tải trên tạp chí Nature mới đây.

Tiến Thanh

Chủ đề khác