VnReview
Hà Nội

Các nhà khoa học và cư dân mạng lại dậy sóng về cách gọi... mặt trăng của mặt trăng

Chúng ta sẽ gọi "mặt trăng của mặt trăng" với thuật ngữ nào nếu chúng thực sự tồn tại?

Nếu như xung quanh Mặt Trời có các hành tinh xoay quanh và các hành tinh cũng có vệ tinh xoay quanh, ví dụ như Trái Đất có Mặt Trăng, vậy thì mặt trăng của vệ tinh đó gọi là gì?

Theo Sciencealert, để trả lời cho câu hỏi tưởng chừng hóc búa này, hai nhà thiên văn học là Juna Kollmeier (Viện Khoa học Carnegie, Mỹ) và Sean Raymond (Phòng thí nghiệm Laboratoire d'Astrophysique de Bordeaux, Pháp) đã chọn cái tên "submoon" hoặc tạm dịch là "trăng phụ" cho khái niệm mặt trăng của mặt trăng.

Bên cạnh đó cũng có rất nhiều tên gọi khác nhau để gọi về "mặt trăng của mặt trăng", đó là: "moonmoons", "submoons", "moonitos", "moonettes" và "moooons". Tuy nhiên dù gọi theo cách nào thì Liên minh thiên văn quốc tế (IAU) mới là đơn vị quyết định tên gọi chính thức.

Trong một bài báo khoa học đăng tải trên arXiv (cơ sở dữ liệu lưu trữ điện tử dạng tiền in ấn hoặc nháp của các bài báo khoa học) có tựa đề "Can Moons Have Moons?", hai nhà khoa học đã tập trung giải thích về khái niệm một mặt trăng nhỏ quay quanh một mặt trăng lớn hơn và mặt trăng lớn lại tiếp tục xoay quanh một hành tinh. Ít nhất trong Hệ Mặt Trời, chúng không hề tồn tại.

Tuy nhiên, trong vũ trụ rộng lớn ngoài kia, có rất nhiều điều chúng ta còn chưa biết, và không thể chứng minh việc có sự tồn tại của "mặt trăng của mặt trăng" hay không. Nhưng điều kiện tiên quyết sẽ là hai mặt trăng đều phải có kích thước thực sự khác biệt và phải cách xa hành tinh chủ. Nếu mặt trăng lớn quá gần hành tinh chủ, nó sẽ không thể tạo ra đủ lực hấp dẫn lên hành tinh đó, dẫn tới việc mặt trăng nhỏ có thể bị vỡ vụn, lao ra ngoài không gian hoặc có thể đâm thẳng vào mặt trăng lớn và hành tinh chủ.

Hiện tại trong hệ mặt trời có 4 mặt trăng thỏa mãn điều kiện cần là Titan và Iapetus của sao Thổ, Callisto của Sao Thổ và Moon (Mặt Trăng) của Trái Đất. Nhưng rõ ràng không hề có một mặt trăng phụ nào đang tồn tại xung quanh các mặt trăng kia trong Hệ Mặt Trời.

Ngay cả khi nếu tồn tại một dạng mặt trăng như vậy thì làm thế nào để trăng phụ có thể lọt được vào giữa? Tất nhiên chúng ta cần một số điều kiện tiên quyết, đó là lực tác động đủ lớn, tốc độ di chuyển và khoảng cách giữa hai mặt trăng.

Dẫu thế nào đi chăng nữa, nếu mặt trăng phụ thực sự tồn tại, chúng sẽ giúp tiết lộ thêm manh mối về cách các hành tinh và mặt trăng của chúng hình thành như thế nào.

Chủ đề chọn tên cho mặt trăng phụ của mặt trăng lớn đã gây sốt trên mạng Internet và mỗi người lại có một cách đặt tên khác nhau cho mặt trăng phụ.

Mai Huyền

Chủ đề khác