VnReview
Hà Nội

Các nhà khoa học Anh đề xuất áp "thuế thịt" trên toàn cầu. Tại sao?

Việc đánh thuế thịt đỏ (như thịt lợn, thịt bò) sẽ làm tăng giá món thịt nướng nhưng toàn cầu triển khai "thuế thịt" có thể cứu sống 220 ngàn người và cắt giảm chi phí y tế đến 41 tỷ USD mỗi năm, theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Oxford (Anh).

Theo CNN đưa tin, những con số này dựa trên một bằng chứng liên quan đến việc tiêu thụ thịt đỏ làm gia tăng rủi ro của bệnh tim mạch, ung thư, đột quỵ và tiểu đường.

Ba năm trước đây, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã tuyên bố thịt đỏ gồm bò, cừu và lợn là chất gây ung thư khi ăn ở dạng chế biến, bao gồm xúc xích, thịt xông khói và thịt bò khô.

Thịt bò

Các chuyên gia y tế cho rằng những bệnh nhân mang khối u trong người nên hạn chế ăn thịt đỏ như thịt bò.

Các quan chức y tế cũng tuyên bố rằng thịt đỏ chưa qua chế biến như bò bít tết và bánh mì kẹp thịt là "có thể" gây ung thư. Các chất gây ung thư khác như thuốc lá và rượu được quy định để giảm các trường hợp mắc bệnh mãn tính.

Một nhóm các nhà khoa học do Tiến sĩ Marco Springmann, khoa Sức khoẻ dân số Đại học Oxford, đứng đầu đã dự tính mức thuế cần thiết để giảm các chi phí chăm sóc sức khoẻ cần thiết liên quan đến việc tiêu thụ thịt đỏ. Ông cho biết hình thức điều tiết ít xâm phạm nhất là thuế nhằm tăng giá và giảm sức tiêu thụ.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng chính phủ Anh nên ban hành quy định áp thuế 79% lên thịt đã qua chế biến như thịt xông khói, và 14% lên thịt đỏ chưa qua chế biến. Ở Mỹ, các mức thuế nên là 163% và 34% tương ứng do hệ thống chăm sóc sức khoẻ kém hiệu quả; và lãng phí nhiều tiền của, theo ông Springmann.

Họ cũng tính toán tác động dự kiến của cái gọi là thuế thịt đối với tỷ lệ tử vong do bệnh mãn tính. Với việc giảm tiêu thụ thịt đỏ, nghiên cứu được công bố trên tạp chí Public Library of Science ONE vào ngày 6/11 cho rằng sẽ có ít hơn 220.000 ca tử vong do bệnh mãn tính mỗi năm trên toàn thế giới. Trong tổng số đó, ở Anh giảm được 6.000 người chết và 53.000 người ở Mỹ.

Tiết kiệm toàn cầu về chăm sóc sức khỏe sẽ đạt 41 tỷ đô la. Anh sẽ tiết kiệm 1 tỷ USD mỗi năm, trong khi Mỹ sẽ giảm chi tiêu 20 tỷ USD.

Những lợi ích của việc giảm tiêu thụ thịt đỏ không chỉ dừng lại ở việc giảm tỷ lệ mắc bệnh và chi phí chăm sóc sức khỏe.

"Tiêu thụ thịt đỏ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế", ông Springmann cho biết, dẫn đến giảm năng suất do bệnh tật và chăm sóc cho các thành viên gia đình bị bệnh mãn tính. Việc tiêu thụ thịt chế biến thường xuyên cũng có liên quan đến nguy cơ ung thư vú cao hơn 9%, theo một phân tích các nghiên cứu khoa học khác nhau đã được công bố vào tháng Mười.

Trong thực tế, ăn bất kỳ thực phẩm siêu chế biến có thể làm tăng nguy cơ ung thư, béo phì và tiểu đường, theo nghiên cứu khác. Điều đó bao gồm bất cứ thứ gì được làm từ hương vị nhân tạo, chất phụ gia và chất nhũ hoá, hoặc hàm lượng đường và muối cao.

Theo CNN, các chính phủ trên khắp thế giới đã thể hiện sự sẵn sàng để đánh thuế các sản phẩm có liên quan đến các vấn đề về sức khỏe, bao gồm thuốc lá, rượu và đường.

Chính phủ Anh đã công bố một loại thuế mới đối với đồ uống có đường trong năm 2016 nhằm giảm tiêu thụ, và các nhà sản xuất đã giảm hơn 50% lượng đường trong đồ uống để tránh thuế khi quy định có hiệu lực vào tháng Tư. Tuy nhiên, thuế nước ngọt có làm giảm mức tiêu thụ hay không còn phải cần thêm thời gian đánh giá.

Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta tiêu thụ khá nhiều thịt đỏ. Bạn nghĩ thế nào nếu như thịt lợn, thịt bò bị đánh thuế? Hãy chia sẻ ngay ý kiến của bạn trong phần bình luận dưới bài viết.

Triệu Minh Hà

Chủ đề khác