VnReview
Hà Nội

Cơ thể phản ứng như thế nào khi chúng ta... nhịn tiểu?

Thói quen nhịn tiểu có thể để lại hậu quả rất nghiêm trọng tới sức khỏe, bao gồm nguy cơ nhiễm khuẩn niệu đạo, bàng quang hay sỏi thận.

Cơ thể phản ứng như thế nào khi chúng ta... nhịn tiểu?

Có thể bạn không biết, bàng quang của người trưởng thành có thể chứa được ít nhất nửa lít nước tiểu trước khi bạn có nhu cầu "xả lũ".

Điều thú vị ở chỗ, cơ thể bạn có khả năng cảm nhận được lượng nước tiểu đó bởi trong bàng quang chứa rất nhiều các thụ thể siêu nhỏ, với vai trò gửi tín hiệu tới não bộ khi dung tích chứa nước tiểu sắp đạt đỉnh.

May mắn thay, hầu hết chúng ta đều có khả năng kiểm soát bàng quang, ngoại trừ trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ do hệ thống tiết niệu chưa hoàn thiện. Nhờ đó, chúng ta có thể biết lúc nào cần đi vệ sinh hoặc cố gắng nhịn thêm trước khi tìm được một nơi phù hợp để "giải quyết".

Cơ thể phản ứng như thế nào khi chúng ta... nhịn tiểu?

Nhưng liệu nhịn tiểu thường xuyên có gây hại cho cơ thể? Điều này sẽ được giải thích thông qua video của kênh YouTube chuyên về khám phá khoa học SciShow.

Khi chúng ta nhịn tiểu, cơ vòng trong bàng quang sẽ đóng chặt lại để giữ nước tiểu không bị rò rỉ qua niệu đạo. Khối cơ này đủ mạnh để giữ được nước tiểu, nhưng không thể giữ được trong một thời gian quá dài.

Thói quen nhịn tiểu có thể để lại hậu quả rất nghiêm trọng tới sức khỏe, bao gồm nguy cơ nhiễm khuẩn niệu đạo, bàng quang hay sỏi thận. Việc liên tục nhịn tiểu sẽ khiến cơ bàng quang suy yếu, ức chế cơ thể truyền tín hiệu đến não để giải quyết nhu cầu. Về lâu dài, hành động này có thể dẫn tới tình trạng bí tiểu khi về già.

Giữ một lượng lớn nước tiểu trong bàng quang quá lâu cũng sẽ làm tăng nguy cơ bị lây nhiễm vi khuẩn có hại trong nước tiểu, gây ra hàng loạt chứng nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc bàng quang. Bàng quang kết nối với hệ thống tiết niệu, bao gồm thận qua một ống dẫn. Do đó, việc giữ nước tiểu lâu còn dễ dẫn tới nguy cơ suy thận.

Có thể khẳng định, tác hại của việc nhịn tiểu về lâu dài là rất nguy hiểm. Nhưng liệu nhịn tiểu quá lâu có đủ khiến bạn tử vong không? Câu trả lời là có nhưng rất hiếm.

Cơ thể phản ứng như thế nào khi chúng ta... nhịn tiểu?

Trường hợp nổi tiếng nhất liên quan đến Tycho Brahe, một nhà thiên văn học kiêm nhà giả kim Đan Mạch sống tại thế kỷ 16. Ông là một nhà khoa học rất tuyệt vời, đóng góp nhiều tài liệu khoa học quý giá về siêu tân tinh, sao chổi và quỹ đạo của các hành tinh.

Nhưng cái chết của Brahe thực sự khiến nhiều người bàng hoàng, vì một lý do hết sức đơn giản. Brahe từ chối rời khỏi bàn tiệc để đi giải quyết "nỗi buồn" cá nhân vì cho rằng, đây là một hành động khiếm nhã.

Tuy nhiên khi trở về nhà, Brahe không thể đi tiểu được nữa do đã nhịn tiểu quá lâu và cơ bàng quang đã suy yếu trầm trọng. Brahe bắt đầu mê sảng và chết ngay sau khi bàng quang vỡ tung. Trong thực tế, khi bàng quang vỡ, nước tiểu sẽ nhanh chóng tràn vào ổ bụng và nếu không kịp điều trị, bệnh nhân sẽ nhanh chóng tử vong.

Nhưng đừng vội sợ hãi bởi bàng quang của Brahe không giống với hầu hết mọi người.

Đa số mọi người khi nhịn tiểu quá lâu và không thể kìm nén được nữa, nước tiểu sẽ bị rỉ ra ngoài, thậm chí là "nước tràn bờ đê". Còn để xảy ra trường hợp vỡ bàng quang như Brahe, nguyên nhân chính là do bàng quang của ông đã bị tổn thương nghiêm trọng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới bàng quang suy yếu, có thể do ung thư hoặc phẫu thuật.

Cơ thể phản ứng như thế nào khi chúng ta... nhịn tiểu?

Nhiều trường hợp vỡ bàng quang trước đây đều ghi nhận là những người say rượu. Rượu có thể làm suy giảm tín hiệu gửi đi từ bàng quang tới não bộ, khiến cơ thể không thể nhận biết thời điểm cần thiết để đào thải nước tiểu ra ngoài.

Một lần nữa, hãy luôn ghi nhớ rằng, tiểu tiện kịp thời là một trong điều tối quan trọng để giữ sức khỏe cho đường tiết niệu, cho cơ thể và khả năng thanh thải chất độc khi về già. Một người bình thường sẽ đi tiểu từ 8-10 lần/ngày. Nhưng với những người ít uống nước để tránh đi tiểu, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ khác là táo bón, mất nước và cơ thể thiếu sức sống.

Video giải thích cơ chế xảy ra bên trong cơ thể khi bạn nhịn tiểu. Việt hóa: VnReview

Mai Huyền

Chủ đề khác