VnReview
Hà Nội

Biến đổi khí hậu và nhiệt độ cao có thể khiến số lượng tinh trùng của nam giới suy giảm

Theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Anh, cứ theo đà biến đổi khí hậu như hiện nay, nam giới có nguy cơ bị suy giảm số lượng tinh trùng rất cao.

Các nhà khoa học Anh khẳng định, nhiệt độ ngày càng tăng do biến đổi khí hậu có thể là nguyên nhân dẫn tới số lượng tinh trùng thấp hơn.

Theo Independent, nhóm nghiên cứu đã sử dụng loài bọ cánh cứng để làm mẫu thử. Đồng tác giả nghiên cứu và là một nhà sinh thái học tại Đại học East Anglia, Anh Quốc, ông Matt Gage cho biết, nghiên cứu sử dụng loài bọ cánh cứng vì chúng là một trong những loài phổ biến nhất hành tinh khi chiếm tới 1/4 đa dạng sinh học toàn cầu.

Do đó, dựa trên những kết quả tác động của nhiệt độ với khả năng sinh sản của bọ cánh cứng, chúng ta có thể hiểu hơn về cách mọi loài sinh vật phản ứng ra sao với biến đổi khí hậu.

Gage chia sẻ: "Chúng tôi biết rằng đa dạng sinh học đang chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Nhưng nguyên nhân cụ thể và tính nhạy cảm là điều khó có thể đoán định được. Nghiên cứu chúng tôi đã chỉ ra rằng, tinh trùng rất nhạy cảm với môi trường, đặc biệt khi nhiệt độ nóng lên".

Ông nói thêm: "Chức năng của tinh trùng là điều cần thiết cho khả năng sinh sản và dân số. Những phát hiện này sẽ giải thích lý do tại sao đa dạng sinh học lại chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Bầu khí quyển sẽ ngày một ấm hơn, thậm chí thay đổi đột ngột và nguy hiểm hơn. Những hiện tượng cực đoan như sóng nhiệt sẽ ngày càng xảy ra với tần suất cao hơn, nguy hiểm và phổ biến hơn".

Trong nghiên cứu, những con mọt thóc đỏ (một loài bọ cánh cứng) đã phải trải qua điều kiện nhiệt độ từ 40-42 độ C, cao hơn mức nhiệt tối ưu nhất từ 5-7 độ C trong liên tục 5 ngày.

Loài mọt thóc đỏ. Ảnh Shutterstock

Kết quả là những con mọt thóc đỏ đực không trải qua mức nhiệt độ cực đoan không hề bị làm sao. Trong khi đó, chức năng sinh sản ở những con phải tiếp xúc với mức nhiệt độ cao bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khá thú vị, những con bọ cánh cứng cái lại không bị ảnh hưởng. Như vậy, có thể coi nhiệt độ cao là "khắc tinh" của tinh trùng.

Nghiên cứu khẳng định, sau khi nhiệt độ tăng, số lượng tinh trùng đã giảm 3/4 và bất kỳ tinh trùng nào được sản sinh ra sau đó cũng phải chật vật để di chuyển vào trứng của con cái. Chúng thậm chí có nguy cơ chết trước khi được thụ tinh.

Theo Trung tâm Y khoa thuộc Đại học Rochester, để tinh trùng khỏe mạnh và hoạt động bình thường, nhiệt độ bên ngoài tinh hoàn phải luôn mát mẻ hơn bên trong. Nhưng nếu bằng cách nào đó, tinh trùng của bọ cánh cứng đực vẫn có thể sản sinh ở nhiệt độ cao, chúng có nguy cơ sinh ra thế hệ tiếp theo có tuổi thọ ngắn hơn.

Kris Sales, một nhà khoa học khác thuộc nghiên cứu chia sẻ: "Nghiên cứu cũng chỉ ra, sốc nhiệt gây hại cho chức năng sinh sản của con đực ở động vật máu nóng. Nhiều công trình trước đây cũng chỉ ra, nhiệt độ cao có thể dẫn tới vô sinh ở động vật có vú. Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy, nhiệt độ làm giảm tới một nửa khả năng sinh sản".

Sales cho rằng, khi con đực phải tiếp xúc với hai đợt sóng nhiệt cách nhau 10 ngày, khả năng sinh sản của chúng bị giảm xuống thấp hơn 1% so với nhóm không bị tác động bởi nhiệt độ.

Tất nhiên đây mới chỉ là thử nghiệm trên bọ cánh cứng và kết hợp với các nghiên cứu trước đó để quy chiếu sang con người. Nhưng rõ ràng, nhiệt độ là một yếu tố đáng để lưu tâm trong việc tìm cách bảo tồn khả năng sinh sản ở con người.

Khi nhắc đến con người, không phải tất cả dân số đều sẽ bị ảnh hưởng giống nhau, bởi đa số chỉ có người già, người thu nhập thấp và những người không thể di chuyển hoặc gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe mới có nguy cơ cao bị tổn thương tới khả năng sinh sản.

Mai Huyền

Chủ đề khác