VnReview
Hà Nội

Nước ngọt sẽ khan hiếm ở Châu Á vì băng trên cao nguyên tan hết vào năm 2060

Các nhà khoa học Trung Quốc cảnh báo, các sông băng tan chảy ở cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng sẽ khiến nguồn cung cấp nước ngọt giảm trong những thập kỷ tới và ảnh hưởng đến hàng tỷ người ở hạ lưu.

Cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng hay còn có tên gọi khác là cực thứ ba của thế giới. Cao nguyên này là nơi chứa hàng chục ngàn sông băng và là đầu nguồn của 10 con sông lớn nhất Châu Á, bao gồm sông Dương Tử, Hoàng Hà, sông Ấn, sông Yarlung Zangbo, sông Syr Darya.

Những con sông này hiện cung cấp nguồn nước ngọt cho khoảng 3 tỷ người trên khắp Châu Á. Tuy nhiên theo cảnh báo mới nhất của các nhà khoa học Trung Quốc, nguồn nước ngọt dữ trữ của thế giới này có nguy cơ sẽ khan hiếm trong vài thập kỷ tới.

Đến năm 2060 và 2070, nhiệt độ toàn cầu tăng lên do biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến hiện tượng các sông băng tan hết trên cao nguyên và không còn đủ lượng nước tích trữ cho người dân Châu Á. Ngoài ra hiện tượng nóng lên toàn cầu cũng khiến lượng băng tích trữ suy giảm.

Theo Tân Hoa Xã, Yao Tandong, chuyên gia về băng tại Viện nghiên cứu cao nguyên Tây Tạng và Học viện khoa học Trung Quốc là người dẫn đầu nghiên cứu.

Nhóm các nhà khoa học do Yao dẫn đầu đã hoàn tất quá trình nghiên cứu cao nguyên Tây Tạng vào cuối tháng Chín. Họ phát hiện trong giai đoạn từ năm 1960-2012, nhiệt độ ở cực thứ ba của thế giới đã tăng từ 0,3-0,4 độ C mỗi thập kỷ, gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu. Ngoài ra, sông băng cũng đã mất đi 15% thể tích.

Yao cho biết, nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu vượt ngưỡng 2 độ C, nhiệt độ ở khu vực này có thể tăng lên tới 4 độ C.

Mặc dù hiện tượng sông băng tan chảy do nhiệt độ nóng lên không khiến dòng chảy nhỏ đi nhưng nó sẽ tạo ra nhiều nước ngọt hơn, gây tình trạng lũ lụt và các thảm họa khác.

Hồi năm 2016, hai dòng sông băng tan chảy đã tàn phá đồng cỏ và gây ra những đợt sóng khủng khiếp, giết chết 9 nông dân và hàng trăm gia súc ở làng Aru ở tỉnh Ngari thộc khu tự trị Tây Tạng.

Một khối băng khác cũng bị tách khỏi sông băng vào tháng 10 tại sông Yarlung Zangbo ở Tây Tạng. Nó đã chặn sông băng và tạo thành một tấm chắn. Nước ngầm thậm chí còn phá hủy cả một cây cầu bắc qua sông.

Nếu không có hành động thiết thực để giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu, nhiệt độ có thể cộng hưởng khiến tốc độ bốc hơi của các sông băng nhanh hơn bao giờ hết, qua đó thu nhỏ diện tích sông băng và giảm nguồn nước ngọt dự trữ.

Tháng 10/2018, ước tính 16 tổ chức của Trung Quốc đã đồng thuận triển khai dự án nghiên cứu môi trường mang tên Pan-Third Pole. Quy mô dự án trải dài trên một khu vực rộng 20 triệu km, bao gồm vùng cao nguyên Á-Âu.

Các nhà nghiên cứu sẽ xây dựng một mạng lưới quan sát chưa từng có với những thiết bị tiên tiến nhất, bao gồm cả trong không khí và không gian. Ví dụ như vệ tinh có quỹ đạo bay quanh cực, máy bay viễn thám và drone. Dự án được khẳng định sẽ cung cấp những tư liệu quan trọng để hỗ trợ quản lý và thúc đẩy bảo vệ hệ sinh thái cao nguyên.

Yao cũng kêu gọi các nước láng giềng có chung lợi ích với cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng cần tích cực tham gia cùng Trung Quốc tìm cách phát triển bển vững hơn.

Tiến Thanh

Chủ đề khác