VnReview
Hà Nội

Dùng hóa chất “che khuất” Mặt Trời để chống biến đổi khí hậu

Các nhà khoa học đang tính đến một giải pháp đặc biệt để chống lại sự nóng lên toàn cầu bằng cách phun các hạt hóa chất lên bầu khí quyển, qua đó giảm cường độ ánh nắng Mặt Trời chiếu xuống Trái Đất.

Trong một nghiên cứu mới đây của Đại học Harvard và Yale, các nhà khoa học đang tính tới khả năng sử dụng công nghệ phun tầng bình lưu (stratospheric aerosol injection-SAI) để chống lại biến đổi khí hậu. Nhóm nghiên cứu kỳ vọng, công nghệ này có thể giúp giảm tốc độ nóng lên toàn cầu xuống một nửa so với hiện nay.

Theo đề xuất của các nhà khoa học, chúng ta sẽ phun các hạt sulfat vào tầng bình lưu của khí quyển Trái Đất ở độ cao lên tới gần 20 km so với mặt đất. Mặc dù công nghệ này đã tồn tại từ lâu nhưng chưa có loại máy bay nào phù hợp để mang các hạt sulfat lên độ cao như vậy.

Các nhà nghiên cứu ước tính sẽ cần chi khoảng 3,5 tỷ USD để khởi động một hệ thống che phủ Trái Đất như vậy trong thời gian 15 năm. Thậm chí chúng ta sẽ phải chi khoảng 2,25 tỷ USD/năm để duy trì hệ thống đó trong suốt 15 năm.

Nhóm nghiên cứu khẳng định, dự án này chỉ có thể thành công nếu có sự hợp tác của tất cả các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên rõ ràng kỹ thuật này vẫn có những hạn chế nhất định.

Theo CNN, các hạt hóa chất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cây trồng, gây hạn hán và thời tiết cực đoan. Ngoài ra, đề xuất trên không nhắc đến việc chính khí nhà kính là nguyên nhân hàng đầu khiến Trái Đất nóng lên và biến đổi khí hậu.

Thậm chí chính tác giả của nghiên cứu trên, ông Philippe Thalmann chia sẻ: "Từ quan điểm kinh tế khí hậu, quản lý bức xạ mặt trời là một giải pháp tồi tệ hơn nhiều so với việc giảm khí thải nhà kính. Nó cũng tiềm ẩn rủi ro về lâu dài". Tất nhiên các nhà khoa học cũng khẳng định, đây mới chỉ là giả thuyết và chưa được kiểm chứng trong thực tế.

David Archer thuộc Khoa Địa vật lý tại Đại học Chicago cho hay: "Cách giải quyết bằng kỹ thuật này chỉ là một biện pháp ‘chữa cháy' tạm thời trong khi nhiên liệu hóa thạch mới là vấn đề tồn tại lâu dài".

Nghiên cứu trên của các nhà khoa học Mỹ đã được công bố trên tạp chí Environmental Research Letters mới đây.

Tiến Thanh

Chủ đề khác