VnReview
Hà Nội

Ghi nhớ tên và khuôn mặt người lạ: cái nào dễ hơn?

Hầu hết chúng ta đều cảm thấy lúng túng khi gặp một người nào đó "trông quen quen" nhưng lại không nhớ ra tên họ. Điều này khiến nhiều người than thở họ "trí nhớ kém và không nhớ nổi tên mọi người" và nhiều khi rất xấu hổ. Nhưng một nghiên cứu mới cho thấy điều đó không đúng: Những gì chúng ta đang thực sự trải qua là hiệu quả của hai loại trí nhớ khác nhau và sự tương tác giữa chúng.

Hơn nữa, nghiên cứu từ Đại học York ở Anh còn phát hiện ra rằng chúng ta có thể ghi nhớ tên của người lạ tốt hơn là khuôn mặt của họ.

Ghi nhớ một khuôn mặt là điều đã được các nhà nghiên cứu công nhận. Đây là một chức năng vô thức của não, một sự kết hợp giữa trải nghiệm với những thứ khác đã xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng ghi nhớ một cái tên của ai đó lại đòi hỏi sự nhớ lại, một hệ thống hoàn toàn khác. Khi nhớ lại một cái gì đó, não phải "tua lại" cả quá trình để kích thích tâm trí về lần đầu tiên ghi nhớ tên. Quá trình này là một trong những lý do cho thấy tại sao đôi bạn có thể nhớ được một điều gì đó nếu bạn đã nghĩ đủ nhiều, đủ mạnh về nó.

Những phát hiện này đã được công bố trên Tạp chí Hàng quý về Tâm lý học thực nghiệm.

Khi chúng ta quên tên của một ai đó, chúng ta đã có định nghĩa về khuôn mặt của họ, do đó chúng ta không so sánh việc chúng ta có thể nhớ khuôn mặt với việc nhớ một cái tên.

Để kiểm tra xem tên hay khuôn mặt là thứ dễ nhớ hơn, các nhà nghiên cứu đã cho những người tham gia thí nghiệm nhìn hình ảnh của những người lạ, cùng với tên của họ. Sau đó, họ kiểm tra lần lượt các khuôn mặt và tên riêng, để những người tham gia nhìn thấy hình ảnh các khuôn mặt mà họ đã thấy trước đó, những hình ảnh hơi khác nhau của cùng một người và những người họ chưa từng thấy. Họ cũng được thử nghiệm với tên trong cùng một phông chữ hoặc khác nhau.

Kết quả rất rõ ràng: Đối với người lạ, những người tham gia có thể nhớ tên của họ tốt hơn nhiều so với nhớ khuôn mặt. Những người tham gia đã nhận diện được trung bình 73% khuôn mặt khi hiển thị cùng một bức ảnh nhưng chỉ nhận diện được 64% khuôn mặt khi thay đổi các bức ảnh. Nhưng họ đã nhận ra 85% tên, và chỉ giảm nhẹ khi đổi sang một phông chữ khác.

Một giả thuyết mà các nhà nghiên cứu đưa ra để giải thích cho sự khác biệt là khi nhìn thấy bức ảnh của một người lạ, chúng ta chỉ có một thước đo để hỗ trợ trí nhớ: chúng trông như thế nào. Nhưng khi nhìn thấy một từ, chúng ta có cả giao diện của các chữ cái và âm thanh tưởng tượng, có thể giúp tâm trí chúng ta bám vào (giống như nhìn thấy một người và nghe cả giọng nói của họ).

Theo trang Quartz, tất nhiên, đây chỉ là một nghiên cứu, và có những hạn chế của nó: Các thí nghiệm chỉ được thực hiện trên các nhóm nhỏ học sinh, và họ chỉ kiểm tra hồi ức ngay lập tức. Các nhà nghiên cứu đã không đi vào lý do tại sao rất nhiều người rất khó nhớ tên, hoặc tại sao việc ghi nhớ tên lại khó hơn các loại thông tin khác. Nhưng dù sao nghiên cứu cũng mang lại một số hiểu biết về cách bộ não của chúng ta vận hành.

Rob Jenkins, một giáo sư tâm lý học ở York và là một trong những tác giả nghiên cứu, cho biết: "Trải nghiệm cuộc sống của chúng ta với tên và khuôn mặt đã làm chúng ta hiểu sai về cách thức hoạt động của bộ não. Nhưng nếu chúng ta nghiên cứu kỹ hơn về trí nhớ, chúng ta bắt đầu thấy một bức tranh khác".

Hoàng Lan

Chủ đề khác