VnReview
Hà Nội

Bí quyết y học thời trung cổ châu Âu sẽ là hy vọng mới cho các bệnh truyền nhiễm thời hiện đại

Một vấn đề lớn của y học hiện đại là ngày càng xuất hiện nhiều loại virus kháng thuốc mạnh hơn các loại kháng sinh dùng để tiêu diệt chúng. Việc tái khám phá các bí quyết y học cổ xưa có thể là một hướng đi mới đầy triển vọng trong cuộc khủng hoảng virus này.

Đó là kết luận của các nhà khoa học qua việc khai phá dữ liệu cuốn sách Lylye of Medicynes, một bí kíp y khoa nổi tiếng ở châu Âu thời trung cổ.

Với các sử gia từng nghiên cứu các biện pháp điều trị y khoa thời trung cổ, Lylye of Medicynes là một cái tên rất quen thuộc được biết đến từ lâu qua một số công thức với các nguyên liệu có đặc tính kháng sinh như mật ong. Tuy vậy, theo một nhóm nghiên cứu quốc tế gồm các nhà khoa học đại học Pennsylvania (Mỹ) và Warwick (Anh), việc nghiên cứu hiệu quả tổng quát của các bài thuốc thời trung cổ lại khó khăn hơn nhiều, bởi vì phần lớn dược điển của các bác sĩ thời trung cổ châu Âu đã bị loại bỏ, bị xem là giả dược hoặc mê tín.

Quan điểm trên đã thay đổi. Theo nhóm nghiên cứu, các bài thuốc thời trung cổ tuân theo khuôn mẫu điều trị hợp lý có giá trị tương đương với nghiên cứu y học hiện đại. Việc khai phá dữ liệu các mẫu nguyên liệu thuốc trong Lylye of Medicynes đã tiết lộ một mạng lưới các chất có hoạt tính sinh học đáng kể.

(Ảnh: Science Direct)

Việc khai phá dữ liệu của Lylye of Medicynes không đơn giản vì cuốn sách này có tới gần 400 bài thuốc với hàng ngàn nguyên liệu được dùng để điều trị hơn một trăm căn bệnh khác nhau.

Công việc đầu tiên của các nhà khoa học là chuẩn hóa dữ liệu các nguyên liệu. Cùng một nguyên liệu có những cách dùng từ và cách viết chính tả khác nhau, ví dụ như cây thì là (fennel) còn được gọi là fenel, feniculi, feniculum, marathri, maratri, maratrum. Tất cả những tên gọi này cần được tập hợp dưới một tiêu đề chung. Tiếp đến là những phần khác nhau của một loại cây lại có chức năng hoạt động khác nhau phải được xem xét chi tiết, ví dụ như rễ thì là, nước ép thì là, hạt thì là phải được xếp thành 3 mục. Ngoài ra, nhóm còn phải chỉnh sửa các phiên bản chính tả bằng tay.

Công việc tiếp theo là xây dựng mạng lưới liên kết giữa các nguyên liệu. Mỗi nguyên liệu được tạo một nút dữ liệu và được vẽ kết nối tới các nguyên liệu khác trong cùng bài thuốc. Các nguyên liệu xuất hiện cùng lúc càng nhiều thì kết nối càng mạnh. Sau khi tập hợp được mạng lưới, các nhà nghiên cứu sử dụng một giải thuật tiêu chuẩn để tìm kiếm các cộng đồng bên trong mạng lưới.

(Ảnh:;Bibliotheca Philadelphiensis)

Kết quả là nhóm đã xây dựng được hệ thống các nguyên liệu phân chia theo cấp bậc từ các bài thuốc. Mỗi cộng đồng trong hệ thống bao gồm các cộng đồng nhỏ hơn, tất cả đều có một nhân chung gồm nhiều nguyên liệu giống nhau. Ví dụ như nhân lô hội cộng "sarcocolla nutria" là một loại keo làm từ một loại cây ở Iran trộn với sữa người. Hệ thống này có một số nguyên liệu đơn lẻ khá quan trọng như mật ong, dấm, hoa lựu.

Tiếp đó, nhóm tìm các bài thuốc sử dụng kết hợp các nguyên liệu này, rồi tìm kiếm bằng chứng về hiệu quả của các bài thuốc trong y khoa hiện đại như Cochrane Database of Systematic Reviews, một thư viện nổi tiếng về nghiên cứu y khoa thực chứng (y khoa dựa trên bằng chứng). Ví dụ một bài thuốc súc miệng để điều trị các bệnh như mụn mủ, viêm loét, phồng rộp… gồm mật, nhũ hương (một loại nhựa thơm thu được từ cây Pistacia lentiscus), mật ong, dấm và một số nguyên liệu khác đem trộn với sữa người hoặc nitrite. Các nhà khoa học đã thấy trong bài thuốc này một vài nguyên liệu có tác dụng điều chỉnh miễn dịch hoặc kháng khuẩn. Trong số này, mật ong có đặc điểm kháng sinh được cơ quan Dịch vụ Sức khỏe Quốc gia của Anh thường xuyên dùng để làm lành vết thương, hay dấm có khả năng diệt vi sinh vật tốt, sữa người chứa nhiều chất kháng vi sinh vật, mật người (chất do gan tiết ra để tiêu hóa chất béo) có tính sát khuẩn rất hiệu nghiệm.

(Ảnh: Livestrong)

Cũng có một số nguyên liệu mà cơ sở dữ liệu không có đủ bằng chứng về tác dụng chữa bệnh của chúng, ví dụ như lô hội, trầm hương, nhũ hương, sarcocolla... chất lượng các nghiên cứu liên quan đến tác dụng làm lành vết thương của lô hội trong thư viện Cochrane rất kém. Do đó, khả năng của các chất trên vẫn chưa được biết rõ.

Dù vậy, những bằng chứng đã có cũng đủ để thấy rằng, việc kết hợp các nguyên liệu cụ thể có ý nghĩa của nó, giúp gia tăng cơ hội chữa bệnh. Nếu một nguyên liệu không có tác dụng thì những nguyên liệu khác có thể. Từ đó, hiệu quả chống lại một vi sinh vật cụ thể nào đó bằng cách tấn công các tế bào mục tiêu hay cho phép kích hoạt các phân tử thành phần cụ thể về mặt hóa học sẽ được gia tăng.

Tổng hợp các phân tích nguyên liệu từng bài thuốc, nhóm nghiên cứu kết luận là, trong việc ra quyết định y khoa, mỗi bài thuốc trong Lylye of Medicynes đều thể hiện một cách tiếp cận hợp lý.

Công trình khai phá dữ liệu cho cuốn sách y khoa cổ Lylye of Medicynes đã khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về quan điểm truyền thống cho rằng, y học thời trung cổ chẳng có gì khác hơn những trò bịp bợm. Bằng cách sử dụng các giải thuật phù hợp trong những mạng lưới phức tạp, các nhà khoa học có thể khám phá thêm các mẫu cơ sở trong việc kết hợp các nguyên liệu liên quan đến các bệnh truyền nhiễm.

Nhóm nghiên cứu cũng tin rằng, có thể có nhiều thứ khác nữa để khám phá trong các bí quyết y khoa thời trung cổ, ví dụ như tiềm năng của các tác nhân kháng vi sinh vật mới mà khoa học hiện đại vẫn chưa biết đến. Việc chuyển đổi các văn bản đó thành những cơ sở dữ liệu có thể điều chỉnh để sử dụng trong khai phá dữ liệu định lượng có thể mở ra một triển vọng hoàn toàn mới về tính duy lý và khoa học của thời trung cổ, theo lời tiến sĩ Erin Connelly, trưởng khoa Khoa học cây trồng đại học Pennsylvania, một thành viên nhóm nghiên cứu.

Tiến sĩ Erin Connelly và cuốn Lylye of Medicynes

Lylye of Medicynes

Là bản dịch tiếng Anh của Lilium medicinae, một công trình quan trọng của bác sĩ Bernard of Gordon (1270-1330, giáo sư y khoa người Pháp). Nguyên bản của bác sĩ Bernard ra đời năm 1305 bằng tiếng Latin, còn bản dịch sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh thời trung cổ giai đoạn thế kỷ 15. Lylye of Medicynes bao gồm 360 bài thuốc với 3.000 nguyên liệu được dùng để điều trị 113 căn bệnh khác nhau. Ngoài ra, sách cũng có một số lý thuyết y khoa và nguyên nhân gây bệnh dựa trên y học Ả rập và y học cổ phương Tây của những thầy thuốc nổi tiếng trong lịch sử như Ibn Sīnā (981-1037, bác sĩ nổi tiếng ở Ba Tư cổ thời kỳ hoàng kim của Hồi giáo), Hippocrates (450-380 trước công nguyên, người Hy Lạp, cha đẻ của y học phương Tây), Galen (129-200, bác sĩ người Hy Lạp). Lylye of Medicynes được xuất bản liên tục ở châu Âu từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17, hiện còn một bản thảo trong thư viện Bodleian Library ở Oxford, Anh quốc.

Linh Trần

Chủ đề khác