VnReview
Hà Nội

Phát hiện miệng núi lửa chứa đầy băng trên Sao Hỏa, khả năng có nước rất cao

Hình ảnh về một hố băng khổng lồ trên Sao Hỏa một lần nữa tạo niềm tin lớn cho nhân loại về khả năng tồn tại nước trên Hành tinh Đỏ.

Mới đây nhân dịp kỷ niệm 15 năm sứ mệnh Mars Express, Cơ quan vũ trụ Châu Âu (ESA) đã công bố loạt hình ảnh mới nhất về bề mặt Sao Hỏa do tàu vũ trụ ghi lại. Trong đó không thể bỏ qua bức ảnh về một hồ băng rộng lớn, thực chất là miệng núi lửa trên Hành tinh Đỏ.

Theo ESA, hồ băng trong ảnh thực chất nằm trên miệng núi lửa Korolev. Tên núi lửa được đặt theo Serge Korolev, kỹ sư thiết kế tàu vũ trụ và là cha đẻ của công nghệ vũ trụ thời Liên Xô. Ông từng dẫn đầu các sứ mệnh thám hiểm không gian như Sputnik, Vostok. Bức ảnh trên được chụp bằng cách kết hợp 5 bức ảnh đơn lẻ thành một bức ảnh chung.

Miệng núi lửa có đường kính 82km và sâu khoảng 2km, nằm ở vùng đất thấp phía bắc Sao Hỏa. ESA xác nhận mảng vật chất bao trùm trên miệng núi lửa là khối băng dày chứ không phải là tuyết.

Trên Sao Hỏa có rất nhiều các hố crater hoặc miệng núi lửa do các tiểu hành tinh và thiên thạch va chạm với hành tinh này.

Các nhà khoa học tại ESA cho biết, miệng núi lửa Korolev là một cái "bẫy lạnh" tự nhiên. Không khí di chuyển qua lớp băng lạnh và chìm xuống trong khi lớp không khí tồn tại ở trên mặt băng vẫn luôn giữ cho lớp băng nguyên vẹn không bị nhiệt độ bên ngoài tác động làm tan băng.

Biểu đồ nhiệt cho thấy xung quanh hồ băng có các lớp khí lạnh ở cả trên lẫn dưới giúp duy trì nhiệt độ và tránh băng tan

Được biết tàu vũ trụ Mars Express đã chụp lại bức ảnh trên vào mùa hè năm 2003 trước khi đi vào quỹ đạo của Sao Hỏa vào cuối tháng 12/2003. Tính tới cuối năm nay là tròn 15 năm sứ mệnh Mars Express được triển khai thành công và đây cũng là sứ mệnh khám phá hành tinh đầu tiên của ESA.

Việc phát hiện ra những hố băng khổng lồ trên bề mặt Sao Hỏa là tiền đề quan trọng giúp con người có thêm cơ sở để thám hiểm Hành tinh Đỏ. Nếu thực sự Sao Hỏa có chứa nước, con người hoàn toàn có đủ điều kiện để sinh sống và tồn tại trên hành tinh này. Thậm chí nếu biết cách tận dụng nguồn nước và công nghệ tách oxy từ nước, chúng ta còn có thể tự tạo nguồn dưỡng khí và nhiên liệu cho tàu vũ trụ.

Ngoài ESA, cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) cũng đã thực hiện nhiều sứ mệnh khám phá Sao Hỏa nổi bật. NASA hiện có ba cỗ máy thăm dò và tàu Mars Reconnaissance Orbiter hiện đang bay trên quỹ đạo của Sao Hỏa. Ngoài con tàu trên hiện đang còn có 3 vệ tinh nhân tạo hoạt động và giám sát Sao Hỏa từ trên cao gồm Mars Express, Mars Odyssey và Mars Global Surveyor.

Theo giải thích của NASA dựa trên những dữ liệu đã thu thập được về Sao Hỏa cho biết, hành tinh này có 4 mùa giống Trái Đất nhưng thời gian mỗi mùa kéo dài khoảng gấp đôi. Bán cầu nam có mùa hè khắc nghiệt hơn bán cầu bắc. Thời điểm khi mùa đông ở nam bán cầu cũng là lúc Sao Hỏa cách xa Mặt Trời nhất trong quỹ đạo hình elip.

Phần lớn Hành tinh Đỏ chủ yếu được bao phủ bởi cát, bụi nhưng nó vẫn có những núi băng ở gần cực của nó. Tuy nhiên vào tháng 9/2012, NASA phát hiện thấy một dòng chảy ngầm chạy trên khắp hành tinh này và đây rất có thể là mạch nước ngầm mà nhân loại chờ đợi.

Tiến Thanh

Chủ đề khác