VnReview
Hà Nội

Trung Quốc định làm thế nào để xếp hạng tín nhiệm 1,3 tỷ người?

Trung Quốc đang từng bước đưa hệ thống tín nhiệm xã hội vào hoạt động trên quy mô toàn quốc. Công cụ này được nhiều người tin rằng là một biện pháp để thay đổi xã hội theo chiều hướng tích cực, song nó cũng đang vấp phải sự phản đối cũng một bộ phận không nhỏ người dân.

Trung Quốc đang có một ý tưởng táo bạo để tạo ra những tác động tới hành vi của 1,3 tỷ người dân nước này bằng cách tạo ra một thang điểm đánh giá từng cá nhân thông qua nhiều tiêu chí khác nhau. Những phiên bản đầu tiên của hệ thống tín nhiệm xã hội này đã được đưa vào thử nghiệm tại nhiều thành phố, hướng tới mục tiêu mở rộng lên quy mô toàn quốc.

Theo Bloomberg, những người với quan điểm đối lập thì cho rằng hệ thống này quá nặng nề, và là một hình thức xâm phạm đời sống, một cách thức đáng sợ để một chính phủ có thể kiểm soát dân số. Còn những người ủng hộ giải pháp này thì tin rằng hệ thống này sẽ tạo ra một xã hội văn minh và tuân thủ luật pháp hơn. "Những kẻ không tôn trọng luật pháp và có niềm tin sai lệch sẽ phải trả một cái giá rất đắt", đây chính là lời cảnh báo tới từ Chính phủ Trung Quốc.

Nhưng liệu hệ thống này có thật không?

Vâng, câu trả lời là có. Từ năm 2014, chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch về việc xây dựng một hệ thống tín nhiệm xã hội trên quy mô toàn quốc cho tới năm 2020. Kể từ mốc thời gian này, những cuộc thử nghiệm trên một phạm vi dân số nhỏ Trung Quốc đã được tiến hành, hệ thống thưởng và phạt của các hệ thống này vẫn đang hoạt động bình thường. Được biết, hạn cuối hoàn thành dự án này tại Thủ đô Bắc Kinh sẽ là vào cuối năm 2020.

Bắt đầu từ năm 2015, một mạng lưới quốc gia có nhiệm vụ đối chiếu thông tin của chính quyền trung ương và địa phương đã được sử dụng để tạo lập một danh sách đen bao gồm những người sẽ không được phép mua vé máy bay và vé tàu cao tốc. Đây chính là một phần nhỏ của toàn bộ hệ thống, và chắc chắc nó sẽ sớm được kết nối với phần còn lại của hệ thống.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều người hoài nghi về việc liệu quốc gia này có thể thiết lập thành công một hệ thống mang tính vĩ mô như vậy, mà dự đoán của họ đang có phần nghiêng về việc hệ thống này sẽ được chia thành nhiều mạng lưới nhỏ hơn. Song theo mong muốn của Tập Cận Bình, ông luôn mong muốn nước này có thể xây dựng thành công hệ thống tín nhiệm xã hội với quy mô toàn quốc.

Đâu là nguyên do và động lực để Trung Quốc tiến hành dự án này?

Một văn bản được phát hành vào năm 2014 đã chỉ ra ý thức hệ của kế hoạch này chính là "giữ vững niềm tin chính là thắng lợi, còn phá vỡ lòng tin chính là nỗi ô nhục". Trong nhiều thập kì qua, đi cùng với quá trình công nghiệp hóa toàn khốc, Trung Quốc đã trải qua nhiều vấn nạn, từ tham nhũng, lừa đảo tài chính tới các bê bối liên quan tới sản phẩm sữa trẻ em bị nhiễm độc. Chính bởi vậy, hệ thống tín nhiệm xã hội được cho là một nỗ lực để nâng cao tiêu chuẩn cộng đồng và xây dựng lại niềm tin, đồng thời đóng vai trò là một công cụ giúp thực thi những luật cơ bản hay bị người dân phớt lờ.

Hệ thống này đánh giá con người như thế nào?

Tiêu chí đánh giá ở các vùng miền khác nhau sẽ không giống nhau.

Ở phía Đông của thành phố Hàng Châu, những hoạt động xã hội tích cực bao gồm những việc như hiến máu và làm công tác tình nguyện, trong khi đó những hành vi như vi phạm luật giao thông sẽ làm giảm điểm tín nhiệm xã hội của bất kì cá nhân nào.

Còn ở Chu San, một hòn đảo gần thành phố Thượng Hải, các hành vi bao gồm sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông, phá hoại, dắt chó đi dạo mà không có dây xích cổ hay bật nhạc lớn ở nơi công cộng sẽ gây ảnh hưởng xấu tới điểm tín nhiệm công dân.

Trong khi đó, ở khu vực Nghĩa Ô cách Chu San không xa, người dân có thể tự tăng điểm của mình bằng cách giúp đỡ người cao tuổi hay bảo việc của công, họ cũng có thể bị mất điểm nếu chậm trễ thanh toán hóa đơn hành tháng, hay vi phạm các điều luật của Đảng hoặc có hành vi lừa đảo. Không chỉ vậy, việc chơi trò chơi điện tử quá mức và truyền bá thông tin sai sự thực cũng được liệt vào số những hành vi làm giảm điểm tín nhiệm xã hội.

Theo thông tin đăng tải bởi trang Foreign Policy thì ở khu vực Vinh Thành, thuộc thành phố Vũ Hán, chính quyền nơi này cũng đã chính thức bổ sung khung hình phạt cho hai hành vi là phỉ báng người khác trên mạng và truyền bá tôn giáo bất hợp pháp.

Nếu điểm tín nhiệm xã hội thấp quá thì sao?

Với những người sở hữu số điểm tín nhiệm xã hội không "đẹp", họ sẽ có khả năng bị từ chối bởi các dịch vụ cơ bản hoặc không thể vay tiền. Ở Nghĩa Ô, bất kì cư dân nào có số điểm thấp sẽ không được phép ở trong những khách sạn sang trọng, hoặc mua bất động sản hay mua một chiếc ô tô sang trọng, con cái của họ cũng sẽ không được chấp nhận theo học tại những cơ sở trường học tư nhân nhất định. Theo một thông tư hướng dẫn ban hành bởi chính phủ Trung Quốc vào năm 2016, những cá nhân có hành vi gây tổn hại tới niềm tin sẽ phải đối mặt với những hình phạt đánh vào công ăn việc làm của cá nhân đó.

Có hay không quyền được kháng cáo?

Ở Nghĩa Ô, cư dân có 15 ngày để kháng cáo về thông tin tín nhiệm được cung cấp bởi chính quyền về họ. Trong một trường hợp nêu bởi tổ chức Giám sát Nhân quyền cho thấy không phải lúc nào công dân cũng nhận thức được rằng mình đã bị liệt vào danh sách đen. Điều này sẽ không tạo được cho họ động lực để thay đổi những lỗi lầm của bản thân.

Các quy tắc này có áp dụng đối với người nước ngoài không?

Trong chương trình thí điểm tại Nghĩa Ô, người nước ngoài cũng thuộc phạm vi của hệ thống này. Tuy nhiên hình phạt sẽ khác đi, điểm tín nhiệm không đẹp sẽ ảnh hưởng tới visa, hậu quả là người này có thể không được cấp hoặc không thể gia hạn giấy phép cư trú, và hủy bỏ thanh toán ngoại hối. Đối với những người nước ngoài có số điểm tín nhiệm đẹp, họ sẽ nhận được nhiều ưu đãi ví dụ như được phép vay ưu đãi và nhập cảnh nhiều lần.

Công nghệ nào đang góp phần vận hành hệ thống này?

Những tiến bộ về Big Data đã góp phần vào làm đơn giản hóa nhiệm vụ đối chiếu dữ liệu trong hệ cơ sở dữ liệu rộng lớn. Nền tảng chia sẻ thông tin tín nhiệm Quốc gia, hiện đang được sử dụng để xây dựng danh sách đen cho dịch vụ hàng không và đường sắt, chính là thứ sẽ thu hẹp khoảng cách giữa thông tin của chính quyền trung ương và địa phương.

Không dừng lại ở đó, công nghệ nhận diện khuôn mặt đang được nghiên cứu để sớm đưa vào áp dụng tại các địa phương nhằm nhận dạng những người đi bộ và xe đạp không quan tâm tới luật lệ giao thông. Trước đó, một công nghệ tương tự đã được đưa vào vận dụng ở Tân Cương, nơi đã từng ban hành một điều luật gây tranh cãi nhằm giới hạn dân số của người Duy Ngô Nhĩ. Hệ thống tín nhiệm xã hội có lẽ "là một trong những biện pháp nổi bật" của chính phủ nhằm củng cố quy trình luật pháp, tư pháp và pháp lý nhờ vào sự trợ giúp của công nghệ.

Hệ thống tín nhiệm xã hội nhận được những phản hồi như thế nào?

Đối với những tổ chức nhân quyền, hệ thống này được nhìn nhận là một bước tiến đầy mưu mô tại một quốc gia mà sự hiện diện của kiểm duyệt về truyền thông, internet và nghệ thuật. Mirjam Messner, trưởng chương trình kinh tế và công nghệ tại Viện nghiên cứu Marcator về Trung Quốc, đã đăng tải suy nghĩ của mình về hệ thống này trên ChinaFile. Ông đã viết rằng: Chính phủ của Tập Cận Bình sẽ có thể mở rộng sự thấu hiểu của mình về những hành vi và suy nghĩ của người dân nước này, thậm chí là của cả những chủ doanh nghiệp nước ngoài. Tiến sĩ Creemers thuộc Đại học Leiden cho rằng hệ thống này tuy "vẫn chỉ là một công cụ thô sơ" nhưng nó khả năng sẽ thay đổi tương lai.

Thực tế diễn ra tại Trung Quốc?

Trong buổi tham gia nói chuyện trên trang podcast Sinica, Tiến sỹ Creemers cho biết rằng hiện nay đang có một vài sự phản đối tại một vài thành phố. Trong lần thử nghiệm tại Toại Ninh, một khu vực gần Thượng Hải, hệ thống này đã vấp phải những chỉ trích đến từ giới truyền thông và bị buộc phải dừng lại. Sự phản đối còn tiếp diễn khi những khách hàng của công ty Ant Financial bỗng nhiên bị trói buộc bởi một hệ thống tín nhiệm xã hội có tên là Sesame Credit, một công ty con của tập đoàn Alibaba. Tuy nhiên, theo kết quả của một cuộc thăm dò ý kiến, những người Trung Quốc thành thị và được giáo dục thì lại có hướng nhìn nhận tích cực hơn. Không chỉ vậy, theo một nghiên cứu, nhiều người có thái độ ủng hộ coi đây là một công cụ để khuyến khích tính trung thực hơn là một biện pháp cứng rắn gây ảnh hưởng tới quyền riêng tư.

Trung ND

Chủ đề khác