VnReview
Hà Nội

Radar "bỏ túi" mới của hải quân Trung Quốc có thể giám sát khu vực cỡ lớn như Ấn Độ

Tin tức về chương trình Over-the-Horizon tiên tiến cho đội tàu sân bay của Trung Quốc xuất hiện khi nhà nghiên cứu cao cấp nhận giải thưởng khoa học hàng đầu của Trung Quốc.

Theo báo SCMP, các nhà khoa học quân sự Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể trong việc nâng cấp công nghệ radar Trung Quốc, và đang phát triển một radar kích thước nhỏ gọn tiên tiến cho đội tàu sân bay của Hải quân, cho phép nó duy trì sự giám sát liên tục trên một khu vực có kích thước bằng diện tích Ấn Độ.

Hệ thống cải tiến này sẽ cho phép hải quân Trung Quốc phát hiện các mối đe dọa đến từ tàu, máy bay và tên lửa của đối phương sớm hơn nhiều so với công nghệ hiện có cho phép, theo các nhà khoa học chủ trì chương trình radar của Trung Quốc Over-the-Horizon (OTH).

Ông Lưu Vĩnh Thản. Ảnh: SCMP

Thông tin về chương trình radar này đã gây chú ý hôm thứ Ba tuần này khi nhà khoa học đứng đầu chương trình là Liu Yongtan (Lưu Vĩnh Thản), giáo sư khoa kỹ thuật điện và thông tin tại Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, nhận giải thưởng khoa học của Trung Quốc từ Chủ tịch Tập Cận Bình tại một buổi lễ cấp quốc gia. Một nhà khoa học quân sự khác, ông Qian Qihu, cũng được vinh danh tại sự kiện trong Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm thứ Ba với nghiên cứu về các cơ sở trú ẩn hạt nhân dưới lòng đất.

Báo Trung Quốc trích dẫn lời giáo sư Lưu nói rằng hệ thống radar truyền thống, được lắp đặt ở khu vực duyên hải, chỉ cho phép quân đội Trung Quốc giám sát một phần nhỏ vùng biển lân cận. Đội ngũ của ông Lưu đang thử nghiệm một hệ thống mới, tinh gọn hơn để trang bị trên tàu chiến. "Đối với công nghệ truyền thống, khả năng theo dõi và giám sát chỉ bao quát được 20% lãnh hải của chúng ta. Với hệ thống mới, chúng ta có thể bao quát được toàn bộ", nhà khoa học Lưu nhấn mạnh.

Tiết lộ với truyền thông Trung Quốc, một thành viên cấp cao trong đội ngũ của ông Lưu Vĩnh Thản tuyên bố radar nổi sẽ "tăng khả năng thu thập thông tin của hải quân trên những vùng biển then chốt" như Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và Biển Đông.

Hệ thống radar OTH lắp đặt trên mặt đất lần đầu tiên xuất hiện trong Chiến tranh Lạnh, do Mỹ và Liên bang Xô viết phát triển. Cơ chế hoạt động của hệ thống là gửi sóng vô tuyến từ 3 đến 30Hz vào tầng điện ly (lớp bên trên của khí quyển), rồi truyền chúng trở lại mặt đất.

Tuy nhiên, rất nhiều cơ sở lắp đặt hệ thống này đã phải đóng cửa hoặc dừng hoạt động vì tính năng không hiệu quả. Hệ thống radar cần nguồn năng lượng rất lớn mới có thể hoạt động, cũng như phải xây dựng trên địa hình thoáng và bằng phẳng. Tính chất cố định của hệ thống cũng khiến loại radar này dễ bị đối phương tấn công.

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất phát triển công nghệ. Công ty Raytheon, một nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ, đã được cấp bằng sáng chế vào năm 2016 cho một hệ thống tương tự.

Thiết kế Raytheon bao gồm một tàu truyền tín hiệu và một vài tàu nhận tín hiệu có gắn ăng-ten trên boong.

Các sóng vô tuyến được truyền lên bầu trời từ các máy phát sẽ được tàu tiếp nhận thu về, sau đó truyền tín hiệu đến tàu sân bay qua qua vệ tinh hoặc chuyển tiếp vô tuyến trên không.

Theo Raytheon, hệ thống có tầm thám sát lên tới 1.000 km và có thể bao quát diện tích hơn 3,4 triệu km2. Đặt trong so sánh tương quan, tầm radar của một tàu khu trục Mỹ là hơn 300 km, còn cự ly theo dõi của radar trên máy bay do thám Boeing E-3 là hơn 600 km.

Minh Châu

Chủ đề khác