VnReview
Hà Nội

Người Việt ở đâu trong làn sóng trí tuệ nhân tạo?

Trí tuệ nhân tao (AI) đang được xem như một xu hướng quan trọng trong lĩnh vực công nghệ thông tin trên thế giới. Bất kỳ công ty công nghệ lớn nào cũng đang phát triển hệ thống AI cho riêng mình như IBM, Amazon, Apple, Facebook hay Google. Trong đó, trợ lí ảo đang là trọng tâm của làn sóng AI này, người dùng khắp thế giới hiện nay không còn lạ với những cái tên nhưSiri (Apple), Google Assitsant (Google), Alexa (Amazon) hay Cortana (MicroSoft), những sản phẩm đang ngày càng trở nên thông minh hơn và giúp ích cho người dùng nhiều hơn.

Người Việt ở đâu trong làn sóng này?

Trong thời gian ba năm trở lại đây, các sản phẩm công nghệ thông tin của Việt Nam đã bắt đầu tạo được tiếng tăm tại thung lũng Silicon, thủ phủ công nghệ của thế giới, với hàm lượng công nghệ rất cao. Nếu như AI của ELSA, ứng dụng học tiếng Anh trực tuyến giúp phát hiện lỗi sai và hướng dẫn người dùng phát âm chuẩn hơn, thì với hàng chục ngàn bài giảng mỗi ngày trên nền tảng GotIt!, AI giúp kiểm soát chất lượng và đánh giá phần trả lời của các chuyên gia.

Hay Vũ Duy Thức đang phát triển Kambria, một nền tảng AI và robot mở phi tập trung để ứng dụng vào OhmniLAb, công ty sản xuất robot giúp việc gia đình do chính anh sáng lập. Không chỉ vậy, còn có hàng ngàn kỹ sư ngành Khoa học Máy tính của Việt Nam hiện đang làm việc tại những tập đoàn lớn trên thế giới như Facebook,Google, Apple, MicroSoft hay IBM.

Tuy nhiên ở Việt Nam, hiện tại dù đã từng có một vài công cụ trợ lý ảo bằng tiếng Việt, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng những sản phẩm này mới dừng lại ở việc chatbot chứ chưa thể xử lý ngôn ngữ tiếng Việt một cách tự nhiên.

"Có ba yếu tố để phát triển AI là: dữ liệu, sức mạnh máy tính và nhân tài.Việt Nam không có dữ liệu của các ngành sản xuất và kinh tế. Việt Nam không làm chủ được sức mạnh máy tính. Nên niềm hi vọng cuối cùng của Việt Nam là đầu tư vào những nhân tài. Rất rõ ràng là Việt Nam không có thế mạnh nào về AI, và phải nhìn nhận rất thực tế việc đó", Thông Đỗ, đồng sáng lập Arimo (Adatao), công ty chuyên về xử lý Dữ liệu Lớn cho biết.

Những bước chân đầu tiên của AI Việt Nam

Trong bối cảnh đó, tại sự kiện Zalo AI Summit 2018 được tổ chức vào ngày 26.12, Ki-Ki, trợ lý ảo đầu tiên của người Việt được giới thiệu phiên bản Alpha cho thấy những tín hiệu tích cực cho ngành AI của Việt Nam. Bắt đầu khá muộn so với làn sóng AI trên thế giới, năm 2017 Zalo mới thành lập trung tâm nghiên cứu AI của mình.

Ông Vương Quang Khải, đại diện Zalo chia sẻ, trong một năm qua, thành tựu lớn nhất của đơn vị này là xác định rõ con đường làm AI, trong đó trợ lí ảo là một trong hai mũi nhọn quan trọng. Ki-Ki sẽ là nơi đơn vị này thử nghiệm các nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực AI với khát vọng tạo ra sản phẩm AI hoàn thiện cho người Việt.

Toàn cảnh sự kiện Zalo AI Summit 2018.

Mặc dù vậy, sản phẩm vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, và để đi đến một trợ lí ảo hoàn thiện cho người Việt thì bài toán nhân sự là một thách thức không nhỏ. Không chỉ có vậy, việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên cũng là một bài toán rất khó giải quyết đối với các tập đoàn lớn trên thế giới.

Tiến sĩ Bạch Hưng Nguyên, người đang làm việc về lĩnh vực AI tại Alibaba (Mỹ) nhận định: "Một trong những điểm khó của tiếng Việt so với tiếng Anh trong xử lý tiếng nói là thanh điệu và phương ngữ". Ông Nguyên phân tích, trong khi tiếng Anh sử dụng trọng âm để nhấn mạnh và tạo hiệu quả ngôn ngữ thì tiếng Việt có 8 thanh điệu với các kết cấu âm vị đa dạng. "Thêm vào đó tiếng Việt có 3 phương ngữ chính Bắc Trung Nam, và nếu chia nhỏ thì còn nhiều phương ngữ ví dụ cùng phương ngữ Bắc Bộ nhưng có giọng Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Hai yếu tố thanh điệu và phương ngữ tổ hợp lại tạo nên một sự phức tạp lớn trong việc xử lý tiếng nói", ông Nguyên nói thêm.

Để giải quyết bài toán về ngôn ngữ này, Văn Đinh Hồng Vũ, đồng sáng lập của ứng dụng ELSA đã phải mất vài năm để thu thập dữ liệu về giọng nói của hầu hết những khu vực nói tiếng Anh trên thế giới, sau đó "dạy" hệ thống AI dần dần phân biệt được những lỗi phát âm sai dù là nhỏ nhất. Vì vậy nếu Ki-Ki của Zalo có khả năng xử lý việc nghe và hiểu được tiếng Việt, rào cản lớn nhất khiến các trợ lý ảo của quốc tế khó có thể phổ biến ở Việt Nam, sẽ mở ra một tiềm năng to lớn cho sản phẩm này.

Tiềm năng cho sản phẩm Việt

Theo báo cáo của Zalo, hiện nay trợ lý ảo Ki-Ki có khả năng hiểu được tiếng của 3 miền Bắc – Trung- Nam, và có thể thực hiện các tác vụnhư mở nhạc, đọc tin, gửi tin nhắn, tra cứu thời tiết, tra cứu kiến thức. Đồng thời, không khó để thấy những tiềm năng to lớn của sản phẩm trợ lý ảo này dành cho thị trường Việt Nam, như dịch từ lời nói sang văn bản, với nhiều ngôn ngữ khác nhau, hay phát triển công cụ tìm kiếm bằng giọng nói, thay vì bằng văn bản như của Google Search. Không những vậy, với xu hướng Internet vạn vật (IoT) đang phát triển rất nhanh, Ki-Ki có thể tích hợp lên các thiết bị phần cứng để có thể dễ dàng điều khiển bằng tiếng Việt.

Trợ lí ảo Ki-Ki ở giai đoạn Alpha.

Việc Zalo thành lập trung tâm nghiên cứu AI và công bố bản thử nghiệm trợ lý ảo Ki-Ki không chỉ thể hiện rõ tham vọng trở thành một trong những công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, mà còn trở thành động lực cho các kỹ sư công nghệ thông tin trong nước tiếp tục nghiên cứu và phát triển những sản phẩm AI cho thị trường hơn 90 triệu dân này. Nếu biết tận dụng lợi thế "đứng trên vai người khổng lồ" từ công nghệ AI tới hệ thống dữ liệu lớn, trong một tương lai không xa, người Việt Nam sẽ có những sản phẩm AI dành riêng cho mình mà không cần phải "phát âm tiếng Anh thật chuẩn" để giao tiếp được với máy móc nữa.

G.L

Chủ đề khác