VnReview
Hà Nội

[CES 2019] CEO Nvidia tuyên bố Định luật Moore đã chết!

Jensen Huang nhận định, quan điểm cho rằng sức mạnh xử lý của máy tính tăng theo cấp số mũ sau mỗi vài năm đã chạm ngưỡng giới hạn của nó.

Cụ thể, đồng sáng lập hãng thiết kế chip đồ họa Nvidia hôm thứ Tư vừa qua đã tuyên bố rằng "Định luật Moore không còn khả thi nữa".

Một phần quan trọng trong sản xuất bán dẫn là thu nhỏ các linh kiện mà chúng ta vẫn gọi là "bóng bán dẫn", những switch điện tử siêu nhỏ dùng để xử lý dữ liệu cho tất cả mọi thứ từ đồng hồ trong lò vi sóng đến các thuật toán trí tuệ nhân tạo vận hành trên điện thoại của chúng ta.

Đồng sáng lập Intel, Gordon Moore, vào năm 1965 đã dự báo rằng số lượng bóng bán dẫn trên mỗi đơn vị inch vuông sẽ tăng lên gấp đôi sau mỗi 2 năm." (1 inch vuông xấp xỉ 6,45 cm²), tức cứ 2 năm thì hiệu năng của một vi xử lý sẽ tăng lên gấp đôi. Những cải tiến diễn ra đều đặn theo chu kỳ trên những smartphone như iPhone, Samsung Galaxy và nhiều thiết bị khác đều xuất phát từ Định luật Moore.

Nhưng khi mà các linh kiện chip đang ngày càng tiến gần hơn đến kích thước siêu nhỏ, việc giữ nhịp độ phát triển phù hợp với Định luật Moore là điều rất khó. Hiện nay, để tăng gấp đôi số lượng bóng bán dẫn - qua đó tăng sức mạnh xử lý của chip sau mỗi 2 năm - là một việc đòi hỏi chi phí rất cao, chưa kể còn vấp phải những khó khăn về mặt kỹ thuật.

"Định luật Moore từng phát triển ở tốc độ 10x mỗi 5 năm và 100x mỗi 10 năm" - Huang nói tại CES 2019 - "Hiện nay Định luật Moore đang phát triển vài phần trăm mỗi năm. Mỗi 10 năm, con số đó có lẽ sẽ chỉ là 2x... Vậy nên, Định luật Moore đã kết thúc rồi".

Đây không phải là lần đầu tiên Huang tuyên bố như vậy. Ông đã đưa ra những bình luận tương tự trong vài năm trở lại đây.

Intel và bản thân Moore không đưa ra bình luận nào.

Mối quan ngại của ngành công nghiệp công nghệ là một khi những tiến triển về bán dẫn chậm lại, những cải tiến tổng thể đối với các thiết bị điện tử cũng chậm lại theo. Giảm kích thước vi xử lý sẽ giúp cải thiện thời lượng pin, giảm chi phí và tăng hiệu năng của các thiết bị.

Intel, vốn từ lâu đã luôn là kẻ tiên phong trong sản xuất bán dẫn, đã liên tục trì hoãn quá trình chuyển tiếp sang dây chuyền 10nm, trong khi các công ty khác như Samsung đã và đang bán ra thị trường những con chip tiên tiến hơn với quy trình 7nm. Dù một số, như Huang, đã tuyên bố Định luật Moore đã chấm hết, các nhà khoa học nguyên liệu vẫn tiếp tục tìm các để mở rộng công nghệ bóng bán dẫn silicon ngày nay, ngay cả khi họ đang nghiên cứu những giải pháp thay thế (ví dụ, những tấm carbon graphene siêu mỏng).

"Định luật Moore, nếu xét theo định nghĩa tăng gấp đôi mật độ chip sau mỗi 2 năm, không còn diễn ra nữa" - nhà phân tích Patrick Moorhead của Moor Insight & Strategy cho biết - "Nếu chúng ta ngừng giảm kích thước chip, đó sẽ là một thảm họa đối với mọi ngành công nghiệp công nghệ".

Nhưng anh này lưu ý rằng ngành công nghiệp đang đón nhận những loại hình điện toán khác sử dụng GPU (thứ Nvidia làm ra), những framework phần mềm và những công cụ tiên tiến, và những phương thức mới mẻ nhằm sản xuất bảng mạch chip.

Trong khi đó, Giám đốc Tài chính của MediaTek, David Ku, nói rằng ông sẽ không nói Định luật Moore đã chết, mà nhấn mạnh rằng nó đang chậm lại. MediaTek, một công ty sản xuất chip di động của Đài Loan, hiện đang sản xuất chip trên quy trình 7nm, và sẽ sớm chuyển sang 5nm.

"Chúng ta vẫn thấy nhiều lợi ích của việc giảm mức độ tiêu thụ năng lượng. Nhưng có lẽ chúng ta không tiết kiệm chi phí được nhiều (từ sự giảm đó) như trước đây" - Ku nói tại CES, bình luận rằng chi phí chip có lẽ sẽ tăng một chút khi quy trình sản xuất đòi hỏi những thiết bị phức tạp hơn như máy quang khắc EUV.

"Ngay cả với việc Định luật Moore đang chậm lại, cũng không có nghĩa nó sẽ dừng lại" - Ku nói.;

Minh.T.T

Chủ đề khác