VnReview
Hà Nội

“Không tiêm vắc-xin” là một trong những đe dọa sức khỏe toàn cầu lớn nhất năm 2019

Năm nay, một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với loài người có thể chính là … loài người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức công bố việc từ chối, chậm trễ tiêm vắc-xin là một trong mười thách thức sức khỏe lớn nhất trong năm 2019.

WHO cho biết sự do dự, ngần ngại khi tiêm vắc-xin là vấn đề phức tạp, có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm việc mọi người cảm thấy tự mãn trong phương pháp tự chăm sóc sức khỏe, sự bất tiện khi tiêm, tiếp cận vắc-xin và cả sự mất tin tưởng vào chất lượng vắc-xin.

Tuy nhiên, không giống như các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng khác - như ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu và kháng thuốc - vấn đề về vắc-xin có giải pháp rất rõ ràng và hiệu quả. Khó khăn chính là thuyết phục mọi người.

Mặc dù có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy vắc-xin rất an toàn và hiệu quả, nhưng tỷ lệ tiêm chủng gần đây giảm mạnh và có một số người vẫn tiếp tục tin và lan truyền những niềm tin sai lầm, nguy hiểm về vắc-xin.

Một phần vấn đề có thể là cảm giác khó chịu và không tin tưởng kéo dài, do những luồng dư luận, truyền thông tiêu cực, chẳng hạn như những tranh cãi về tự kỷ do vắc-xin MMR (sởi, quai bị, rubella).

Dường như một khi con người đã có một ý tưởng và sáng tạo nào đó, dù đã được khoa học chứng minh là chính xác và đúng đắn đến mức nào, nó vẫn rất khó vượt qua những quan niệm định sẵn.

"Các lý do khiến mọi người ngày càng ngần ngại tiêm vắc-xin rất phức tạp", báo cáo thừa nhận."Tuy nhiên, một số quốc gia gần như đã loại bỏ được các căn bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin lại đang nhận thấy có làn sóng do dự tiêm vắc-xin gia tăng".

Không những thế, phong trào chống vắc-xin dường như đang lan ra cả thế giới và nó đe dọa sẽ xóa bỏ hàng thập kỷ tiến bộ của nhân loại trong việc loại bỏ những bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được và đôi khi là những căn bệnh đe dọa đến tính mạng.

Kể từ đầu thế kỷ, vắc-xin sởi đã cứu sống hơn 21 triệu người, giảm tỷ lệ tử vong đến 80% trên toàn cầu chỉ sau 17 năm. Nhưng bây giờ trong khi đang ở gần đích nhất, vì một số lý do, chúng ta lại đang bắt đầu từ hướng ngược lại.

Chẳng hạn, một cuộc khảo sát được công bố hồi năm ngoái, cho thấy niềm tin của dân chúng Mỹ đối với vắc-xin đang tuột dốc đến mức nguy hiểm. Nhưng sự hoài nghi này ngày càng tăng và không chỉ giới hạn ở Mỹ.

Trong năm 2017, số ca mắc sởi được báo cáo tăng hơn 30% trên toàn thế giới, mặc dù căn bệnh truyền nhiễm này có thể dễ dàng phòng ngừa thông qua hai liều vắc-xin.

Sự trở lại của bệnh sởi và các bệnh có thể phòng ngừa khác là một mối quan tâm nghiêm trọng, và đó là điều mà WHO và các đối tác quyết tâm giải quyết trong năm 2019.

Trong năm 2019, WHO muốn tăng cường nỗ lực loại bỏ ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới bằng cách tăng độ bao phủ của vắc-xin HPV. Đồng thời, Tổ chức Y tế thế giới cũng cam kết ngăn chặn sự lây lan của virus bại liệt ở Afghanistan và Pakistan.

"Nhân viên y tế, đặc biệt là những người dân trong cộng đồng, vẫn là những cố vấn và là người ảnh hưởng đáng tin cậy nhất đến các quyết định tiêm chủng, và họ phải được hỗ trợ để cung cấp thông tin đáng tin cậy về vắc-xin", báo cáo viết.

Ngày nay, vắc-xin ngăn ngừa hai đến ba triệu ca tử vong mỗi năm, nhưng nếu phạm vi bảo hiểm toàn cầu được cải thiện, hơn 1,5 triệu người có thể được cứu sống mỗi năm.

Theo trang Science Alert, một trong những điều duy nhất kéo chân chúng ta lại là chính chúng ta. Ngoài tư tưởng ngần ngại tiêm vắc-xin, danh sách các thách thức sức khỏe năm 2019 đã được Tổ chức Y tế Thế giới công bố trực tuyến tại đây.

Hoàng Lan

Chủ đề khác