VnReview
Hà Nội

Ngủ ít có thể làm tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu và đột quỵ cao hơn tới gần 30%

Thiếu ngủ không chỉ khiến tinh thần mệt mỏi mà còn có thể gián tiếp gây ra tình trạng tắc nghẽn mạch máu, tiềm ẩn nguy cơ biến chứng tim mạch, nhồi máu não rất cao.

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa Mỹ cho thấy, những người ngủ ít hơn 6 tiếng/đêm có thể tăng nguy cơ bị tắc nghẽn mạch máu cao hơn 27% so với những người ngủ đủ từ 7-8 tiếng/đêm.

Theo nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Tufts chia sẻ, họ đã phát hiện thấy mối liên hệ giữa thiếu ngủ và việc tăng nguy cơ tích tụ các mảng bám trong động mạch khắp cơ thể. Ngoài ra, những người có chất lượng giấc ngủ kém cũng có khả năng bị xơ cứng động mạch cao hơn 34% so với những người khác.

Tác giả nghiên cứu Jose Ordovas, một chuyên gia dinh dưỡng tại Đại học Tufts tiết lộ, đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy giấc ngủ có liên quan đến chứng xơ vữa động mạch khắp cơ thể chứ không chỉ ở mỗi tim.

Trước đó, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra trên gần 4.000 nhân viên ngân hàng ở Tây Ban Nha thông qua các kỹ thuật hình ảnh nhằm phát hiện các tổn thương mạch máu. Nhóm người trên có độ tuổi trung bình từ 46 tuổi trở lên và không có tiền sử mắc bệnh tim mạch. Kết quả cho thấy phần lớn những người ngủ ít hơn 7-8 tiếng/đêm có nguy cơ cao bị tắc nghẽn mạch máu và bệnh tim mạch.

Mặc dù vậy các nhà khoa học cũng chỉ ra, một giấc ngủ thiếu nhưng chất lượng ngủ đủ sâu vẫn sẽ đem lại hiệu quả; hơn so với việc vừa thiếu ngủ và vừa ngủ chập chờn. Tuy nhiên khá bất ngờ khi nhóm nghiên cứu cho rằng, ngủ quá 8 tiếng/đêm cũng liên quan đến xơ vữa động mạch.

Trong quá khứ và hiện tại đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa việc thiếu ngủ và hàng loạt các chứng bệnh khác. Nếu không thể ngủ đủ giấc từ 7-8 tiếng/đêm, bạn sẽ có nguy cơ cao giảm khả năng nhận thức, suy não, mắc bệnh tim mạch và nguy hiểm hơn là đột quỵ.

Một nghiên cứu khảo sát trên một nhóm 798 người đàn ông 50 tuổi ở Thụy Điển từ năm 1993 đến năm 2013 cho thấy, những người ngủ ít hơn 5 tiếng/đêm có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp đôi so với người bình thường.

Hiện tại chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về cơ chế tác động của thiếu ngủ đến các tế bào, gen trong cơ thể. Trong khi đó, một số nhà khoa học cho rằng, thiếu ngủ làm thay đổi gen, thúc đẩy béo phì và giảm trao đổi chất. Đây có thể là một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng tắc nghẽn mạch máu do mỡ thừa bám trên thành mạch.

Bên cạnh việc cải thiện chế độ sinh hoạt, ít thức khuya và ngủ đủ giấc hơn, một chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế thức ăn dầu mỡ, hút thuốc, và không ăn quá nhiều đường, muối sẽ tốt hơn cho sức khỏe tim mạch nói chung và mạch máu nói riêng.

Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí của Đại học Tim mạch Hoa Kỳ mới đây.

Mai Huyền

Chủ đề khác