VnReview
Hà Nội

Những giả thuyết lý giải tại sao ngón tay của con người không có độ dài bằng nhau?

Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao độ dài của các ngón tay chúng ta lại có sự khác biệt với các loài linh trưởng khác. Lý giải cho câu hỏi này chắc chắn sẽ khiến bạn bất ngờ.

Bàn tay con người không có nhiều điểm khác biệt đáng kể so với bàn tay của loài linh trưởng. Ngoài việc bàn tay của chúng ta nhỏ hơn đáng kể so với loài linh trưởng, đặc điểm quan trọng nhất tạo ra sự khác biệt chính là ngón cái. Đây là ngón vuông góc với tất cả các ngón còn lại và nó có thể thoái mái chạm được vào đầu của các ngón còn lại.

Mặc dù nhân loại chưa thể tìm được những bằng chứng giải thích cho sự tiến hóa về kích thước của các ngón tay. Tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng, đó là một sự đối nghịch hoàn hảo và có nhiều kịch bản thú vị dẫn tới sự tiến hóa này.

Trước khi tìm hiểu tại sao lại có sự khác biệt về chiều dài ngón tay, hãy cùng nhìn lại lịch sử hình thành bàn tay của con người từ xa xưa. Bởi lẽ quá khứ chính là câu trả lời cho hiện tại. Cho đến nay vẫn chưa có một tài liệu nào xác nhận hình dạng bàn tay của người hiện đại xuất hiện lần đầu khi nào. Ban đầu các nhà nghiên cứu linh trưởng học cho rằng, bàn tay con người hình thành từ cách đây khoảng 800 ngàn năm trước.

Tuy nhiên sau khi phát hiện thấy vết tích 1/3 xương bàn tay và mỏm trâm (mảnh xương nhỏ ở vùng nền xương thái dương) của loài linh trưởng có niên đại khoảng 1,5 triệu năm trước, các nhà khoa học mới đồng tình với quan điểm cho rằng, bàn tay của loài người đã bắt đầu tiến hóa từ khoảng hơn 1 triệu năm trước.

Theo ScienceAbc, bàn tay của tổ tiên loài người cách đây hàng triệu năm trước khá giống với tay những con tinh tinh hiện nay. Đặc điểm chung là ngón tay dài, lòng bàn tay rộng, ngón tay cái nhỏ và yếu. Chiều dài ngón tay và ngón cái liên quan khá nhiều đến việc di chuyển và leo qua các nhánh cây. Ngón tay của loài linh trưởng xưa kia thường bị cong và các đầu ngón tay thiếu khung xương để chống đỡ cho lớp đệm nhiều mỡ và nhạy cảm giống đầu ngón tay của con người.

Cấu tạo bàn tay của tổ tiên loài người giúp chúng ta có thể dễ dàng móc vào các cành cây. Tuy nhiên bàn tay như vậy sẽ rất khó để cầm nắm và sử dụng công cụ. Đặc biệt cấu tạo này còn khiến bàn tay thiếu đi sức mạnh và độ chính xác khi thực hiện các động tác cấu, véo hoặc bóp.

Sự tiến hóa của các ngón tay đã giúp con người cầm nắm và sử dụng công cụ tốt hơn

Đã có nhiều lý thuyết khác nhau lý giải tại sao ngón tay của con người lại có hình dạng không đồng đều. Một trong những lý thuyết phổ biến nhất cho sự tiến hóa này là nhằm cải thiện khả năng cầm nắm và sử dụng công cụ tốt hơn. Những con nào nhanh chóng thích nghi được với kỹ năng và cách cầm nắm mới sẽ có cơ hội sống sót và tiến hóa cao hơn.

Khoảng 3 triệu năm trước, tổ tiên loài người đã sử dụng công cụ bằng đá và dần tinh chế chúng theo thời gian. Ví dụ khoảng 1,5 triệu năm trước, con người đã sáng tạo ra các công cụ tinh chế nhỏ gọn hơn như rìu hay dao để thuận tiện cho việc cầm nắm và sinh tồn. Lúc này sự tiến hóa về kích thước ngón tay dường như phát huy lợi thế lớn vì nó sẽ giúp tăng cường khả năng cầm nắm đồ vật, đặc biệt là vũ khí tự vệ.

Trải qua hàng triệu năm tiến hóa liên tục, con người hiện đại dần cải tiến các công cụ, biến chúng trở nên nhỏ gọn nhất đối với bàn tay. Cùng với sự cải tiến của công cụ cũng là sự tiến hóa của bàn tay. Khó có thể chối cãi rằng, chính sự thay đổi về kích thước ngón tay và tư duy học hỏi không ngừng đã giúp con người chế tạo ra được những công cụ hỗ trợ ngày một tinh gọn hơn.

Ngón tay tiến hóa là tiền đề giúp con người cầm và ném chính xác một đồ vật

Có một lý thuyết khác dẫn đến sự thay đổi kích thước ngón tay. Lý thuyết này ủng hộ sự tiến hóa của ngón tay để tăng khả năng ném và giữ chính mọi thứ. Bàn tay của người hiện đại có lòng bàn tay ngắn và chiều dài ngón tay khác nhau. Tỷ lệ này giúp chúng ta có thể kẹp được mọi thứ theo cách mà những loài vượn khác gần như không thể làm được.

Lợi thế đầu tiên do sự khác biệt giữa chiều dài các ngón tay là giúp một đồ vật có thể kẹp chính xác giữa các miếng đệm của đầu ngón tay và ngón cái. Ví dụ dễ hình dung nhất là khi bạn cầm một quả bóng chày trong tay.

Thứ hai, lợi thế này giúp các ngón tay có thể che chở cho nhau. Đặc biệt, ngón cái có thể khép lại cùng các ngón khác để tăng thêm sức mạnh khi cầm nắm mọi đồ vật. Lấy ví dụ dễ hiểu nhất cho sức mạnh của cái nắm tay đó là khi chúng ta cầm cán rìu để bổ củi. Khi có được sự chắc chắn khi cầm nắm, rõ ràng chúng ta có thể ném được mọi thứ dễ dàng hơn.

Hai cách cầm nắm này ảnh hưởng rất nhiều đến kỹ năng chế tạo công cụ của tổ tiên loài người. Các nhà khoa học cho rằng, chính sự phổ biến của các công cụ từ thời xa xưa đã làm tiến hóa và biến ngón tay của người hiện đại trở nên không đồng đều.

Chiều dài không đồng đều của ngón tay chính là cơ sở để hình thành nên "cú đấm"

Giả thuyết cuối cùng nghe có vẻ hiển nhiên nhưng lại vô cùng đúng đắn. Sở dĩ bàn tay của con người hiện đại có dạng là một miếng đệm và 5 ngón tay vươn ra ngoài nhằm tạo nên một thứ vũ khí tự vệ rất quan trọng, đó là nắm đấm.

Có hai yếu tố chủ chốt khi nhắc đến nắm đấm. Một là cách ngón tay cuộn lại vào trong lòng bàn tay mà không để lại bất kỳ khoảng trống nào. Thứ hai là vai trò của ngón tay cái rất quan trọng. Bởi lẽ nó giúp cố định các ngón còn lại và cải thiện đáng kể sức mạnh tổng thể của cú đấm. Đặt giả sử nếu các ngón tay có chiều dài bằng nhau, nó sẽ khó có thể tạo ra một hình dạng nắm đấm hoàn hảo với lực mạnh như của con người ngày nay.

Nói tóm lại, sự kết hợp của cả 3 giả thuyết trên có thể là lý do giải thích phần nào cho việc chiều dài ngón tay không đều nhau.

Mai Huyền

Chủ đề khác