VnReview
Hà Nội

Đây là 9 dấu hiệu cơ thể "phản ứng" khi bạn chán ghét công việc hiện tại

Một công việc nhàm chán có thể khiến cho bạn mệt mỏi theo nhiều cách khác nhau.

Trong số chúng ta, ai cũng từng phải trải qua những ngày làm việc hết sức tồi tệ, tuy nhiên có những dấu hiệu mà các nhân viên cần phải cảnh giác trước khi sự "tồi tệ" vốn dĩ chỉ diễn ra trong vòng một tuần này lại kéo dài mãi mãi, gây ra những tổn hại nghiêm trọng về lâu dài đối với cơ thể của chúng ta.

Cơ thể biết được bạn sẽ kiệt sức vì stress trước khi bạn nhận ra được điều đó, và đưa ra những "cảnh báo đỏ" cho biết có điều không ổn đang diễn ra bên trong cơ thể của chúng ta. Vì vậy hãy lưu ý những dấu hiệu sau đây để có thể có các biện pháp xử lý và ngăn chặn kịp thời, tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Không thể ngủ đủ giấc

"Đã rất nhiều lần, điều đầu tiên mà chúng tôi nghe được từ họ là những đêm thức trắng"– Monique Reynold, nhà phân tích tâm lý lâm sàng thuộc trung tâm Lo âu và Thay đổi Hành vi có trụ sở tại Maryland, cho biết. "Nhiều người đã chia sẻ;rằng họ không thể ngủ ngon giấc vì tâm trí chạy đua suốt đêm hoặc họ không hề cảm thấy buồn ngủ. Thậm chí có người bật dậy vào giữa đêm khuya để suy nghĩ về danh sách việc cần làm của họ trong thời gian đến".

Một vài đêm không ngủ không phải là điều gì đó quá nghiêm trọng, tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài và diễn ra thường xuyên thì đó có thể là dấu hiệu rõ ràng cho thấy căng thẳng trong công việc của bạn đã lên đến mức báo động."Nếu việc mất ngủ thường xuyên liên quan đến công việc, thì đó là dấu hiệu cho thấy đã có sự mất cân bằng trong cơ thể", Reynolds khẳng định.

Đau đầu

Theo Hiệp hội tâm lý Hoa Kỳ, khi cơ thể cảm nhận được nguy hiểm, nó sẽ khiến cho các cơ bắp căng lên để bảo vệ cơ thể khỏi chấn thương. Vì vậy khi chúng ta xem nơi làm việc như là một khu vực "nguy hiểm", thì các bó cơ bên trong sẽ được thắt chặt. Tình trạng căng cơ kéo dài ở cổ, hai bên vai và đầu có thể liên quan đến chứng đau nửa đầu và đau đầu do căng thẳng.

"Căng thẳng gây ra các triệu chứng sinh lý, biểu hiện rõ ràng nhất là sự đau đớn".

Cơ bắp luôn đau nhức

Khi công việc làm chúng ta trở nên quá mệt mỏi, bộ não sẽ điều khiển tiết ra adrenaline và nhiều hormone gây căng thẳng khác, đi đến khắp các bộ phận và "tràn ngập" trong cơ thể. "Khi phải làm những công việc tồi tệ, thì hệ thống thần kinh của chúng ta sẽ luôn ở trong mức báo động nguy hiểm"  Reynolds cho biết. "Bộ não và cơ thể luôn luôn trong trạng thái phải dè chừng, sẵn sàng ứng phó với những người chủ hay đồng nghiệp khó chịu".

Nếu như bạn vẫn đang cố gắng ngồi soạn email với đôi vai gù và bộ hàm nghiến chặt, thì đây có thể là một dấu hiệu cho thấy công việc đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn.

Tinh thần ngày càng trở nên tệ hại

Reynold cũng lưu ý rằng căng thẳng gia tăng có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về sức khỏe tâm thần hiện có: "Nếu một người có tính lo lắng lại làm việc trong môi trường nhiều căng thẳng, thì những lo lắng đó sẽ trở nên trầm trọng hơn và có thể vượt quá ngưỡng cho phép".

Nếu sếp giao cho bạn quá nhiều công việc, thì sức khỏe tinh thần của bạn sẽ phải sẵn sàng để đáp ứng điều đó. Một bài phân tích vào năm 2012 cho thấy đã có những nhận thức về việc đối xử không công bằng của tổ chức hoặc công ty thông qua những khiếu nại về sức khỏe của nhân viên như ăn quá nhiều và trầm cảm.  

E. Kevin Kelloway, trưởng phòng nghiên cứu về Tâm lý học sức khỏe nghề nghiệp tại đại học St. Mary, Canada, cho rằng việc đối xử không công bằng trong công việc có thể khiến chúng ta căng thẳng quá mức: "Sự bất công đóng vai trò là một trong những tác nhân chính gây nên những căng thẳng có hại bởi vì nó nhằm vào cốt lõi của việc chúng ta là ai", ông cho biết thêm. "Việc bạn đối xử không công bằng với tôi đồng nghĩa với việc bạn đã cố tình tấn công vào nhân phẩm của tôi - có thể hiểu rằng tôi không xứng đáng để được bạn đối xử công bằng hay được đối xử bình đẳng như những người khác".

Bị ốm thường xuyên hơn

Một nghiên cứu về cơ thể người gần đây đã chỉ ra rằng căng thẳng kéo dài có thể gây tổn hại đến hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm bệnh hơn. Vì vậy nếu như gần đây bạn bị cảm lạnh liên tục, hãy cân nhắc lại cảm xúc của mình đối với công việc hiện tại.

Mất hứng thú trong chuyện "chăn gối"

"Cách bạn chi phối thời gian phản ánh những gì bạn đang coi trọng". Khi mang công việc về nhà, các mối quan hệ của chúng ta ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Hiệp hội tâm lý Hoa Kỳ cho rằng khi người phụ nữ luôn phải chịu những căng thẳng về trách nhiệm tài chính hay cá nhân, thì ham muốn tình dục trong họ sẽ giảm đi đáng kể. Đối với đàn ông, điều này sẽ gây cản trở cơ thể tiết ra đủ hormone testosterone, từ đó làm giảm ham muốn của nam giới trong "chuyện ấy".

Vì vậy Reynolds cho rằng chúng ta cần phải có một quãng thời gian thư giãn nhất định để có thể tái phát sinh các cảm giác ham muốn, ngoài ra cần phải dành ra thời gian để có thể "gần gũi" với nhau, nếu không những "ham muốn" mà chúng ta tích lũy được sẽ bị bỏ phí.

Mệt mỏi cả ngày

Sự mệt mỏi được nói đến ở đây, là mệt mỏi sâu đến tận xương tủy mà không có một giấc ngủ ngắn hay một phút ngủ nướng vào cuối tuần nào có thể hóa giải được.

Theo Kelloway, ông cho rằng cơ thể con người không có cách nào phản ứng khi ở trong một môi trường làm việc tệ hại, tuy nhiên tình trạng mệt mỏi trong thời gian dài lại là một trong những triệu chứng được biểu hiện khá rõ ràng mà một người có thể cảm thấy.

Jeffrey Pfeffer, giáo sư chuyên ngành hành vi tổ chức tại đại học Stanfold, lý giải: "Những công việc tệ hại tạo ra một chu kỳ làm chúng ta kiệt sức: bạn cảm thấy bị quá tải vì bạn đang làm việc quá lâu, và bạn đang làm việc quá lâu bởi vì bạn cảm thấy bị quá tải".

Dạ dày gặp vấn đề

Khó tiêu, táo bón, đầy hơi - những triệu chứng đều có thể liên quan đến căng thẳng, vì những căng thẳng kéo dài ảnh hưởng đến sự tiêu hóa của đường ruột và có khả năng thay đổi vi khuẩn trong đường ruột, từ đó ảnh hưởng đến tâm trạng của con người. Đó là lý do tại sao chúng ta thường hay đau bụng mỗi khi tức giận hay buồn bã.

"Trong khoảng 6 tháng làm việc, tôi bắt đầu nhận thấy rằng mỗi buổi chiều chủ nhật, cơn đau bụng lại tìm đến mình. Đó không phải là triệu chứng, mà là thời điểm (ngay khi tôi bắt đầu nghĩ về những công việc cần làm vào sáng thứ hai) cảnh báo cho tôi về mối liên kết mật thiết giữa cơ thể của mình với công việc", Kelloway chia sẻ. "Tất cả những triệu chứng trên đã biến mất ngay sau khi tôi nghỉ việc và tìm kiếm một cơ hội việc làm khác".

Thay đổi sự thèm ăn

Thèm ăn có một mối liên kết chặt chẽ với não bộ con người. Khi chịu quá nhiều áp lực, phản ứng căng thẳng cấp tính trong cơ thể sẽ đẩy mạnh quá trình tạo ra adrenaline, có tác dụng ngăn chặn quá trình tiêu hóa, gây cảm giác chán ăn để trí não có thể tập trung giải quyết những công việc trước mắt – theo Harvard Health Letter. Tuy nhiên, nếu căng thẳng ngày càng kéo dài, thì cơ thể sẽ tự động sản sinh và tích tụ cortisol, một loại hormone gây đói bụng. Vì vậy khi công việc tạo ra quá nhiều phiền muộn cho bản thân, thì người ta thường hay ăn nhiều để lấy lại sự thoải mái và cân bằng cho cơ thể.

Cũng theo nghiên cứu, ăn nhiều thực phẩm có đường có thể giúp kiềm chế các phản ứng và cảm xúc liên quan đến căng thẳng – tuy nhiên đây cũng là thói quen không tốt cho sức khỏe mà bạn nên tránh. 

Vậy cần phải làm gì để giải quyết những vấn đề trên?

Hãy nghỉ ngơi. Sau khi cơ thể phải "gồng mình" để bảo vệ chúng ta khỏi những yêu cầu vô lý từ cấp trên và những người chủ tồi tệ, bạn cần cho nó thời gian để nghỉ ngơi. "Một khi chúng ta không cho phép hệ thống thần kinh được nghỉ ngơi và tự thiết lập lại, thì nó sẽ gây ra những hậu quả nặng nề về lâu dài", Reynolds giải thích. Cô cho rằng các mối quan hệ bạn bè ngoài cơ quan, ngồi thiền hay tập thể dục có thể giúp bù đắp những mệt mỏi mà bản thân đang phải gánh chịu.

Chuyển hướng những suy nghĩ tiêu cực. Một trong những nguyên tắc của liệu pháp hành vi nhận thức là cách bạn suy nghĩ có thể thay đổi cách bạn cảm nhận. "Không phải ai cũng có thể chuyển việc một cách dễ dàng, nhưng chúng ta có thể chọn cách tập trung vào những tình huống mà chúng ta có thể kiểm soát". Hãy bình thản, bỏ đi những ý nghĩ vô bổ, những lo lắng trong lòng như buổi thuyết trình có diễn ra theo đúng kế hoạch không, hay những người đồng nghiệp đang nghĩ gì về mình…

Cuối cùng, hãy bỏ việc. Coi như đây là một lời cảnh báo: bạn nên có một công việc mới, hoặc hãy tìm cho mình một hướng đi riêng, miễn sao bạn cảm thấy thoải mái. Làm việc thời gian dài trong ngày, không có quyền tự chủ, lịch trình bất định cùng với chế độ đãi ngộ và tiền lương không rõ ràng là tất cả những yếu tố góp phần tạo nên một môi trường làm việc tệ hại, nơi mà bạn cần phải thoát ra ngay, chứ không chỉ đơn giản là kiên nhẫn bám trụ và tìm cách đối phó với nó. "Bạn cần thiết phải khắc phục những vấn đề cốt lõi bên trong, chứ không phải chỉ cần đối phó với những triệu chứng bên ngoài"  Pfeffer nhận định.

Quang Minh

Chủ đề khác