VnReview
Hà Nội

IQ và trí thông minh không phải là một!

Quá nhiều người nhầm tưởng rằng IQ là chỉ số để đánh giá một ai đó thông minh hơn người khác. Nhưng thực tế, IQ chỉ là cơ sở để minh chứng một người có lợi thế về chăm sóc y tế và được hưởng nền giáo dục tốt hơn người khác mà thôi.

Từ lâu mọi người thường nhầm tưởng rằng thuật ngữ IQ và trí thông minh là một. Tuy nhiên thực tế thì không phải như vậy. Một người có điểm số IQ cao không phải là dấu hiệu cho thấy người đó thông minh. Thực tế, IQ chỉ là công cụ để định lượng khả năng làm một bài kiểm tra nhất định.

Theo PopSci, người phương Tây tỏ ra vượt trội trong các bài kiểm tra IQ nhưng nó không có nghĩa họ thông minh hơn nửa còn lại của thế giới. Nghiên cứu chỉ ra rằng, những người có điều kiện tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe chất lượng giúp họ có thể giải được các bài kiểm tra IQ tốt hơn.

Rõ ràng một nền giáo dục và hệ thống chăm sóc y tế tiên tiến sẽ có tác động không nhỏ đến chỉ số IQ của một người. Như vậy một người có chỉ số IQ cao không hẳn là vì người đó bẩm sinh đã thông minh mà bởi, họ có điều kiện tiếp xúc với chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Nếu mọi người đều được tiếp cận với môi trường sống chất lượng, bao gồm tiền bạc dồi dào, được đi học trong nền giáo dục tốt và được chăm sóc nhờ một hệ thống y tế toàn diện, tỷ lệ người có chỉ số IQ cao sẽ là rất lớn.

Nhưng vẫn có những trường hợp khá đặc biệt. Nhiều người dù phải sống trong hoàn cảnh nghèo khổ và không được tiếp xúc với hệ thống y tế hoặc giáo dục tiên tiến nhưng họ vẫn thể hiện năng lực tiếp thu và học tập xuất sắc hơn những người có đủ điều kiện. Nguyên nhân có thể do chỉ số IQ bẩm sinh của họ đã cao hơn người khác và họ có động lực phấn đấu trong cuộc sống.

Không có sự khác biệt về trí thông minh giữa các chủng tộc

Albert Einstein là một trong những thiên tài có chỉ số IQ cao lên tới 160 và ông là người Do Thái

Ở nhiều nơi trên thế giới, nhiều đứa trẻ luôn cảm thấy lạ lẫm khi chúng bị đánh giá bởi chỉ số IQ. Mối liên hệ giữa chủng tộc và IQ không thể là yếu tố khẳng định chủng tộc đó có thông minh hơn các chủng tộc khác về mặt di truyền hay không. Trên thực tế, IQ chỉ giúp khẳng định thêm sự khác biệt về các yếu tố như sự giàu có, hệ thống chăm sóc y tế và giáo dục giữa các chủng tộc.

Bệnh tật

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, bệnh tật là nguyên nhân hàng đầu cản trở sự phát triển của trí tuệ. Do đó khá dễ hiểu khi những khu vực hay bùng phát dịch bệnh và hệ thống chăm sóc y tế yếu kém thường là nơi không có chỉ số IQ cao.

Trên thực tế những người có chỉ số IQ cao có xu hướng sống thọ hơn những người khác. Nhưng không phải vì bẩm sinh tuổi thọ của họ đã vậy mà do họ có cơ hội tiếp xúc với hệ thống y tế tốt hơn.

Giáo dục

Cứ thêm một năm học, điểm IQ của một người sẽ tăng từ 2-3 điểm. Nói như vậy là để thấy vai trò quan trọng của giáo dục với sự phát triển của trí não và trình độ giải quyết vấn đề trong các bài kiểm tra IQ.

Chỉ số IQ ở các nước trên thế giới (càng đậm thì chỉ số IQ càng cao)

Ở những quốc gia có nền kinh tế phát triển, hệ thống giáo dục luôn được chăm chút sẽ giúp học sinh tại các quốc gia đó có cơ hội tiếp cận với nhiều tri thức hơn so với các em ở các quốc gia nghèo đói. Trong giai đoạn còn nhỏ, bộ não của trẻ vẫn sẽ tiếp tục phát triển và lúc này sẽ cần một môi trường giáo dục thật tốt để nâng cao chỉ số IQ.

Tuy nhiên ngay cả những đứa trẻ lớn hơn nếu như có cơ hội được học trong môi trường giáo dục tiên tiến, chúng vẫn có thể đạt được chỉ số IQ cao hơn khoảng 12 điểm so với những đứa trẻ khác theo học ở các nền giáo dục kém phát triển.

Hiệu ứng Flynn

Hiệu ứng Flynn được đặt theo tên giáo sư James Flynn thuộc Đại học Otago, New Zealand. Hiệu ứng này được giải thích như sau. Sự phát triển của trí tuệ là nhờ sự cải thiện về chế độ dinh dưỡng, điều kiện sống và nền giáo dục.

Trong khoảng thời gian từ 1930 – 1980, chỉ số IQ trung bình ở Mỹ đã tăng lên tới 3 điểm. Sau chiến tranh, Nhật Bản và Đan Mạch cũng có sự cải thiện về chỉ số IQ của người dân. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, hiệu ứng Flynn đã không còn duy trì tại các nước phát triển, thậm chí còn đang giảm dần.

Các quốc gia đang phát triển cho thấy tốc độ tăng trưởng chỉ số IQ nhanh chóng trong khi chỉ số IQ tại các nước phát triển đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm dần

Hiện nay chỉ số IQ trung bình ở Kenya dao động trong khoảng 72, thấp hơn một chút so với người Anh hồi năm 1948. Mặc dù vậy hiệu ứng Flynn đang chững lại ở phương Tây và có xu hướng tăng lên ở các nước đang phát triển. Chỉ số IQ của Kenya đã tăng 25 điểm kể từ khi bắt đầu thực hiện các bài test IQ từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Nếu các quốc gia đang phát triển tiếp tục duy trì được hiệu ứng Flynn, chỉ số IQ trên toàn cầu sẽ sớm cân bằng trong tương lai không xa.

Tiến Thanh

Chủ đề khác