VnReview
Hà Nội

Tên lửa siêu thanh Trung Quốc 'có thể đánh chìm tàu sân bay Mỹ'

Trung Quốc cho hay mẫu tên lửa siêu thanh mới của họ với tên gọi DF-17 có thể đánh chìm tàu sân bay của Hải quân Mỹ. Thông tin này được đăng tải trên các cơ quan thông tấn của chính quyền nước này chỉ vài giờ sau khi tàu chiến của Hải quân Mỹ và Hải quân Hoàng gia Anh đi qua Biển Đông.

Trên thực tế, không có gì đặc biệt nếu một quốc gia lớn như Trung Quốc sở hữu những tên lửa có sức mạnh huỷ diệt như vậy. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là liệu họ có thực sự có đủ nguồn lực và khả năng để xác định chính xác vị trí của một tàu sân bay đang hoạt động trên biển và đánh chìm nó hay không.

Theo United Press International, China Times và một số trang tin của Trung Quốc đăng tải các bài xã luận cho biết mẫu tên lửa DF-17 có khả năng đánh chìm tàu sân bay của Hoa Kỳ "trong 8 lần bắn". Các trang tin này thậm chí còn dẫn lại lời của một nhà bình luận quân sự Trung Quốc cho rằng việc theo dõi và đánh chặn tên lửa DF-17 là một nhiệm vụ "bất khả thi" đối với "các hệ thống phòng thủ tên lửa phương Tây". Những bài xã luận trên tuyên bố tên lửa DF-17 có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân và có thể tấn công "mọi mục tiêu trên thế giới trong vòng 1 giờ" ngoại trừ các mục tiêu trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

DF-17 là hệ thống vũ khí tăng tốc siêu âm tân tiến của Trung Quốc. Vũ khí chính của hệ thống được đặt trên đỉnh của một tên lửa đạn đạo và được bắn vào không trung ở độ cao lớn. Các tên lửa đạn đạo truyền thống thường bắn đầu đạn vào không gian ngoài bầu khí quyển Trái Đất, sau đó đầu đạn được đưa theo quỹ đạo đạn đạo được tính toán trước đến mục tiêu cần tiêu diệt. Tuy nhiên, các tên lửa siêu thanh thường dừng lại và đổi hướng ngay trước khi bay vào không gian. Ở độ cao rất lớn nhưng vẫn nằm trong khí quyển Trái Đất này, vũ khí sẽ đổi hướng lao xuống dưới với vận tốc vượt trên vận tốc Mach 5 và lao thẳng tới mục tiêu. Phương pháp này sẽ khiến việc can thiệp vào quỹ đạo bay của tên lửa và đầu đạn trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng một số tuyên bố của trang tin China Times rõ ràng là không chính xác. DF-17 có tầm bắn ước tính từ 1100 đến 1500 dặm, có vẻ giống một loại vũ khí hoạt động cục bộ trong khu vực hơn là một vũ khí có khả năng tấn công các mục tiêu trên toàn cầu. Trong khi đó, vũ khí siêu âm với tầm bắn "toàn cầu" sẽ đương nhiên có khả năng tấn công lãnh thổ Hoa Kỳ.

Còn về khả năng DF-17 có thể đánh chìm tàu sân bay Mỹ hay không, các chuyên gia cho rằng điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Quân đội Trung Quốc sẽ phải tăng cường khả năng dò tìm và theo dõi các tàu sân bay đang di chuyển trên khắp vùng biển Thái Bình Dương rộng lớn. Họ sẽ cần triển khai một hệ thống các tàu quân sự, vệ tinh và máy bay liên lạc qua các đường truyền bảo mật để truyền thông tin về vị trí của tàu sân bay cũng như dẫn đường cho các tên lửa siêu âm được phóng từ mặt đất. Trong thời gian đó, quân đội Mỹ cũng đang nghiên cứu xây dựng một hệ thống "bong bóng" bảo vệ cho quanh các tàu sân bay, làm nhiễu hệ thống liên lạc của kẻ địch, bắn hạ hoặc bắn chìm các thiết bị quân sự của địch nếu chúng tìm cách tiếp cận con tàu.

Chính vì vậy, mặc dù trên lý thuyết vũ khí siêu âm có khả năng đánh chìm tàu sân bay—cụ thể hơn là qua 8 lần bắn—tuy nhiên chúng ta sẽ không thể biết được khả năng thực chiến của các khí tài này nếu quân đội Trung Quốc không triển khai chúng trong thực tế.

Theo China Times, các tên lửa DF-17 sẽ sẵn sàng để đưa vào sử dụng từ năm 2020.

An Huy

Chủ đề khác