VnReview
Hà Nội

Tại sao Trái đất nóng lên mà mùa đông ở một số nơi vẫn lạnh kỷ lục?

Khẳng định: Nhiệt độ lạnh kỷ lục ở một số nơi không đồng nghĩa với việc hành tinh của chúng ta không nóng lên.

Nhiệt độ lạnh kỷ lục ở một số nơi không có nghĩa là Trái đất ngừng nóng lên

Theo Posci, một đợt không khí lạnh ở Bắc Cực đang tràn qua khu vực Trung Tây (Mỹ) gây chấn động nhiều thành phố bao gồm Chicago, Minneapolis, Detroit và Milwaukee. Nhiệt độ sẽ giảm xuống thấp hơn so với mức trung bình trong 2 thập kỷ ở một số khu vực. Nhiều nơi nhiệt độ xuống từ -34 độ C đến -48 độ C. Trong cái lạnh này, nhiều thứ có thể đóng băng nhanh chóng trong vòng 5 phút.

Chắc chắn, đợt không khí lạnh kỷ lục này khiến nhiều người chế nhạo những người hay đề cập đến vấn đề Trái đất đang nóng lên (global warming). Tổng thống Mỹ Donald Trump từng là một trong số những người đó. Có vẻ họ quên mất thực tế rằng một đợt lạnh giá tại một khu vực nhỏ của địa cầu thường không kéo dài. Dưới đây là lí do tại sao.

Tại sao tuần này lại lạnh giá như vậy?

Vào đầu năm nay, cơn lốc cực - một luồng không khí lạnh có độ xoáy cao nằm trên bề mặt đất Bắc Cực – tách ra. Một luồng không khí lạnh từ cơn lốc tách ra hiện đang di chuyển xuống vùng Great Lakes.

Một nhà khoa học khí quyển tại Viện nghiên cứu khoa học môi trường Mỹ cho biết thêm rằng ngoài sự phân chia xoáy cực, một số thành phần khác đã kết hợp với nhau để tạo ra những điều kiện lạnh giá ở mức nguy hiểm này.

Đặt cái lạnh trong bối cảnh thích hợp

Thời tiết sẽ sớm quay trở về những gì thực sự là "một mùa đông ấm áp" (với nhiệt độ lạnh nhưng không ở mức khắc nghiệt như hiện tại). Đầu tuần tới, cơn lạnh đột xuất này sẽ qua đi. Không ai coi đợt lạnh kỷ lục này là "một mùa đông ấm áp" được nhưng trong hầu hết các tháng 12 và tháng 1, nhiệt độ thường ở trên mức trung bình.

Sẽ luôn có những đợt lạnh ngẫu nhiên. Thời tiết thay đổi và hỗn loạn, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác ngoài nhiệt độ trung bình toàn cầu. Thời tiết thường thay đổi từ ngày này sang ngày khác hoặc thậm chí từng giờ, trong khi sự thay đổi khí hậu của chúng ta xảy ra trong thời gian dài, chẳng hạn như trong khoảng thời gian hơn 30 năm. Vì vậy, chúng ta không thể nói rằng một đợt lạnh hay một sự kiện thời tiết là bằng chứng chống lại quan điểm về biến đổi khí hậu.

Nhiệt độ lạnh kỷ lục ở một số nơi không có nghĩa là Trái đất ngừng nóng lên

Mặc dù mọi người có xu hướng ghi nhớ những thời điểm thời tiết khắc nghiệt như đợt lạnh lần này tại Mỹ. Tuy nhiên, có một thực tế là mùa đông đã ấm dần lên trên phạm vi toàn cầu. International Falls, Minnesota ghi nhận mức nhiệt độ thấp kỷ lục mới -45ºF vào Chủ nhật nhưng có nhiều mức thấp kỷ lục được ghi nhận mỗi ngày trên phạm vi toàn cầu. Trong năm qua, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia đã ghi nhận 11.404 mức nhiệt độ thấp kỷ lục hàng ngày. Nhưng cũng có gần gấp đôi mức nhiệt độ cao kỷ lục mới (21,907 mức) - những mức nhiệt độ thấp hay cao kỷ lục này được ghi nhận tại nhiều địa điểm trên thế giới.

Khi nói đến biến đổi khí hậu, nó là một bức tranh dài hạn. Henson cho biết: "Tỷ lệ đó (từ mức cao kỷ lục xuống mức thấp) đã trở nên lớn hơn trong vài thập kỷ qua. Tuy nhiên, cái lạnh khắc nghiệt không biến mất, chỉ là nó ít xảy ra thường xuyên hơn".

Quan trọng hơn, từ một sự kiện xảy ra ở Mỹ - nơi chỉ chiếm khoảng hai phần trăm bề mặt hành tinh – không có ý nghĩa đại diện cho tình hình toàn cầu. Đó cũng là lí do vì sao người ta gọi là "sự nóng lên toàn cầu" mà không phải là nóng lên ở một khu vực cụ thể nào đó.

Trong khi nhiệt độ thấp kỷ lục xảy ra trong tuần này ở miền bắc Hoa Kỳ, nhiệt độ cao kỷ lục đã xảy ra trong tháng này trên khắp nước Úc. Thời tiết thay đổi nhanh chóng trên toàn thế giới và một địa điểm không phải là đại diện của toàn cầu.

Thời tiết lạnh nhưng Trái đất vẫn đang nóng lên

Nhiệt độ đại dương nóng lên dẫn đến lượng nước bốc hơi nhiều hơn và xâm nhập vào khí quyển. Điều này sẽ khiến lượng mưa và tuyết rơi nhiều hơn. Chương trình nghiên cứu thay đổi toàn cầu của Mỹ cũng dự đoán những cơn bão tuyết lớn sẽ trở nên phổ biến hơn trên khắp đất nước ngay cả ở những nơi có tổng lượng mưa dự kiến sẽ giảm, như phía Tây Nam. Và dù tổng lượng tuyết rơi tại Mỹ sẽ giảm trong những năm tới do nhiệt độ ấm hơn thì những cơn bão dữ dội có thể sẽ tiếp tục.

Trên phạm vi toàn cầu, lạnh cực đoan có thể giảm trong thế kỷ tới. Một số nhà khoa học cho rằng sự nóng lên ở Bắc Cực có thể làm thay đổi dòng phản lực và dẫn đến luồng không khí lạnh thổi vào giữa các tầng trung lưu (ý tưởng này còn gây nhiều tranh cãi vào thời điểm hiện tại).

Bạch Đằng

Chủ đề khác