VnReview
Hà Nội

Làm thế nào cơ thể biết tích trữ chất béo ở đâu?

Tất cả chúng ta đều có chất béo trong cơ thể, nhưng cơ thể mỗi người lại tích trữ chất béo ở những chỗ khác nhau. Một số người có mỡ ở vùng bụng, trong khi những người khác có mỡ ở đùi, hông và các khu vực khác. Thật không may, chúng ta không có quyền kiểm soát nơi cơ thể chúng ta tích trữ chất béo.

Chất béo tốt đóng một vai trò quan trọng, không chỉ trong việc cung cấp năng lượng cho cơ thể mà còn trong việc điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, sản xuất hormon, giảm viêm,... Nhưng bài viết dưới đây sẽ không trả lời cho câu hỏi về chất béo tốt và xấu mà nó là một bài giải đáp cho câu hỏi: "Làm thế nào cơ thể quyết định đâu sẽ là nơi tích trữ chất béo?".

Hệ thống tiêu hóa

Để hiểu cách cơ thể tích trữ và phân phối chất béo, trước tiên chúng ta phải hiểu ngắn gọn về cách thức ăn được tiêu hóa trong cơ thể. Quá trình tiêu hóa bắt đầu ngay khi chúng ta đưa thức ăn vào miệng, nơi nó được tiêu hóa một cách cơ học khi chúng ta nhai và sau đó được tiêu hóa hóa học do enzim amilaza có trong nước bọt. Khi chúng ta nuốt, quá trình tiêu hóa sẽ tự động. Thức ăn đến dạ dày của chúng ta thông qua thực quản, nơi nó bị xáo trộn, trở thành những mảnh nhỏ hơn hòa trộn với axit và dịch tiêu hóa.

Thức ăn được tiêu hóa một phần này được đưa vào ruột non, nơi hầu hết quá trình tiêu hóa diễn ra. Ở đây, dịch tụy, mật (do gan sản xuất) và dịch tiêu hóa đường ruột sẽ hòa trộn vào phần thức ăn được tiêu hóa trước này và phá vỡ các chất dinh dưỡng phức tạp thành các dạng đơn giản hơn.

Protein được phân hủy thành các axit amin, chất béo được phân hủy thành các axit béo và cacbohidrat được phân hủy thành các loại đường đơn hoặc monosacarit, chẳng hạn như glucozo. Các chất dinh dưỡng được tiêu hóa từ thức ăn sau đó được hấp thụ vào máu qua vách của ruột non, trong khi các chất thải được chuyển qua ruột già để hình thành và bài tiết phân.

Chất béo được hình thành như thế nào?

Khi các chất dinh dưỡng bị phá vỡ trong ruột non được hấp thụ vào máu của chúng ta, mức glucozo (đường) trong máu của chúng ta tăng lên. Tuyến tụy, thường xuyên theo dõi lượng đường trong máu và tiết ra một loại hormon gọi là insulin khi nó cảm nhận được sự gia tăng lượng đường. Insulin được giải phóng trong máu báo hiệu cho các tế bào cơ và các tế bào khác trong cơ thể chúng ta hấp thụ glucozo từ máu để giảm mức đường trong máu. Những tế bào này nhận được thông điệp, nhờ các thụ thể insulin được "gói" trong màng tế bào và lấy glucozo từ máu để nhận năng lượng.

Khi các tế bào đã hấp thụ hết năng lượng mà chúng cần, insulin sẽ báo hiệu cho gan hấp thụ glucozo và dự trữ dưới dạng tinh bột gọi là glycogen (glycogen sẽ được chuyển đổi thành glucozo sau khi lượng đường trong máu giảm). Tuy nhiên, khi glycogen đã dự trữ đủ, quá trình tạo lipid sẽ được kích thích.

Chất béo được tích trữ ở đâu?

Chất béo được lưu trữ trong các tế bào mỡ, các tế bào của một mô liên kết lỏng được gọi là mô mỡ. Một tế bào mỡ cũng giống như một gói nhỏ trong đó có thể lưu trữ một giọt chất béo.

Mô mỡ được tìm thấy dưới da, xung quanh các cơ quan nội tạng, trong tủy xương và trong mô vú. Nó được tìm thấy ở các vị trí khác nhau của cơ thể. Mô mỡ dưới da được tìm thấy ở bụng, hông, đùi,... Mô mỡ nội tạng nằm trong ổ bụng, xung quanh các cơ quan quan trọng của cơ thể.

Sự phân phối chất béo

Chúng ta thường nghe thấy các cụm từ để miêu tả hình dạng cơ thể như; "quả táo" hoặc "quả lê". Các loại cơ thể hình "quả táo" tích trữ chất béo ở phần trung tâm của cơ thể, trong khi các loại hình "quả lê" tích trữ nó ở phần dưới của cơ thể. Hãy tìm hiểu lý do tại sao những người khác nhau tích trữ chất béo ở các vùng khác nhau trên cơ thể họ.

Chúng ta cần xem xét hai điểm khi thảo luận về sự phân bố mỡ cơ thể đó là số lượng tế bào chất béo trong một khu vực nhất định và mức độ tích trữ chất béo của chúng. Hai điểm này xác định tổng khối lượng và vùng của mô mỡ trong cơ thể chúng ta. Bằng chứng hiện có không cho thấy lý do cho sự nhân lên của các tế bào mỡ dựa trên khu vực, nhưng lại có thể đưa ra một số ý tưởng về mức độ tích trữ. Do đó, có thể nói một cách an toàn rằng sự khác biệt trong khối mô mỡ khu vực là do sự khác biệt về mức độ tích trữ chất béo trong các tế bào này.

Sự khác biệt giữa đàn ông và phụ nữ

Hormon steroid có vai trò rất lớn trong quá trình này. Do đó, sự bài tiết của các hormon steroid khác nhau và mật độ của các thụ thể ở các khu vực sẽ quyết định sự phân phối khối lượng mỡ. Sự khác biệt trên cơ sở giới tính là phụ nữ có lượng mỡ dưới da nhiều hơn so với nam giới, trong khi nam giới có tỷ lệ mỡ nội tạng cao hơn. Thêm vào đó, phụ nữ có các mô mỡ mở rộng hơn ở vùng hông và đùi. Tích trữ chất béo trong khu vực này cũng là kết quả của sự tiếp nhận sẵn sàng gây ra bởi hoạt động lipoprotein lipase cao hơn ở khu vực này do hormon steroid giới tính nữ. Do các kích thích tố này, phụ nữ tích trữ phần lớn chất béo ở phần dưới của cơ thể, trong khi đàn ông lưu trữ đồng đều trên khắp cơ thể, chủ yếu ở phần trung tâm.

Mặt khác, phụ nữ có xu hướng phân phối lại khối mỡ ở vùng bụng và tăng mỡ nội tạng sau mãn kinh, có lẽ là do nồng độ estrogen (hormon giới tính nữ) giảm. Phụ nữ trước khi đến tuổi mãn kinh có khả năng cao hơn để giúp nội tạng hạn chế sự tích tụ chất béo đến một mức độ nhất định. Đàn ông tích lũy mỡ ở vùng này gần như giống với các vùng khác. Điều này được giải thích một phần bởi thực tế là mô mỡ của phụ nữ có nhiều "không gian" hơn.

Sự căng thẳng

Căng thẳng mãn tính trong thời gian dài là một yếu tố chính trong việc quyết định nơi tích trữ chất béo, bất kể là giới tính nào. Tiếp xúc với căng thẳng sẽ giải phóng hormon căng thẳng cortisol, việc hormon này tăng dẫn đến chất béo được tích trữ tập trung ở vùng bụng. Mọi người đều phải đối mặt với căng thẳng, nhưng không phải ai cũng phản ứng bằng cách tiết ra cùng một mức cortisol. Do đó, những người tiết ra lượng hormon này cao hơn sẽ tích tụ nhiều mỡ bụng hơn.

Những yếu tố khác

Di truyền cũng đóng một vai trò rất lớn trong việc quyết định khả năng phản ứng của chúng ta đối với căng thẳng, chuyển hóa và nhạy cảm với insulin,… Tất cả đều góp phần quyết định nơi cơ thể chúng ta tích trữ chất béo. Các yếu tố như lối sống và tuổi tác cũng ảnh hưởng lớn đến mức mỡ bụng. Thêm vào đó, rượu, hút thuốc, thiếu ngủ và ít tập thể dục cũng làm cho bụng tích mỡ nhiều hơn.

Chất béo dư thừa dù tích trữ ở bất kể khu vực nào đều dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, nhưng chất béo được tích trữ ở vùng trung tâm cơ thể gây nhiều rủi ro sức khỏe hơn ở vùng dưới cơ thể. Do vậy, mỡ nội tạng nguy hiểm hơn mỡ dưới da. Béo phì đi kèm với nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, kháng insulin và các tác dụng phụ nghiêm trọng khác.

Cho dù bạn sở hữu thân hình "quả táo" hay "quả lê" thì chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục và lối sống lành mạnh đều là những yếu tố quan trọng để giữ dáng.

Zenda

Chủ đề khác