VnReview
Hà Nội

Sữa không còn là thực phẩm chính trong thực đơn vì sức khỏe của quốc gia lớn thứ hai Bắc Mỹ này

Người dân các nước châu Âu và Bắc Mỹ đã có truyền thống uống sữa hàng ngàn năm qua. Sữa và các sản phẩm từ sữa luôn là nhóm chính trong hướng dẫn thực phẩm của chính phủ các nước này. Tuy vậy, sữa không còn chiếm vị trí quan trọng trong dự thảo hướng dẫn thực phẩm mới được Canada công bố hồi đầu tháng 1 vừa qua.;

Theo đó, sữa không còn là thực phẩm được khuyên dùng mỗi ngày mà chỉ còn là một loại đạm bình thường bên cạnh các nguồn đạm khác như: đậu hũ, đậu, cá, hạt, bơ đậu phộng, thịt. Phô mai ít béo và yaourt cũng là những nguồn đạm mỗi ngày, theo một văn bản qua email của Bộ Sức khỏe Canada.

Ngoài đạm, dự thảo mới với tiêu đề "ăn đa dạng các loại thực phẩm mỗi ngày" cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ăn nhiều thực phẩm nguyên cám, rau củ, trái cây.

Một số ví dụ cho các nhóm thực phẩm: thực phẩm nguyên cám như gạo lứt, bánh mì đen, bánh pita đen, pasta nguyên cám, rau củ và trái cây bao gồm cả cà chua tươi và đóng hộp, salad đóng gói, cải broccoli, các loại dưa và quả thuộc họ dâu (dâu tây, mâm xôi đỏ-raspberry và đen-blackberry).

3 nhóm thực phẩm chính trong dự thảo hướng dẫn thực phẩm mới của Canada: thực phẩm nguyên cám, rau củ và trái cây, đạm

Hướng dẫn mới đã loại bỏ nước ép trái cây vì "các nhà dinh dưỡng Canada cho rằng trẻ em không cần nước ép", Global News dẫn lời người phát ngôn Dinh dưỡng Canada đồng thời cũng là một nhà dinh dưỡng học được chứng nhận, Kate Comeau. Theo kinh nghiệm của Corneau, mọi người thường ước lượng vượt quá khẩu phần quy định nước ép (theo hướng dẫn cũ là ½ cốc hay 125 ml).

Corneau cũng cho rằng, sữa vẫn còn là một thực phẩm dinh dưỡng và dù mọi người băn khoăn về các thực phẩm nhóm đạm nhưng với tư cách là các nhà dinh dưỡng, cô ủng hộ ý tưởng tất cả các thực phẩm được liệt kê ở trên đều là thực phẩm bổ dưỡng.

Hướng dẫn dinh dưỡng hiện tại của Canada được dùng từ năm 2007 là một dải cầu vồng gồm 4 nhóm thực phẩm: trái cây và rau củ, các sản phẩm ngũ cốc, sữa và sản phẩm thay thế, thịt và sản phẩm thay thế. Mô hình các nhóm thực phẩm này đã bị chỉ trích vì nhiều loại năng lượng mà người Canada hấp thu không rơi vào trong 4 nhóm này, và có những câu hỏi về việc sữa và sản phẩm sữa có xứng đáng được xếp vào một nhóm riêng không.

Dinh dưỡng Canada là tổ chức chuyên nghiệp dành cho các chuyên gia dinh dưỡng ở Canada, gồm 6000 thành viên đáp ứng các tiểu chuẩn kinh nghiệm và học thuật.

Dải cầu vồng 4 nhóm thực phẩm trong hướng dẫn dinh dưỡng hiện tại của Canada

Thay đổi mới lạ nhất của hướng dẫn mới là bao gồm cả những lời khuyên về cách ăn uống chứ không chỉ dừng ở việc ăn món gì.

Với tiêu đề "ăn uống lành mạnh còn hơn cả thực phẩm mà bạn ăn", hướng dẫn mới đề nghị người dân chú ý đến thói quen ăn uống, nấu ăn thường xuyên hơn, uống nước và chia sẻ bữa ăn với người khác.

Theo người phát ngôn Corneau, ăn gì "chỉ là một phần của bài toán". Đã có những nghiên cứu ủng hộ việc ăn với gia đình có nhiều ích lợi hơn việc chỉ đơn giản là ăn đúng. Việc ăn với người khác sẽ cho kết quả tốt hơn trong trường hợp với trẻ em và việc tiêu thụ rau củ, trái cây nhiều hơn. Ngoài ra, nấu ăn tại nhà cũng giúp dạy trẻ những thói quen nấu nướng có thể phát triển khi trưởng thành, đem lại nhiều lợi ích dinh dưỡng hơn. Thực phẩm nấu tại nhà cũng bổ dưỡng hơn, gỉam lượng thực phẩm đã sơ chế và chế biến sẵn thường có hàm lượng cao natri, chất béo bão hòa, các loại đường có tác động tiêu cực lên sức khỏe.

Có một vấn đề lớn mà hướng dẫn mới không đề cập, đó là số khẩu phần đề nghị mỗi ngày cho từng loại thực phẩm. Những chỉ dẫn cụ thể về việc nên ăn bao nhiêu mỗi ngày có thể sẽ được bổ sung trong phiên bản hướng dẫn hoàn chỉnh, người phát ngôn Corneau cho biết.

Về các thực phẩm cần hạn chế, dự thảo mới đề nghị người dân Canada giới hạn các thực phẩm giàu natri, đường và chất béo bão hòa như bánh pizza, muffin, soda. Ngoài ra, thực phẩm đã qua chế biến cũng được khuyên dùng ít hơn, theo các dự thảo trước đó.

Dự thảo cũng khuyên người dân đọc các nhãn dinh dưỡng và "ý thức về tiếp thị thực phẩm".

Theo Global News, dự thảo hướng dẫn thực phẩm mới là một sự thay đổi lớn so với mẫu thiết kế dải cầu vồng thực phẩm cũ được treo trong các lớp học từ năm 2007. Những khái niệm được trình bày trong báo cáo chưa phải là dự thảo đầy đủ nhưng chúng cũng đưa ra một số thay đổi quan trọng so với hướng dẫn hiện hành. Còn theo CTV News, có nhiều thay đổi trong dự thảo là những ý tưởng đã được dùng ở các nước như Bỉ, Thụy Điển, Brazil, những nước có mô hình dinh dưỡng được đánh giá là tốt nhất thế giới.

Dinh dưỡng theo kim tự tháp ngược ở Bỉ: tầng trên cùng là rau củ, ngũ cốc nguyên cám, trái cây, đậu hạt, tầng giữa là gà, cá, trứng, sữa, dưới cùng là phô mai, thịt đỏ

Hướng dẫn dinh dưỡng đơn giản ở Thụy Điển: thêm rau củ, chuyển sang ngũ cốc nguyên cám, chất béo lành mạnh, hạn chế thịt đỏ và thịt chế biến

Một trang trong cẩm nang hướng dẫn dinh dưỡng của Brazil: ưu tiên thực phẩm tự nhiên hơn thực phẩm chế biến và siêu chế biến (ultra-processed food)

Hướng dẫn chính thức vẫn đang được hoàn chỉnh, còn các thông tin về dự thảo mà báo giới Canada đăng tải đến từ một bản báo cáo của Earnscliffe Strategy Group hồi tháng 10 năm ngoái (2018). Đó là một cuộc khảo sát quan điểm người dân về các ảnh minh họa và ý tưởng khác nhau về thực phẩm, được thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn nhóm tập trung (focus group). Mục đích của khảo sát được Earnscliffe triển khai cho Bộ Sức khỏe Canada này là thử nghiệm các ý tưởng khác nhau cho hướng dẫn thực phẩm.

So với báo cáo Earnscliffe thì phiên bản hướng dẫn cuối cùng dự kiến sẽ khác hơn và phản ánh phản hồi từ nhiều nguồn hơn, từ báo cáo cho đến các nhà đầu tư, các chuyên gia và dân chúng.

Linh Trần

Chủ đề khác