VnReview
Hà Nội

Báo động: Ngay cả loài sinh sống ở vùng biển sâu nhất thế giới cũng đã ăn phải rác thải nhựa

Ở nơi sâu nhất của đại dương, các loài sinh vật đã phải ăn rác thải nhựa và điều này cho thấy tình trạng rác thải đại dương đang ngày càng nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

Theo Sciencealert, các nhà khoa học đã phát hiện thấy ở độ sâu lên tới 7000 mét dưới lòng đại dương, dạ dày của nhiều loài sinh vật sống có chứa rất nhiều rác thải nhựa.

Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Newcastle, Anh đã đưa tàu thăm dò xuống đáy biển tại 6 rãnh nứt kiến tạo dưới biển cụ thể gồm Nhật Bản, Izu-Bonin, Peru-Chile, New Hebrides, Kermadec và khu vực Challenger Deep, nơi được cho là sâu nhất dưới đại dương thuộc rãnh nứt Mariana ở Thái Bình Dương.

Tàu đổ bộ mang theo các trang thiết bị giám sát và lấy mẫu. Sau khi được kéo trở lại mặt đất, chúng đã thu thập được rất nhiều loài sinh vật biển nhỏ sống ở dưới đáy đại dương.

Nhóm nghiên cứu đã thu thập được tổng cộng 90 con vật và phát hiện thấy, bên trong cơ thể của những loài sinh vật này chứa rác thải nhựa. Tổng cộng, các nhà khoa học đã phát hiện thấy trong ruột của 72% sinh vật biển được vớt lên có chứa nhựa. Thật tồi tệ khi càng khám phá sâu hơn dưới đáy đại dương, chúng ta lại càng tìm thấy nhiều nhựa hơn.

Trong khi đó tại rãnh New Hebrides, các nhà khoa học phát hiện thấy 50% sinh vật biển có chứa nhựa trong ruột. Thậm chí, tại khu vực Challenger Deep có độ sâu lên tới 10.890 mét, 100% sinh vật biển được phát hiện có chứa nhựa trong ruột. Alan Jamieson, nhà khoa học hàng hải thuộc Đại học Newcastle cho rằng, không có một sinh vật biển nào không chịu ảnh hưởng bởi rác thải của con người.

Rãnh đại dương là điểm dừng chân cuối cùng của rác thải sau khi chúng chìm xuống dưới mặt biển

Năm ngoái, cũng chính các nhà khoa học này phát hiện thấy túi nhựa ở rãnh Mariana. Do đó, kết quả phát hiện mới đây có lẽ không còn là sự cố hi hữu nữa mà đã trở thành một vấn nạn cực kỳ nghiêm trọng. Rác thải thực sự đang xâm chiếm đại dương và có nguy cơ phủ khắp lòng đại dương trong tương lai không xa.

Khi tìm hiểu sâu hơn về rác thải nhựa dưới đáy dại dương, nhóm nghiên cứu phát hiện thấy đây là các hạt vi nhựa chủ yếu là sợi xenlulo bán tổng hợp và hay được sử dụng trong quần áo. Bên cạnh đó, họ cũng tìm thấy cả các chất liệu khác như nylon, polyethylen, polyamit và polyvinyl không xác định, gần giống với hóa chất polyvinyl alcohol (PVA) hoặc polyvinylchloride (PVC ).

Jamieson chia sẻ: "Mọi thứ đã quá rõ ràng. Điểm cuối cùng khi các mảnh nhựa chìm xuống biển dù ở kích thước nào là đáy đại dương. Nếu bạn làm ô nhiễm một dòng sông, nó có thể sẽ trôi sạch theo dòng chảy. Nếu bạn làm ô nhiễm một bờ biển, thủy triều sẽ đem chúng đi xa. Nhưng nếu gây ô nhiễm ở nơi sâu nhất của đại dương thì mọi thứ vẫn nằm ở đó vì chẳng có gì đem chúng đi được cả".

Sự nguy hiểm của rác thải nhựa đã quá rõ ràng, ngay cả khi chúng chìm xuống nơi sâu nhất của đại dương, nó vẫn có thể gây hại cho các loài sinh vật sống ở tầng đáy. Việc nuốt phải rác thải nhựa chưa phân hủy hết có thể khiến chúng bị chết vì hệ tiêu hóa không thể xử lý được. Chúng ta đã từng được chứng kiến nhiều vụ việc đáng tiếc khi rùa biển, cá voi chết dạt vào bờ biển và khi mổ bụng phát hiện thấy chủ yếu là rác thải nhựa.

Không chỉ khiến các loài sinh vật bị chết vì nuốt phải, nhựa cũng gián tiếp làm cản trở khả năng di chuyển hoặc săn mồi của nhiều loài nếu không may bị mắc phải. Nếu có nhiều cá thể cùng bị như vậy, nó sẽ dẫn tới một hiệu ứng domino khủng khiếp trong chuỗi thức ăn.

Theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2017, con người đã sản xuất được khoảng 8,3 tỷ tấn nhựa kể từ năm 1950, trong đó có khoảng 6,3 tỷ tấn đã bị loại bỏ bằng cách chôn vùi tại các bãi rác hoặc thải ra môi trường. Mặc dù vậy, thật khó để biết có bao nhiêu lượng rác thải nhựa đó trôi xuống đại dương.

Nghiên cứu trên của các nhà khoa học Anh đã được công bố trên tạp chí Royal Society Open Science mới đây.

Tiến Thanh

Chủ đề khác