VnReview
Hà Nội

Dịch tả lợn châu Phi là gì? Dịch tả lợn châu Phi có lây sang người không?

Dịch tả lợn Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus African swine fever virus (ASFV) gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, ở tất cả các loại lợn với tỷ lệ chết cao, lên đến 100%. Bệnh lây truyền qua các đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh.

Trong năm 2018, nhiều nước thuộc châu Phi, châu Âu và châu Á đã ghi nhận các vụ dịch bệnh tả lợn châu Phi ở các đàn lợn.

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);dấu hiệu đặc trưng để nhận biết bệnh dịch tả lợn châu Phi là lợn có biểu hiện sốt rất cao trên 40 độ. Đối với một số bệnh khác thì chỉ xảy ra trên một số loại lợn, nhưng đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi thì xảy ra với tất cả các loại lợn (nái, đực, con, choai); tỷ lệ chết rất cao vì chưa có vaccine điều trị.

Dịch tả lợn châu phi có lây sang người không

Vậy dịch tả lợn châu Phi nguy hiểm như thế nào?

Dịch tả lợn châu Phi là căn bệnh truyền nhiễm ở lợn và lợn rừng với tỷ lệ tử vong lên đến 100%. Dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh, ở phạm vi rộng và làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, an sinh xã hội và môi trường là rất lớn.

Đến thời điểm này, đã có 7 tỉnh bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi, tổng số lợn bị mắc bệnh và phải tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Các tỉnh bị dịch ASF xâm nhiễm gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương (tính theo thứ tự thời gian bị phát hiện có dịch).

Chính phủ đã đồng ý đề xuất của Bộ NN&PTNT về mức hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh, "Hỗ trợ tối thiểu 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5-1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu hủy".

Dịch tả lợn châu Phi có lây sang người không?

Theo Bộ Y tế, dịch tả lợn châu Phi có tác nhân gây bệnh là virus nhưng khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người. Do đó người dân không cần hoang mang, tẩy chay thực phẩm là thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và chế biến hợp vệ sinh.

Tuy nhiên, người dân cần nấu chín thịt lợn trước khi ăn, tránh đi vào vùng dịch, nếu phát hiện lợn chết thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng. Một số chuyên gia nhận định, lợn mắc dịch tả châu Phi có thể mắc thêm những bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm...

Hồng Thuý

Chủ đề khác