VnReview
Hà Nội

30 năm World Wide Web: Internet đã thay đổi thế giới như thế nào?

Hôm nay là kỷ niệm 30 năm ngày Tim Berners-Lee đưa ra bản đề xuất để thuyết phục ban lãnh đạo Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) triển khai hệ thống siêu văn bản toàn cầu, ban đầu có tên là "Mesh" và sau này được gọi là "World Wide Web".

Bản đề xuất của Berners-Lee đã đặt nền móng cho mạng Internet mà chúng ta biết ngày hôm nay. 30 năm sau, Internet đã trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống đến nỗi chúng ta nhiều khi quên đi tầm quan trọng của nó. Và cũng thật khó có thể tưởng tượng nổi thế giới sẽ như thế nào nếu thiếu đi mạng Internet.

Và mặc dù bản đề xuất của Berners-Lee vào ngày 12 tháng 3 năm 1989 được nhiều người coi là tấm "giấy khai sinh" ra hệ thống mà chúng ta vẫn gọi là Internet ngày nay (trên thực tế World Wide Web chỉ là một ứng dụng của Internet), nhưng vẫn phải mất một thời gian dài sau đó, mọi người mới thật sự được "trực tuyến" (online) theo đúng nghĩa.

Vào năm 1990, Berners-Lee tạo ra trình duyệt web đầu tiên trên thế giới, với tên gọi WorldWideWeb (sau đó được đổi tên thành Nexus, bởi Berners-Lee có tiếng là người không gắn bó lâu dài với bất kỳ một tên gọi nào cho sản phẩm của mình).

Trình duyệt WorldWideWeb khác biệt khá nhiều so với những trình duyệt web hiện đại mà bạn đang sử dụng để đọc bài báo này (chẳng hạn như Firefox, Chrome, Opera, hoặc một cái tên khác mà có thể bạn đã lãng quên: Internet Explorer).

Tuy nhiên, cũng không thể không nhắc đến một số điểm tương đồng đáng khen ngợi giữa trình duyệt đầu tiên trên thế giới với những phần mềm mà ngay lúc này bạn đang sử dụng để truy cập vào thế giới mạng. Chẳng hạn, những liên kết dùng để kết nối giữa trang này với trang khác vẫn còn tồn tại ngay từ những ngày đầu tiên đó tới nay; mặc dù World Wide Web của thời kỳ đầu chưa có bất kỳ hình ảnh nào.

Hình ảnh trình duyệt web đầu tiên trên thế giới. Nếu bạn muốn trải nghiệm cảm giác duyệt web của 30 năm trước bằng trình duyệt WorldWideWeb, hãy xem qua bài viết này;của VnReview nhé!

Trải nghiệm thời ấy có vẻ hơi nhàm chán và đơn điệu, nhưng cũng rất đơn giản và thậm chí có phần "thơ ngây". Không có những cửa sổ tự động bật lên (pop up) phiền toái và gây nhiều khó chịu.

Kể từ đó, Internet đã phát triển vượt ra ngoài trí tưởng tượng và hình dung của người đã sáng lập ra nó, mang đến những sự bổ sung tuyệt vời (và cũng có những thứ rất tệ) đến với cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Để chào mừng sự kiện này, hãy cùng ngược dòng thời gian và xem Internet đã thay đổi thế giới như thế nào nhé!

Mạng xã hội không dành cho tất cả mọi người

Đưa mọi người xích lại gần nhau hơn

Một trong những vấn đề nóng hổi ở thời điểm hiện tại đó là tình trạng tin tức giả mạo và giật gân đang lan truyền chóng mặt trên các trang web truyền thông đại chúng. Khi mà ngày càng nhiều người chọn mạng xã hội làm nơi để cập nhật tin tức thay cho các nguồn tin truyền thống, Internet đã thay đổi cách mà mọi người nhận thức về thế giới xung quanh rất nhiều.

Có lẽ thành tựu (mà cũng có thể là rắc rối) lớn nhất mà Internet mang lại đó là giúp kết nối mọi người ở khắp nơi trên thế giới lại với nhau.

Bản đề xuất đầu tiên của Berners-Lee đề cập tới việc tạo ra một hệ thống thông tin liên kết với nhau để giúp mọi người chia sẻ dữ liệu cho nhau từ khoảng cách xa. Internet sau đó đã phát triển để giúp các công ty, doanh nghiệp – và sau này là các cá nhân – tạo ra các trang web của riêng mình và đăng tải những suy nghĩ, quan điểm và hình ảnh cho phần còn lại của thế giới cùng xem.

Năm 1993, số lượng trang web trên mạng WWW đã tăng lên đến 600, và có khoảng 2 triệu máy vi tính được kết nối vào web. Và tới ngày sinh nhật lần thứ 30 của mình, Internet đã có tổng cộng hơn 1,6 tỷ website. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 200 triệu trang web đang hoạt động thường xuyên, và có chưa tới một nửa trong số chúng là đáng xem. Khá nhiều trang web trong số đó chứa những nội dung không hẳn đã là phù hợp với tất cả mọi người (chẳng hạn như các trang web khiêu dâm, đăng tải những hình ảnh khỏa thân).

Tuy nhiên, trong khi có rất nhiều người sử dụng các trang web cá nhân để thể hiện quan điểm của mình trước công chúng, thì vẻ đẹp thực sự của Internet nằm ở cách nó cho phép mọi người giao tiếp qua lại với nhau.

Từ những nhóm tin tức (newsgroups) đầu tiên cho phép người tham gia thảo luận về đủ mọi chủ đề, cho tới những bảng tin nhắn (message boards), phòng chat (chat rooms) rồi cuối cùng là các ứng dụng nhắn tin tức thời (như ICQ và MSN Messenger), lịch sử của Internet thực chất là lịch sử của nhân loại tìm cách tán gẫu (chat) với nhau.

Bất đồng trên mạng hoàn toàn có thể biến thành những mâu thuẫn ngoài đời thực.

Các cuộc hội thoại (và tranh luận) ở trên mạng có thể không phải lúc nào cũng giữ được sự lịch sự và văn minh, nhưng dù sao đây cũng là một thành tựu đáng chú ý nhằm giúp đưa mọi người đến gần nhau bất kể họ đang ở đâu trên thế giới, ngay cả khi đôi lúc chúng ta chủ yếu chỉ sử dụng nó để phàn nàn về các chương trình truyền hình vừa phát sóng.

Thập niên 2000 cũng chứng kiến sự trỗi dậy của các mạng xã hội như Friends Reunited hay MySpace, những dịch vụ tiền thân mở đường cho Facebook và Twitter sau này.

Đặc biệt là trường hợp của Facebook, dịch vụ mạng xã hội hiện đang sở hữu con số ấn tượng 2,32 tỷ người dùng tích cực hàng tháng, đã tạo ra sức ảnh hưởng to lớn tới nhiều mặt đời sống của chúng ta. Lý do chủ yếu khiến dịch vụ này sở hữu đến vậy là vì nó mang tới những cách thức thú vị để chúng ta giữ liên lạc với bạn bè và người thân trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, những lo ngại về lượng dữ liệu mà chúng ta tự nguyện cung cấp cho Facebook (cũng như các mạng xã hội khác) và cách mà những dịch vụ này "đối xử" với thông tin của chúng ta, đang ngày một gia tăng trong những năm gần đây; nhất là trong thời điểm một năm qua, liên tục có những scandal làm tổn hại đến danh tiếng của Facebook.

Không có giới hạn cho những nội dung bạn có thể xem trên Internet

Giải trí 24/7

Theo nhiều cách, bạn có thể lập luận rằng Internet đã giúp giải tỏa những nỗi buồn và sự nhàm chán của con người đi rất nhiều. Với số lượng nội dung gần như không giới hạn cứ liên tục xuất hiện trên màn hình và "rót" vào mắt bạn, không có gì nghi ngờ rằng rất nhiều người trong chúng ta vẫn đang từng ngày, từng giờ "dán mắt" vào những thiết bị có kết nối Internet.

Từ văn bản, hình ảnh đến các đoạn phim, âm nhạc và trò chơi, Internet đã thay đổi cách chúng ta tiêu thụ các nội dung giải trí đa phương tiện.

Năm 2005, một trang web chia sẻ video có tên gọi YouTube đã ra đời, và kể từ đó, nó đã trở thành một trong những trang web phổ biến nhất trên thế giới. Có khoảng 5 tỷ video được đăng tải lên YouTube mỗi phút, đồng nghĩa với việc bạn sẽ chẳng bao giờ hết cái để xem cả!

YouTube, và những trang web có chức năng tương tự, giúp bạn có thể sản xuất, đăng tải các nội dung video của mình và thu hút các khán giả tiềm năng mà không nhất thiết phải là một nhà làm phim chuyên nghiệp. Bất kỳ ai sở hữu một chiếc máy quay và có tài khoản YouTube đều có thể lập một kênh "phát sóng" ra thế giới.

Mặc dù điều này giúp đem lại danh tiếng cho những người có tài năng và khiếu giải trí nhưng không bao giờ có cơ hội xuất hiện trên truyền hình truyền thông, nhưng nó cũng đi kèm với những mặt trái nhất định. YouTube ngày nay còn là nơi "chứa chấp" một số lượng không nhỏ những nội dung có chất lượng kém, nghèo nàn, lập dị và thậm chí gây hại.

Công ty vẫn đang không ngừng tìm cách cải thiện hệ thống kiểm duyệt và các thuật toán gợi ý nội dung cho người dùng, nhưng nếu những đứa con của bạn vẫn hàng ngày "dán mắt" vào YouTube (mà rất có thể là chúng đang làm vậy), thì hãy luôn để mắt đến chúng đang xem cái gì nhé.

Các dịch vụ đa phương tiện theo yêu cầu có thu phí, chẳng hạn như Netflix và Spotify, cũng đã góp phần thay đổi cách chúng ta tiêu thụ các nội dung đa phương tiện.

Đã qua rồi cái thời kỳ cả gia đình quây quần bên chiếc TV duy nhất và tranh giành cái điều khiển. Giờ đây, mỗi thành viên có một "màn hình" của riêng mình và có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn.

Rõ ràng, Internet đã giúp chấm dứt những cuộc tranh luận kiểu "Hôm nay nhà mình xem gì trên TV?", nhưng phải chăng, chúng ta cũng đang đánh mất một vài thứ để đổi lấy sự tiện lợi đó?

Internet đã thay đổi cách thức chúng ta mua sắm.

Có nhiều kênh mua hàng hơn – và cũng có nhiều kênh bán hàng hơn

Một trong những thay đổi lớn nhất mà Internet đã tạo ra với đời sống con người đó là cách chúng ta mua sắm – và đồng thời cũng là cách các công ty quảng cáo sản phẩm của họ tới chúng ta. Ở thời điểm này nếu bước xuống phố, nhiều khả năng bạn sẽ nhìn thấy một số cửa hàng phải đóng cửa, và không ít người đang đổ lỗi thực trạng đó cho mạng Internet!

Mua sắm trực tuyến rất nhanh, đơn giản và tiện lợi. Bạn không cần phải lái xe ra phố và "căng mắt" tìm kiếm một cửa hàng nào đó trên đường. Các cửa hàng trực tuyến, vốn không mất chi phí thuê mặt bằng, do đó có thể cung cấp sản phẩm mới mức giá rẻ hơn so với những cửa hàng truyền thống.

Sự trỗi dậy của mua sắm trực tuyến đã chứng kiến một cột mốc quan trọng vào năm 1995, khi Amazon ra đời, và Jeff Bezos bán được mặt hàng đầu tiên qua mạng: một cuốn sách cũ ở trong gara ô tô nhà mình.

Kể từ đó, Amazon đã phát triển từ một hiệu sách trực tuyến trở thành một nền tảng buôn bán gần như tất cả những mặt hàng trên đời (trong đó có cả rau quả), và Bezos nay đã là tỉ phú giàu nhất thế giới.

Sự phong phú cũng như giá cả phải chăng của mặt hàng do Amazon cung cấp đã nhận được sự ưa chuộng của rất nhiều người dùng, song cũng gây ra một số tranh cãi. Nhiều người đổ lỗi cho Amazon phải chịu trách nhiệm về "cái chết" của nhiều con phố mua sắm trên thế giới, trong khi số khác lại cho rằng điều kiện lao động ở Amazon cần phải được cải thiện.

Phần còn lại của thế giới bán lẻ cũng phải thức tỉnh trước những tiềm năng to lớn của thương mại điện tử. Một trong những ví dụ điển hình nhất đó là Black Friday, một hiện tượng mạng mà gần như mọi thương hiệu lớn trên thế giới đều phải tham gia. Sự kiện này đang làm lu mờ mùa mua sắm Giáng sinh ở nhiều khu vực; điều này có được là nhờ sức mạnh của thế giới trực tuyến mà mạng World Wide Web đã tạo ra.

Ngày nay, những quảng cáo được hiển thị tới người dùng không chỉ theo những cách thức "cơ học" truyền thống. Các công ty đang định hướng từng loại quảng cáo nhất định tới những nhóm khách hàng tiềm năng tương ứng, có quan tâm đến sản phẩm, theo những cách ngày càng thông minh hơn.

Nếu bạn đã từng tìm kiếm một sản phẩm nào đó, hay ghé thăm một trang web cụ thể, bạn có thể nhận thấy rằng những quảng cáo mà website đó hiển thị cho bạn xem phụ thuộc nhiều vào nội dung bạn vừa tìm kiếm trước đó.

Những ngôi nhà của chúng ta đang ngày càng trở nên thông minh hơn nhờ có mạng World Wide Web.

Internet vạn vật và sự trỗi dậy của công nghệ nhà thông minh

Khi Tim Berners-Lee thiết kế ra mạng World Wide Web ở CERN trên chiếc máy tính cá nhân NeXTcube từ 30 năm trước, có lẽ ông cũng khó lòng tưởng tượng ra số lượng thiết bị đang khai thác và sử dụng công nghệ của mình trong năm 2019.

Mặc dù mạng web được thiết kế cho máy tính (và một số dòng TV đặc biệt), nhưng ý tưởng về việc kết nối và truy cập thông tin từ mọi nơi đã giúp mang công nghệ này sang điện thoại di động, và từ đó loại hình kết nối "luôn bên bạn" đã ra đời. Giờ đây, tất cả mọi thứ, mọi thiết bị, mọi đồ vật trong cuộc sống của chúng ta gần như đều đã có thể kết nối với nhau, nhờ có ý tưởng của World Wide Web.

Từ những chiếc TV thông minh có thể tải các bộ sưu tập không giới hạn các video trực tuyến, cho tới những chiếc tủ lạnh thông minh có thể cho bạn biết khi nào hết thức ăn, những ngôi nhà đang ngày càng trở nên thông minh hơn theo những cách rất thú vị.

Nhìn một cách tổng thể, đây thực sự là một tác động tích cực của web. Các hệ thống điều hoà nhiệt độ thông minh (như của hãng Nest Learning) cho phép chúng ta thay đổi nhiệt độ của ngôi nhà ngay cả khi bạn đang đi làm hay đi học, nhờ đó khi chúng ta trở về, mọi thứ đã sẵn sàng và thoải mái để chờ đón; hoặc có thể giúp tiết kiệm năng lượng khi chúng ta không có ở phòng.

Sự kết hợp giữa đèn thông minh của hãng Philips Hue với loa thông minh đi kèm trợ lý ảo Amazon Echo cho phép chúng ta bật đèn phòng ngủ chỉ qua một số câu lệnh bằng giọng nói đơn giản.

Thế giới các thiết bị thông minh vừa khiến cho cuộc sống của chúng ta đơn giản hơn, vừa tạo nên những sự phức tạp nhất định. Có lẽ, trong tương lai, chúng ta sẽ quên mất cách bật tắt một cái công tắc thông thường!

Và nếu kết nối Internet gặp trục trặc, có lẽ chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong một tình cảnh trớ trêu: bếp không nấu được, còn Alexa thì "cười" một cách man rợ ở góc nhà!

Hình ảnh một "chàng ngốc" đang cố gắng tìm cách sử dụng công tắc đèn – tương lai này hoàn toàn có thể xảy ra!

Tóm lại, 30 năm sau bản đề xuất đầu tiên của Tim Berners-Lee về mạng World Wide Web, Internet đã phát triển xa hơn những gì con người có  thể tưởng tượng vào thời điểm bấy giờ.

Ba thập kỷ sau đó, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin khi nói rằng Internet đã thực sự phát triển và lớn mạnh, và vẫn đang hàng ngày, hàng giờ thay đổi cuộc sống của chúng ta theo hướng tích cực hơn (mặc dù đôi khi cũng có những tiêu cực). Chúng ta cũng có thể tiếp tục hình dung xem 30 năm sau điều gì sẽ xảy ra. Có thể vẫn có những con mèo… nhưng mà là mèo ảo chẳng hạn!

Mặc dù sau tất cả, Internet vẫn sẽ luôn hữu ích – được xem những quảng cáo phù hợp với những gì mình đang tìm kiếm vẫn là một trải nghiệm đáng hài lòng – nhưng những lo ngại về quyền riêng tư, chẳng hạn như các công ty cung cấp dịch vụ đang thu thập, lưu trữ (và chia sẻ) những thông tin gì về bạn, vẫn luôn còn đó.

Quang Huy

Chủ đề khác