VnReview
Hà Nội

"Xay sinh tố" smartphone để xem bên trong điện thoại chứa những chất gì

Các nhà khoa học đã cho một chiếc điện thoại di động vào trong máy xay, và "xay sinh tố" chiếc điện thoại để tiến hành phân tích xem chiếc điện thoại đó chứa những chất hóa học nào.

Theo Bloomberg, một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Plymouth đã thực hiện nghiên cứu này để làm rõ số lượng các chất hóa học hiếm gặp, hay những chất gây "xung đột" trong mỗi chiếc điện thoại và để khuyến khích mọi người tái chế điện thoại cũ.

Các nhà khoa học đã xay nát smartphone ra để xem bên trong điện thoại chứa những gì

Các nhà khoa học cho biết mỗi năm, 1,4 tỷ điện thoại di động được sản xuất trên toàn thế giới. Tiến sĩ Arjan Dijkstra, giảng viên khoa học về đá lửa, cho biết: Chúng ta ngày càng phụ thuộc vào điện thoại di động nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta thực sự nghĩ có gì đằng sau cái màn hình?

Câu trả lời thường là vonfram và coban ở Châu Phi. Ngoài ra còn có các nguyên tố hiếm như neodymium, praseodymium, gadolinium và dysprosium, chưa kể số lượng vàng, bạc và các nguyên tố có giá trị cao khác.

Tất cả những nguyên liệu này đều phải khai thác bằng cách chiết xuất quặng có giá trị cao, điều này đang đặt ra một vấn đề căng thẳng cho hành tinh.

Sau khi xay nát chiếc điện thoại, các nhà nghiên cứu đã trộn nó với natri peroxide – một chất oxy hóa mạnh - ở nhiệt độ gần 500C (932F).

Sau đó, họ tiến hành phân tích chi tiết dung dịch trong axit để xác định hàm lượng hóa học chính xác trong chiếc điện thoại.

Kết quả cho thấy điện thoại chứa 33g sắt, 13g silicon và 7g crôm, cùng một lượng nhỏ các chất hóa học khác. Các nhà nghiên cứu cho biết điện thoại cũng có một số "yếu tố quan trọng" bao gồm 900mg vonfram và 70mg coban và molypden, 160mg neodymium và 30mg praseodymium.

Ngoài ra, mỗi chiếc điện thoại còn chứa 90mg bạc và 36mg vàng.

Các nhà khoa học cho biết điều này có nghĩa là để tạo ra một chiếc điện thoại, các công nhân sẽ phải khai thác 10 - 15kg quặng, bao gồm 7kg quặng vàng cao cấp, 1kg quặng đồng điển hình, 750g quặng vonfram điển hình và 200g quặng niken điển hình.

Tiến sĩ Colin Wilkins, giảng viên về địa chất kinh tế, cho biết: "Khai thác mỏ có thể là một phần của giải pháp cho các vấn đề thế giới. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta đang ở trong một môi trường mà mọi người ngày càng trở nên có trách nhiệm với xã hội và quan tâm đến bản chất hàng hóa họ đang mua. Vì vậy, một số công ty điện thoại di động lớn đã cam kết sẽ tăng tỷ lệ tái chế sản phẩm".

"Đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy một xã hội "rác thải điện tử" mà chúng ta đã sống trong nhiều thập kỷ qua đang dần thay đổi và chúng tôi hy vọng dự án này sẽ khuyến khích nhiều người đặt câu hỏi về hành vi của chính họ".

Dự án nghiên cứu được hợp tác với các nhà khoa học và tổ chức Real World Visuals, là một phần của sáng kiến ​​Creative Associates. Dự án do Viện Trái đất bền vững của trường đại học giám sát và được Quỹ đổi mới giáo dục đại học hỗ trợ.

Hoàng Lan

Chủ đề khác