VnReview
Hà Nội

Sự thật đằng sau tuyên bố Airpods gây ung thư

Các nhà khoa học không ký vào kiến nghị cảnh báo Airpods gây ung thư. Nhưng điều đó không có nghĩa là không có nguy cơ.

Ngày 13/3, Internet bắt đầu lan tràn tin tức hơn 200 nhà khoa học từ 40 quốc gia đã ký tuyên bố cảnh báo về những nguy cơ với sức khỏe con người do Apple Airpods và các tai nghe không dây khác gây ra. Tuy nhiên, điều này là không chính xác.

Các nhà khoa học không ký cái gì liên quan đến nguy cơ của Airpods

Thực ra, tuyên bố của nhà khoa học được nhắc đến trong các bài đăng là một tuyên bố từ năm 2015 và là lời kêu gọi chính phủ nghiêm túc xem xét các mối đe dọa tiềm ẩn đối với sức khỏe của bức xạ tần số vô tuyến không ion hóa phát ra từ điện thoại di động và các thiết bị không dây khác, bao gồm các thiết bị Bluetooth như Airpods.

Vậy chuyện là như thế nào?

Câu chuyện bắt nguồn từ một bài đăng trên Medium vào ngày 7/3, vốn đề cập đến tuyên bố này và trích dẫn lời của một người ký tên là Jerry Phillips, giáo sư hóa sinh tại Đại học Colorado-Colorado Springs:

"Lo ngại của tôi đối với AirPods là vị trí của chúng trong ống tai làm cho các mô trong đầu tiếp xúc với mức bức xạ tần số vô tuyến tương đối cao".

Điện thoại di động có thể gây ung thư ở chuột

Điện thoại di động phát ra bức xạ không ion hóa trong khi liên lạc với các trạm phát sóng di động. Năm 2018, sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học Mỹ đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy loại bức xạ này có thể gây ung thư ở chuột.

Đó là tin tức gây chấn động. Nó thay đổi đáng kể cuộc tranh luận sử dụng điện thoại di động có nguy cơ ung thư hay không. Trước thời điểm đó, chính phủ liên bang và các nhà sản xuất thiết bị vẫn dựa trên giả định rằng điện thoại di động không thể tự gây ung thư, vì chúng phát ra bức xạ không ion hóa. Trong khi bức xạ ion hóa, loại có trong tia X, chụp CT và nhà máy điện hạt nhân chắc chắn gây ung thư (ở người, chuột và các động vật có vú khác) nếu lượng bức xạ đủ cao, bức xạ không ion hóa được cho là không phát ra đủ năng lượng để phá vỡ các liên kết hóa học. Điều đó có nghĩa là nó không thể phá hủy DNA, và do đó không thể dẫn đến các đột biến gây ung thư.

Nhưng các nghiên cứu của Chương trình Nghiên cứu Chất độc Quốc gia Mỹ (NTP) đã tìm thấy "bằng chứng rõ ràng" về việc tiếp xúc với bức xạ không ion hóa gây ra khối u trong tim chuột đực và tìm thấy "một số bằng chứng" cho thấy nó gây ra khối u trong não chuột đực. (NTP sử dụng ghi chú "bằng chứng rõ ràng", "một số bằng chứng", "bằng chứng không rõ ràng" và "không có bằng chứng" khi đưa ra kết luận.)

Tại thời điểm công bố, Ronald Melnick, chuyên gia chất độc cao cấp của NTP cho biết tương lai khó có thể đưa ra kết luận chắc chắn về việc sử dụng điện thoại di động không mang lại rủi ro cho con người.

Và giờ, cộng đồng khoa học phải chỉ ra những phát hiện ở chuột có liên quan đến con người như thế nào và lượng bức xạ gây ra nguy cơ là bao nhiêu. Vì vậy, chúng ta có lý do để nghi ngờ sự vô hại của điện thoại di động.

Điều này có liên quan gì đến Airpod?

Airpods sử dụng công nghệ Bluetooth. Bluetooth (và WiFi) cũng sử dụng bức xạ tần số vô tuyến không ion hóa mà điện thoại di động sử dụng. Nhưng giống như chúng ta vẫn không thể biết được lượng bức xạ điện thoại di động có thể gây hại cho con người, chúng ta không thể biết được lượng bức xạ Bluetooth có thể gây ra nguy cơ – hay thậm chí là việc nó có nguy cơ hay không.

Một điều có vẻ hợp lý là: Bluetooth phát ra lượng bức xạ thấp hơn so với điện thoại di động. Trong khi điện thoại di động phải liên lạc với trạm phát sóng di động ở một nơi nào đó, có thể rất xa thiết bị của bạn, Airpods chỉ liên lạc trong khoảng cách giữa đầu và điện thoại di động. Khoảng cách ngắn hơn có nghĩa là tần số vô tuyến Bluetooth có thể hoạt động ở mức năng lượng thấp hơn nhiều so với tần số vô tuyến của điện thoại di động. Như giáo sư dịch tễ học Leeka Kheifets của UCLA đã nói vào năm ngoái, điều đó có nghĩa là các thiết bị Bluetooth có thể gây ra ít nguy cơ hơn so với điện thoại di động. Nhưng một lần nữa, chúng ta không thực sự chắc chắn về điều này.

Tuy nhiên, nguyên nhân tiềm ẩn cho mối lo ngại về Bluetooth là: Nhiều người đeo tai nghe Bluetooth như Airpods trong nhiều giờ liên tục. Nếu cộng đồng khoa học cuối cùng kết luận rằng có mối liên hệ giữa bức xạ Bluetooth lượng thấp và bệnh ung thư ở người, thì tai – ngay sát đầu – là nơi cuối cùng bạn muốn đặt những thiết bị đó.

Và như bài đăng trên Medium chỉ ra, một số nhà nghiên cứu cho rằng năng lượng tín hiệu không phải là biến số duy nhất cần xem xét khi nghiên cứu về hậu quả sức khỏe của công nghệ tần số vô tuyến. Theo Martin Pall, giáo sư danh dự ngành hóa sinh tại Đại học bang Washington, các yếu tố như "xung lực" không nhất quán của bức xạ phát ra từ các thiết bị không dây cũng cần được tính đến. Nhưng chúng ta vẫn chưa có có ngành khoa học đánh giá mối liên quan của nó đến sức khỏe con người.

Trong mọi trường hợp, nếu bạn là một fan hâm mộ của nguyên tắc phòng ngừa, có lẽ bạn nên sử dụng tai nghe có dây.

L.H.X

Theo Quartz

Chủ đề khác