VnReview
Hà Nội

Liên Hợp Quốc: 1/4 số ca tử vong sớm trên thế giới chủ yếu do ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm môi trường đang trực tiếp gây ra cái chết cho 1 trong 4 người trên Trái Đất, tức là cứ 4 người chết thì có 1 người chết do ô nhiễm môi trường. Nói như vậy để thấy ô nhiễm môi trường chẳng phải là khái niệm xa xôi mà đang diễn biến ngay trước mắt chúng ta.

Theo báo cáo của chương trình Triển vọng môi trường toàn cầu - GEO (Global Environment Outlook) của Liên Hợp Quốc (LHQ), ô nhiễm môi trường đang gây ra cái chết cho khoảng 1/4 ca tử vong trên thế giới. Con số này tương đương với khoảng 9 triệu ca tử vong trong năm 2015.

Ô nhiễm môi trường đang trực tiếp gây ra cái chết cho nhiều người. Cụ thể khí thải và khói bụi gây ra các căn bệnh hô hấp nguy hiểm. Ước tính ô nhiễm không khí có thể gây ra 6-7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm.

Trong khi các hóa chất gây ô nhiễm nguồn nước và đất, phá hủy môi trường sống của nhiều loài sinh vật, đồng thời làm cạn kiệt nguồn nước sạch để nuôi sống con người. Môi trường ô nhiễm cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới bệnh dịch, nghèo đói và cản trở tốc độ phát triển nền kinh tế thế giới.

Theo AFP, việc không được tiếp cận nguồn nước sạch cũng khiến 1,4 triệu người chết mỗi năm do các bệnh như tiêu chảy, thương hàn,…do vi khuẩn và ký sinh trùng có trong nguồn nước bẩn và môi trường vệ sinh kém.

Hóa chất được thải ra môi trường, gây suy thoái và làm ô nhiễm nguồn đất. Hậu quả dẫn tới thiếu đất canh tác, nạn phá rừng và sau này là không đủ lương thực nuôi sống cả tỷ người.

Một khi khí thải nhà kính tiếp tục gia tăng và không được kiểm soát, hàng loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt hay siêu bão chắc chắn sẽ còn dồn dập hơn trong thời gian tới.

Con người phải thể hiện trách nhiệm với "mẹ thiên nhiên" đã nuôi nấng chúng ta hàng triệu năm nay

Cho đến nay thế giới mới chỉ có Hiệp định khí hậu Paris làm căn cứ điều chỉnh các quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất như Trung Quốc hay Mỹ. Nhưng kể từ khi Mỹ rút khỏi hiệp định, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên thế giới ngày càng trở nên khó khăn hơn khi đã có dấu hiệu thoái thác trách nhiệm từ những nước đã gây ra tình trạng như hiện nay.

Joyeeta Gupta, đồng chủ tịch GEO chia sẻ với kênh AFP: "Nếu chúng ta có một hành tinh khỏe mạnh, nó không chỉ giúp GDP toàn cầu tăng trưởng mà còn hỗ trợ cuộc sống của những người nghèo khổ nhất vì họ phụ thuộc rất nhiều vào không khí và nước sạch. Nếu bạn xoay chuyển điều đó, nó sẽ tạo ra một hệ thống bất ổn và gây ra thiệt hại lớn đối với cuộc sống của loài người".

Báo cáo kêu gọi những hành động thiết thực hơn từ tất cả mọi người trên thế giới, bao gồm việc hạn chế lãng phí thực phẩm. Theo nhiều nghiên cứu, chất thải từ thực phẩm chiếm tới 9% lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu. Thế giới hiện đang vứt bỏ 1/3 lượng thực phẩm toàn cầu, trong đó các nước phát triển là nơi lãng phí thực phẩm nhất với tỷ lệ lên tới 56%.

Gupta nhấn mạnh: "Mọi người nói rằng vào năm 2050, chúng ta sẽ phải nuôi khoảng 10 tỷ người nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta phải tăng gấp đôi sản lượng lương thực. Nếu chúng ta giảm chất thải và ăn ít thịt đi, con người hoàn toàn có thể kiểm soát được vấn đề cung cấp thực phẩm cho toàn bộ dân số".

Ngoài ra để đảm bảo một môi trường sống lành mạnh hơn, các nước bắt buộc phải có lộ trình cắt giảm khí thải mạnh mẽ hơn, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu và tích cực cải thiện chất lượng không khí, nước theo hướng bền vững hơn.

Theo một số nguồn tin thân cận tiết lộ với AFP, một số quốc gia phát triển, điển hình là Mỹ có vẻ không hoan nghênh báo cáo trên của Liên Hợp Quốc. Họ cho rằng việc áp đặt phải thực hiện các mục tiêu giảm biến đổi khí hậu sẽ khiến nền kinh tế của họ đi xuống.

Nhưng theo Gupta, dù là nước lớn hay nước nhỏ thì mục tiêu cuối cùng vẫn phải là bảo vệ Trái Đất bằng mọi cách.

Cũng theo Liên Hợp Quốc, nếu không có giải pháp tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường chặt chẽ hơn từ bây giờ, rất có thể thế hệ loài người sau này sẽ chẳng thể sống nổi trên cái gọi là "hành tinh xanh".

Báo cáo Triển vọng môi trường toàn cầu (GEO) có sự tham gia của khoảng 250 nhà khoa học đến từ 70 quốc gia và định kỳ 6 năm công bố một lần. Báo cáo năm nay chỉ ra khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo ngày càng tăng.

Trong đó, tình trạng quá tải tại các đô thị lớn ngày một trầm trọng. Ô nhiễm và lãng phí thực phẩm gần như phổ biến tại các nước phát triển trong khi nhiều quốc gia đang phát triển hoặc kém phát triển vẫn phải đối mặt với tình trạng nghèo đói và bệnh tật.

Tiến Thanh

Chủ đề khác