VnReview
Hà Nội

Khoa học chứng minh: Sao Hỏa cũng biết "xì hơi"

Hóa ra trên Sao Hỏa đang tồn tại rất nhiều lớp khí metan đang không ngừng phun lên từ các miệng núi lửa.

Nếu nói về khí metan, có thể bạn chỉ nhớ mang máng về kiến thức hóa học khi còn học phổ thông, nhưng đối với các nhà khoa học, đó có thể là bằng chứng cho thấy trên sao Hỏa từng có sự sống.

Lần đầu tiên, các nhà khoa học đã có thể xác nhận có khí metan trên Sao Hỏa. Theo bài bào đăng tải trên tạp chí Nature Geoscience mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện thấy khí metan ở gần miệng núi lửa Gale trên bề mặt Sao Hỏa vào ngày 16/6/2013 bằng vệ tinh thăm dò Mars Express.

Khí metan từng nhiều lần được phát hiện trên khí quyển và cả trên bề mặt hành tinh này khi tàu Viking tiến hành lấy mẫu đất Sao Hỏa vào những năm 1970. Thí nghiệm "Labeled Release" của tàu Viking không chỉ tìm thấy sự có mặt của khí metan mà còn là lời gợi mở về khả năng tồn tại vi sinh vật sống trên hành tinh này.

Tuy nhiên, rất khó để xác thực một nghiên cứu phát hiện khí metan trên Sao Hỏa bằng một công cụ độc lập khác. Điều này dẫn tới những tranh luận dai dẳng về việc thực sự có tồn tại sự sống hay vi sinh vật, nguyên nhân chủ yếu tạo ra khí metan hay không.

Tác giả nghiên cứu viết: "Kết quả trình bày trong bài báo này không chỉ chứng thực các phát hiện trước đây của tàu Curiosity mà ở góc nhìn rộng hơn, nó có thể thay đổi quan điểm của chúng ta về sự xuất hiện của metan trên Sao Hỏa. Dữ liệu của chúng tôi cho thấy, sự hiện diện của khí metan trên Sao Hỏa có thể là đặc trưng của những sự kiện ở quy mô nhỏ và thời gian phát thải ngắn".

Nghiên cứu dù không đề cập chính xác khí metan trên Sao Hỏa đến từ đâu nhưng dường như nó đã xác nhận Sao Hỏa thực sự đang "xì hơi".

Kết quả từ nghiên cứu sẽ giúp các nhà khoa học có thể tập trung tìm hiểu sâu hơn về các nguồn phát thải khí metan tiềm năng trên bề mặt Sao Hỏa, từ đó khai phá ra được những cơ hội tồn tại sự sống trên hành tinh đỏ.

Tiến Thanh

Chủ đề khác