VnReview
Hà Nội

Bên trong cơ sở chế tạo tiêm kích tàng hình F-35

Với không gian được chất đầy bởi các mảnh ráp thân máy bay, các thành phần động cơ, cùng rất nhiều những đường ống, các thiết bị điện tử, hệ thống điện tử hàng không, nhà máy chế tạo tiêm kích tàng hình F-35 tại bang Texas trông giống một thành phố nhỏ đông đúc kỹ sư, thợ cơ khí, thợ điện và những chiếc máy bay ở các giai đoạn hoàn thiện khác nhau.

Phải đến khi đã mục sở thị một cơ số các cấu trúc, cấu hình máy bay, bao gồm đường ống, các thành phần máy tính và những bộ phận lớn hơn như đuôi, cánh, bánh lái, động cơ hoặc pháo gắn 25mm, một người mới có thể bắt đầu mường tượng ra sự khác nhau giữa các phiên bản của dòng máy bay này. F-35C là phiên bản lớn nhất, có sải cánh và đuôi rộng hơn hai phiên bản còn lại để phù hợp cho việc hạ cánh trên tàu sân bay; F-35A có hệ thống pháo 25mm gắn vào thân/cánh được tàng hình nhờ lớp phủ ngoài cùng màu với thân máy bay; trong khi đó, F-35B là phiên bản đắt nhất và có kỹ thuật phức tạp nhất.

Theo thông tin được Rolls Royce cung cấp, một hệ thống Quạt nâng (LiftFan) được gắn vào phần thân giữa của máy bay F-35B, ngay phía sau phi công, có nhiệm vụ tạo ra luồng khí nâng giúp chiến đấu cơ di chuyển được theo phương thẳng đứng. Mã lực được truyền đến Quạt nâng từ động cơ chính của máy bay thông qua một hệ thống bánh răng hình xoắn ốc.

Mã lực này sẽ kết hợp với Quạt nâng tạo ra lực đẩy xuống đủ mạnh giúp tiêm kích bay là là mặt đất hoặc hạ cánh thẳng đứng. Trên thân F-35 phía trên Quạt nâng có một bộ phận giống cánh cửa hình vuông, có nhiệm vụ tối ưu luồng khí đẩy xuống dưới. Theo giải thích của các kỹ sư, lực đẩy khổng lồ - đủ mạnh để đẩy máy bay đạt tốc độ nhanh hơn tốc độ âm thanh - được tạo ra nhờ một quy trình bốn bước. Các ống hút khí đặt ở hai bên mũi máy bay có nhiệm vụ hút khí vào động cơ, khí này sau đó được nén lại trước khi đốt cháy bằng gas – tạo nên hiện tượng giống như lửa đang phụt ra từ máy bay.

Theo thông tin thông tin từ nhà sản xuất động cơ của F-35B là Rolls Royce, "Để máy bay có thể cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL), thành phần quạt nâng của Hệ thống đẩy hoạt động vuông góc với luồng khí trên máy bay". Cũng theo hãng này, quạt nâng trên F-35B có thể hoạt động trong điều kiện có gió thổi tạt ngang lên đến 460km/h.

Kỹ thuật tàng hình của tiêm kích F-35

Theo các kỹ sư, hoạt động của công nghệ tàng hình (LO) được dựa trên một tập hợp các kỹ thuật chuyên dụng. Mặc dù rất nhiều, nếu không muốn nói là hầu hết, các kỹ thuật này không được công bố rộng rãi vì lí do an ninh, vẫn có những bài viết của một số kỹ sư, các nhà phát triển liên quan đến quá trình chế tạo F-35 cung cấp những thông tin chi tiết về một số công nghệ tàng hình, cũng như vai trò của những công nghệ đó trên chiếc siêu tiêm kích này.

Mặt ngoài của F-35 có chứa hỗn hợp của một số vật liệu tổng hợp bí mật, được thiết kế để hấp thu sóng radar. Vũ ký được vận chuyển phía bên trong nhằm tránh để lộ hình dáng, hạn chế được rủi ro bị radar của kẻ thù phát hiện. Một trong những vấn đề được thảo luận nhiều nhất về công nghệ sơn phủ tàng hình là việc sử dụng sợi carbon.

Vai trò của các vật liệu carbon trong công nghệ tàng hình đã được biến đến từ lâu. Có một việc thú vị, đó là một bài luận năm 2016 của Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Smithsonian có nhắc đến việc các kỹ sư tập đoàn Northrop Grumman đã tìm cách xác minh liệu chiếc máy bay nguyên mẫu Horten 299 được chế tạo năm 1943 của Đức có chứa các thành phần của công nghệ tàng hình hay không. Chiếc máy bay của Đức quốc xã vướng phải một số trục trặc kỹ thuật và thất bại trong một số chuyến bay thử nghiệm. Nó chưa từng được tham gia chiến đấu, nhưng các chất kết dính, gỗ và một vài vật liệu khác, cùng với kiểu dáng giống một đôi cánh của chiếc máy bay khiến nhiều người cho rằng đây chính phiên bản đời đầu của công nghệ tàng hình ngày nay. Theo hai kỹ sư tham gia tìm hiểu là Dobrenz và Spadoni, "có vẻ như có một vật liệu tương tự carbon đen hoặc than củi được trộn cùng với keo" được tìm thấy trong chiếc Horten 299 tại bảo tàng Smithsonian.

Dù vật liệu hỗn hợp đó có là gì, thì vỏ ngoài của F-35 cũng đại diện cho những nỗ lực nhằm đạt được kỹ thuật tàng hình, nâng cao khả năng sống sót, giảm trọng lượng để có được vận tốc cũng như khả năng cơ động tốt hơn. Cấu trúc vẻ ngoài ‘liền một mảnh' của F-35 là kết quả của một kỹ thuật đặc biệt.

Sóng ping điện tử do một radar tạo ra cần gặp những cấu trúc đặc biệt để có thể gửi lại tín hiệu trả về. Nếu thân máy bay được thiết kế để không bao gồm những cấu trúc và các cạnh có thể khiến sóng ping điện từ chạm phải, và cũng không bao gồm các hình khối tương tự một chiếc máy bay, khi đó nó sẽ rất khó bị phát hiện. Về bản chất, nó "làm mù" hoặc loại bỏ tín hiệu trả về, khiến radar không thể kết xuất ra hình thù của một máy bay chiến đấu. Là tín hiệu điện tử, các sóng radar di chuyển ở vận tốc ánh sáng – một thực thể đã được biết đến. Nếu đã biết vận tốc ánh sáng, cộng thêm thời gian di chuyển được xác định, khi đó các thuật toán có thể giúp tính toán ra khoảng cách, hành dạng và thậm chí là vận tốc chính xác của một vật thể.

"Chúng tôi giấu radar, ăng-ten và nhiên liệu đi – đây đều là những vật nhô ra khiến khả năng ẩn mình bị suy giảm", Billie Flynn, phi công F-35, cho biết.

Theo Flynn, kỹ thuật tàng hình trên F-35 một phần bắt nguồn từ chiến đấu cơ F-117 Night Hawk trong Chiến tranh vùng vịnh. "Với F-117, chúng tôi đã tìm ra cách để nhúng ăng-ten vào bên trong mép cánh trước của máy bay".

Máy bay chiến đấu F-117 Night Hawk

Flynn cũng giải thích rằng các cảm ứng trên F-35 được giấu vào trong vỏ máy bay, khiến nó khó bị radar của kẻ thù phát hiện ra.

Giảm phát thải nhiệt cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì khả năng tàng hình của một chiến đấu cơ. Có nhiều cách để làm việc này, chẳng hạn như đưa động cơ vào bên trong máy bay để làm giảm lượng nhiệt phát ra. F-35 được trang bị các ống làm mát chạy dọc dưới cánh nối vào thân máy bay, được thiết kế để tản lượng nhiệt do các hệ thống điện tử tạo ra. Cách này vừa giúp tránh tình trạng nhiệt độ tăng quá cao, vừa giúp kiểm soát nhiệt độ chung của máy bay.

"Chúng tôi có thể tận dụng tối đa công nghệ tàng hình để xuyên thủng hàng phòng thủ của kẻ thù", Flynn nói.

Lockheed đã vận chuyển tổng số hơn 360 khung máy bay đến 16 căn cứ trên khắp thế giới, đồng thời lên kế hoạch tăng tốc sản xuất để đáp ứng nhu cầu đang ngày càng tăng cao của quân đội Mỹ và quốc tế, Edward "Stevie" Smith, Giám đốc Phát triển Nội địa cho F-35 chia sẻ.

Smith giải thích cả tám đối tác ban đầu, và các đối tác mới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ và Israel đều đang có kế hoạch sản xuất và phát triển máy bay này.

Thu Trà Theo Warrior Maven

Chủ đề khác