VnReview
Hà Nội

Trung Quốc tạo ra khỉ mang gen não người gây tranh cãi

Các nhà khoa học Trung Quốc đã cấy gen não người vào khỉ thành công trong một nghiên cứu về sự phát triển độc nhất vô nhị của trí tuệ loài người.

Theo;AFP, các nhà khoa học tại Viện Sinh vật học Côn Minh và Học viện Khoa học Trung Quốc, phối hợp cùng nhiều cộng sự tại Đại học Bắc Carolina, đã ghép một phiên bản của gen MCPH1 vào 11 cá thể khỉ vàng rhesus.

Gen MCPH1 được cho là có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của não người.

Các nhà khoa học nhận thấy não khỉ mất nhiều thời gian hơn để phát triển. Các đối tượng thí nghiệm thể hiện tốt hơn bình thường trong các bài kiểm tra trí nhớ ngắn hạn, cũng như phản ứng tốt hơn với thời gian so với khỉ hoang dã. Tuy nhiên, kích thước não của những con vật được thí nghiệm lại không gia tăng.

Bài viết nghiên cứu về MCPH1 trên loài khỉ đã được xuất bản vào tháng 3 trong tạp chí National Science Review của Bắc Kinh.

Các nhà khoa học Trung Quốc tiếp tục nhiều thí nghiệm gây tranh cãi về biến đổi gen người trên cơ thể khỉ. Ảnh: AFP.

"Phát hiện của chúng tôi cho thấy những cá thể linh trưởng ngoài họ người, sau quá trình biến đổi gen, có tiềm năng giúp chúng ta thu thập những tri thức quan trọng cho nhiều câu hỏi nền tảng, cụ thể là yếu tố khiến con người trở nên độc nhất vô nhị", các tác giả nghiên cứu cho biết.

Theo mô tả nghiên cứu, khỉ thí nghiệm được cho kiểm tra khả năng ghi nhớ màu sắc và hình ảnh trên màn hình. Não khỉ được chụp cộng hưởng từ (MRI). Tuy nhiên, chỉ có năm cá thể sống sót đến giai đoạn kiểm tra trí nhớ. Sáu cá thể chết sau quá trình cấy ghép gen MCPH1.

Những nhà khoa học Trung Quốc cho rằng khỉ vàng rhesus là họ hàng linh trưởng đủ xa đối với con người để không làm dấy lên các lo ngại về đạo đức y học. Dù vậy cuộc thí nghiệm vẫn gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng quốc tế.

Jacqueline Glover, chuyên gia sinh học tại Đại học Colorado (Mỹ), so sánh nghiên cứu này với bộ phim viễn tưởng "Hành tinh Khỉ".

"Việc nhân hóa những cá thể khỉ này về bản chất đã gây hại. Chúng sẽ sống ở đâu và sẽ làm được những gì? Chúng ta không thể tạo ra một sinh vật không thể có được một cuộc sống bình thường dưới bất kỳ lý do gì", bà viết trong tạp chí MIT Technology Review.

Hồi tháng 1, những nhà khoa học Trung Quốc cũng hé lộ thí nghiệm nhân bản vô tính năm cá thể khỉ vàng từ một cá thể được biến đổi gen. Thí nghiệm mô tả nhằm tìm phương pháp chữa trị bệnh rối loạn giấc ngủ, vốn dẫn đến các dấu hiệu về rối loạn thần kinh như lo lắng, trầm cảm và tâm thần phân liệt.

Theo Zing

Chủ đề khác