VnReview
Hà Nội

NASA: Mặt Trăng đang dần “teo” như trái nho khô bị vắt kiệt nước

Mặt Trăng đang có dấu hiệu co lại do các lõi bên trong vệ tinh của Trái Đất đang nguội dần. Kéo theo đó là hàng loạt các hoạt động địa chấn như động đất xảy ra thường xuyên hơn.

Theo một phân tích hình ảnh do Tàu quỹ đạo trinh sát Mặt Trăng (LRO) của NASA công bố mới đây, Mặt Trăng đang có dấu hiệu co lại và các trận động đất từ bên trong đang tạo ra các nếp nhăn trên bề mặt. Đây có thể là dấu hiệu của hoạt động kiến tạo của vệ tinh Trái Đất.

Trong số 12 ngàn bức ảnh thu thập từ vệ tinh cho thấy, lưu vực Mare Frigoris gần cực Bắc của Mặt Trăng - một trong những lưu vực rộng lớn và được cho không có hoạt động địa chất - đã bắt đầu nứt và dịch chuyển.

Không giống như Trái Đất, Mặt Trăng không có các mảng kiến tạo. Thay vào đó, hoạt động kiến tạo trên vệ tinh này xảy ra khi nó dần mất lượng nhiệt ở bên trong lõi sau khi hình thành cách đây khoảng 4,5 tỷ năm.

Thomas Watters, một nhà khoa học cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Trái đất và Hành tinh tại Bảo tàng không gian quốc gia Smithsonian ở Washington cho biết, việc mất đi lượng nhiệt bên trong khiến nó dần tẹo lại giống như một quả nho khô bị hút hết nước.

Do lớp đất bề mặt của Mặt Trăng dễ nứt gãy nên chỉ cần một lực co kéo từ bên trong cũng đủ để xảy ra hiện tượng nứt và xô lệch bề mặt. Kết quả là Mặt Trăng đã "gầy" đi khoảng 50m so với vài triệu năm trước.

Các vết co kéo trên bề mặt của Mặt Trăng được vệ tinh quan sát ghi lại

Các phi hành gia thuộc chương trình thám hiểm Apollo của Mỹ lần đầu đo hoạt động địa chấn trên Mặt Trăng vào những năm 1960 và 1970 đã phát hiện thấy những hoạt động bất thường bên trong lõi của Mặt Trăng.

Sau hàng loạt các sứ mệnh Apollo 11, 12,14, 15 và 16, NASA đã đặt được các máy đo địa chấn trên bề mặt của Mặt Trăng. Trong giai đoạn từ năm 1969 đến 1977, bốn trong số các máy đo địa chấn đã ghi nhận được 28 trận động đất với cường độ dao động từ 2-5 độ Richter.

Một nghiên cứu gần đây đã phân tích dữ liệu của các trận động đất và nhận thấy, 8 trong số 28 trận động đất nông được ghi nhận có vị trí rất gần với lõi của Mặt Trăng và nguyên nhân gây ra động đất khả năng cao là do phần lõi.

Các nhà khoa học cũng phát hiện thấy, 6 trong 8 vụ động đất trên Mặt Trăng xảy ra khi vệ tinh này ở xa Trái Đất nhất. Theo dự đoán, nguyên nhân có thể do sự cố trượt khi căng thẳng tích tụ ở lớp vỏ mặt trăng bị nén bởi lực co giãn và lực thủy triều.

Tiến sỹ Nicholas Schmerr, trợ lý giáo sư địa chất tại Đại học Maryland, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: "Khả năng cao lõi bên trong của Mặt Trăng vẫn còn hoạt động cho tới ngày nay. Bạn hiếm khi thấy các hoạt động kiến tạo tích cực ở bất cứ đâu ngoài Trái Đất. Do đó sẽ thật thú vị khi nghĩ rằng, trên Mặt Trăng cũng có thể xảy ra động đất".

NASA đang lên kế hoạch sẽ đưa người trở lại Mặt Trăng vào năm 2024 và đây có thể là sứ mệnh đầu tiên đưa phụ nữ lên Mặt Trăng. Trước đó tổng thống Trump đã kêu gọi quốc hội nước này sớm tăng thêm 1,6 tỷ USD cho NASA vào năm 2020 để cơ quan này có đủ nguồn lực sớm đưa con người lên Mặt Trăng vào năm 2024 như đã định.

Tiến Thanh

Chủ đề khác