VnReview
Hà Nội

Nghiên cứu mới: Facebook và Instagram không phải là nguyên nhân chính tác động tiêu cực đến trẻ em

Chắc hẳn bạn đã không dưới một lần nghe nói về các nghiên cứu cho thấy tác động tiêu cực của mạng xã hội với cuộc sống của trẻ em. Tuy nhiên, các nhà khoa học tại Đại học Oxford lại không nghĩ như vậy.

Chuyên gia công nghệ cho rằng tính năng Screen time mới của Apple và Google vô dụng và đây là lý do

Trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông xã hội như hiện nay, nhiều người lo ngại Facebook, Instagram và Snapchat có những ảnh hưởng lớn theo chiều hướng tiêu cực đối với sự phát triển và hoạt động bình thường của não bộ. Thậm chí, một cựu giám đốc của Facebook trước đó cũng đã chia sẻ quan điểm như vậy.

Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra viễn cảnh không mấy khả quan rằng não bộ và cảm xúc của những người trẻ sẽ bị những ứng dụng mạng xã hội có tính "gây nghiện" cao làm đảo lộn và khó có thể phát triển bình thường.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới công bố do các chuyên gia đến từ Đại học Oxford lại cho thấy một góc nhìn rất khác.

Amy Orben, một trong những người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, đã chia sẻ rằng: "Các nghiên cứu đi trước chủ yếu dựa trên việc phân tích mối tương quan giữa hai yếu tố mạng xã hội và sự hài lòng về cuộc sống, mà không phân tách ra được xu hướng phát triển của hai yếu tố, đó là: Liệu việc sử dụng mạng xã hội có dẫn tới sự thay đổi về mức độ hài lòng với cuộc sống và ngược lại, sự thay đổi về mức độ hài lòng với cuộc sống có ảnh hưởng gì tới thói quen sử dụng mạng xã hội của con người hay không."

Câu trả lời là có, nhưng tương đối. Các nhà nghiên cứu đã đặt ra câu hỏi: Liệu mạng xã hội có khiến trẻ em (và cả những người lớn khác) gia tăng cảm giác buồn bã hay không? Và liệu sự buồn bã và những cảm xúc tiêu cực có khiến người ta tìm đến mạng xã hội (hay một thứ gì đó khác) nhiều hơn hay không?

Các nhà nghiên cứu đã khảo sát 12.000 thiếu niên sinh sống tại Anh và đi đến két luận rằng tác động của mạng xã hội đến mức độ hài lòng về cuộc sống trong nhóm đối tượng này là rất nhỏ.

Một trong những người dẫn đầu nghiên cứu khác là Giáo sư Andrew Przybylski trả lời phỏng vấn trang tin BBC rằng: "99,75% người trả lời khảo sát cho biết mức độ hài lòng về cuộc sống của họ không bị tác động bởi hành vi sử dụng mạng xã hội."

Trên thực tế, vị giáo sư trên cho biết, các yếu tố chính ảnh hưởng tới mức độ hài lòng của cuộc sống con người vẫn không có gì thay đổi so với trước kia. Gia đình, bạn bè, cuộc sống ở trường học vẫn là những yếu tố then chốt tác động đến hạnh phúc của những người ở lứa tuổi thiếu niên.

Chưa dừng lại ở đó, Przybylski còn bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ với quan điểm và lo ngại của Tim Cook, CEO Apple, về việc mọi người đang dành quá nhiều thời gian trước màn hình điện thoại và máy tính.

Przybylski bày tỏ thái độ gay gắt trước quan điểm trên và cho rằng: "Các bậc phụ huynh không cần thiết phải lo lắng về khoảng thời gian mà thanh thiếu niên sử dụng để truy cập mạng xã hội. Đây là một trong những suy nghĩ hết sức sai lầm". Ông còn cho rằng đã đến lúc khái niệm về "thời gian ngồi trước màn hình điện thoại/ máy tính" (screen time) cần phải "về vườn".

Đối với nhiều người, kết quả nghiên cứu này có thể khiến họ thở phào. Những bậc phụ huynh có con em hàng ngày dán mắt vào điện thoại hay máy tính có thể tạm yên tâm rằng, con cái mình vẫn có mức độ hạnh phúc và vui vẻ tương tự như những trẻ em dành ít thời gian hơn trên mạng xã hội. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn không nên bỏ qua những tác động tiêu cực khác của đời sống trực tuyến tới các khía cạnh khác của con người, nhất là về phương diện sức khoẻ.

Quang Huy

Chủ đề khác