VnReview
Hà Nội

Tại sao nắng nóng kéo dài ở Việt Nam?

Từ đầu tháng 4 đến nay, Việt Nam đã trải qua một đợt nắng nóng kéo dài mà nguyên nhân được quy cho biến đổi khí hậu khiến hoàn lưu khí quyển bị thay đổi kết hợp với vùng áp thấp phía tây hoạt động mạnh ở Myanmar, Ấn Độ, Thái Lan….

Tại sao nắng nóng kéo dài ở Việt Nam?

Theo các chuyên gia khí tượng tại Việt Nam, đợt nắng nóng kéo dài đang diễn ra đã khiến nhiệt độ tại một số khu vực vượt mức cao nhất trong lịch sử.

Theo số liệu thống kê từ các trung tâm khí tượng, thủy văn trên cả nước, nóng nhất là khu vực Bắc Trung Bộ với nhiệt độ lên đến 43 độ C (trước đây, nhiệt độ tại địa phương này cùng thời điểm cao nhất cũng chỉ đạt 41 đến 42 độ C). Thậm chí, khu vực thường xuyên có khí hậu mát mẻ như Tây Bắc cũng ghi nhận mức nhiệt độ kỷ lục từ 40 đến 43 độ C.

Tại sao nắng nóng kéo dài ở Việt Nam?

Tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, nhiệt độ trong hơn một tháng qua luôn duy trì ở mức cao nhưng chưa vượt được mức kỷ lục của những năm trước. Cụ thể, ở Hà Nội có nhiệt độ đỉnh điểm khoảng 40 độ, TP.HCM là 38 độ (vẫn thấp hơn mức 39,6 độ ghi nhận hồi năm 1998). Tuy chưa vượt mức kỷ lục nhưng nhiệt độ cao những ngày qua khiến người dân tại TP.HCM, Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, sinh hoạt.

Theo chuyên gia dự báo thời tiết Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, đợt nắng nóng kéo dài trên cả nước này là bất thường so với cùng thời điểm những năm trước. Mùa nắng năm nay đến quá sớm ở khu vực Bắc Trung Bộ, nhiệt độ cũng cao hơn.

Nhiệt độ tại nhiều điểm đo đạc khu vực Nam Bộ ở thời điểm này cũng cao hơn những năm trước. Cao nhất là trạm Sở Sao (Bình Dương), nhiệt độ đo được là 38,3 độ C trong khi năm ngoái là 38,1 độ C.

Tại sao nắng nóng kéo dài ở Việt Nam?

Các chuyên gia thời tiết cho biết, nguyên nhân nắng nóng kéo dài là do vùng áp thấp phía tây hoạt động mạnh ở khu vực các nước Myanmar, Ấn Độ, Thái Lan và ảnh hưởng đến Việt Nam.

Ngoài ra, khu vực Bắc Trung Bộ còn chịu ảnh hưởng bởi hiệu ứng phơn nên trời nóng hơn, độ ẩm thấp khiến con người có cảm giác oi bức, khó chịu.

Tại sao nắng nóng kéo dài ở Việt Nam?

Cơ chế hình thành gió phơn

(Lưu ý: Trong khí tượng học, hiện tượng gió vượt đèo được gọi là phơn (foehn). Từ bên sườn núi đón gió, không khí chuyển động đi lên, càng lên cao không khí càng bị lạnh dần đi rồi ngưng kết tạo thành mây cho mưa ở sườn đón gió, đồng thời thu thêm nhiệt do ngưng kết tỏa ra.

Sau khi vượt qua đỉnh đèo, gió thổi xuống bên này núi. Khi đó không khí đã trở nên khô hơn, nhiệt độ tăng dần lên do quá trình không khí bị nén đoạn nhiệt, do vậy đến chân núi bên này không khí trở nên khô và nóng hơn so với không khí ở sườn đón gió.

Hiện tượng này gọi là phơn và hiệu ứng tăng giảm nhiệt, ẩm gọi là hiệu ứng phơn. Hiệu ứng phơn càng mạnh nếu không khí đến bên sườn đón gió càng ẩm và đỉnh núi càng cao. Ví dụ với dãy núi cao 3.000 m, nhiệt độ không khí bên kia núi là 10 độ C, sang chân núi bên này nhiệt độ lên tới 18 độ C - Theo Xuân Hoa - Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia).

Ngoài áp thấp thì biến đổi khí hậu cũng được xem là nguyên nhân gây ra nắng nóng kéo dài ở nước ta trong thời gian qua.

Chính nắng nóng kéo dài đã và đang gây ra một số hiện tượng thời tiết cực đoan như dông sét, mưa đá, lốc xoáy, vòi rồng ở giai đoạn chuyển mùa.

Bên cạnh đó, bão sẽ xuất hiện từ khoảng giữa cuối năm trở đi (có thể xuất hiện những cơn bão mạnh, cấp độ siêu bão).

Bạch Đằng

Chủ đề khác