VnReview
Hà Nội

Giác hơi 'vô lý và có hại' như thế nào?

Giác hơi là một phương pháp chữa bệnh cổ truyền rất phổ biến ở châu Á.;Nguyên lý chữa bệnh bằng giác hơi là dùng lửa đốt vào lòng ống giác cho cháy hết không khí, sau đó úp nhanh vào các bộ phận, huyệt vị trên cơ thể. Tác dụng của nhiệt, sức hút chân không sẽ tạo nên phản ứng xung huyết tại chỗ, có tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của người phương Tây, giác hơi chữa được bệnh là phi lý. Không có bằng chứng khoa học hoặc y học nào cho thấy giác hơi mang lại bất kỳ lợi ích và rõ ràng giác hơi mang theo một số nguy cơ gây hại.

Dưới đây là một quan điểm như vậy đăng trên tạp chí Forbes của Mỹ. VnReview.vn chuyển ngữ để bạn đọc cùng tham khảo.

Con người rất dễ bị lừa gạt, kể cả những người thông minh.

Tôi không nói về bầu cử hay những điều tương tự như thế. Tôi muốn nói về một loạt phương pháp điều trị sức khỏe tự gọi là y học thay thế, y học tích hợp, y học cổ truyền Trung Quốc và nhiều cái tên khác nữa. Đây chỉ là những thuật ngữ tiếp thị, nhưng nhiều người, bao gồm cả bác sĩ và nhà khoa học, dường như lại bị chúng quyến rũ.

Hôm nay, tôi muốn nói về "giác hơi", một cách điều trị khá kỳ quái nhưng dường như đang ngày càng phổ biến.

Giác hơi là gì? Đó là kỹ thuật sử dụng cốc thủy tinh, tạo nhiệt bên trong, sau đó đặt chúng lên bề mặt da của con người. Vì không khí nóng loãng hơn bình thường, nên khi nguội tạo ra lực hút, hút da của bạn vào trong cốc thủy tinh. (Một số biện pháp giác hơi sử dụng máy bơm thay vì nhiệt để tạo hiệu ứng này.) Hãy tưởng tượng ai đó "tặng" cho bạn một "dấu hôn" thật lớn, sau đó in hàng tá "dấu hôn" như vậy trên lưng hoặc chân của bạn, hoặc bất cứ nơi nào nhà trị liệu giác hơi nghĩ là cần thiết cho bạn.

Những người hành nghề giác hơi cho rằng bằng cách nào đó giác hơi điều chỉnh "khí" của con người, nguồn năng lượng sống bí ẩn vốn không tồn tại. Họ thường nói rằng giác hơi "cải thiện lưu thông máu", một lời giải thích "chung chung" không có cơ sở khoa học và gần như vô nghĩa. Như bác sĩ và blogger Orac lưu ý, điều thực sự xảy ra là:

"Lực hút từ giác hơi làm vỡ mao mạch, đó là lý do tại sao thường xuyên có những vết bầm sau khi giác hơi... Nếu bạn liên tục làm tổn thương cùng một vùng da... bằng cách đặt cốc giác hơi vào cùng một vị trí, lặp đi lặp lại nhiều lần như thế, da ở đó thực sự có thể ‘chết'".

Vì vậy, có thể giác hơi không tốt cho cơ thể con người.

Giác hơi là vô lý. Không có bằng chứng khoa học hoặc y học nào cho thấy giác hơi mang lại bất kỳ lợi ích và rõ ràng giác hơi mang theo một số nguy cơ gây hại. Một đánh giá gần đây trong tạp chí chuyên về y học thay thế, một trong những điểm đến thân thiện nhất có thể cho loại giả khoa học này, cũng kết luận rằng:

"Không có khuyến nghị rõ ràng nào ủng hộ hay chống lại việc sử dụng giác hơi cho các vận động viên. Cần có nhiều nghiên cứu hơn". Đúng vậy. Những người theo xu hướng giả khoa học luôn nói "cần nghiên cứu nhiều hơn đến khi chúng ta sẽ chứng minh được những gì chúng ta tin tưởng" mỗi khi bằng chứng không hỗ trợ cho tuyên bố không có thật của họ. 

Ngay cả Trung tâm Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp Quốc gia (Mỹ), thuộc Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ chuyên nghiên cứu về y học bổ sung và tích hợp, cũng không thể tự mình chứng thực giác hơi. Tổng kết của họ nói rằng:

• Có một số nghiên cứu về giác hơi, nhưng hầu hết đều có chất lượng thấp.

• Giác hơi có thể giúp giảm đau đớn, nhưng bằng chứng cho điều này lại không mạnh mẽ.

• Không có đủ nghiên cứu chất lượng cao để cho phép đưa ra kết luận về việc giác hơi có hữu ích cho các điều kiện khác hay không.

Nói cách khác, một số nhà khoa học đã tiến hành một vài nghiên cứu nhưng chưa chứng minh được điều gì. Trung tâm Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp Quốc gia tiếp tục cảnh báo rằng:

• Giác hơi có thể gây ra tác dụng phụ như đổi màu da lâu dài, sẹo, bỏng và nhiễm trùng, và có thể làm nặng thêm bệnh chàm hoặc bệnh vẩy nến.

• Các trường hợp hiếm gặp về tác dụng phụ nghiêm trọng đã được báo cáo, chẳng hạn như chảy máu bên trong hộp sọ (sau khi giác hơi trên da đầu) và thiếu máu do mất máu (sau khi giác hơi ướt nhiều lần).

Tuy nhiên, nhiều người thông minh vẫn nói rằng "giác hơi có hiệu quả với tôi". Quả thực, tôi không còn gì để nói. Các bạn hãy bảo vệ làn da và túi tiền của bạn. Đừng để người ta hút chúng vào những chiếc cốc "giác hơi".

Trên đây là ý kiến của một nhà báo Mỹ, dựa trên các kết luận của một cơ sở y tế quốc gia Hoa Kỳ. Còn bạn đã giác hơi bao giờ chưa? Theo bạn, giác hơi có chữa được bệnh không? Hãy cho chúng tôi biết ý kiến của bạn ở cuối bài viết.

L.H.X theo Forbes

Chủ đề khác