VnReview
Hà Nội

Khoa học chứng minh: cá mập hổ con ăn được cả thịt chim sống trên cạn

Cá mập được biết đến là loài phàm ăn với nguồn dinh dưỡng đa dạng. Chúng săn mồi là những con cá, động vật không xương sống cho đến động vật có vú và rùa biển. Một con cá mập thậm chí còn tấn công những ai lướt sóng không tập trung theo nhóm. Miễn là có thể bắt được hay tìm được con mồi có thịt, cá mập thường sẽ xơi chúng.

Một nghiên cứu mới đây đã soi bên trong bụng cá mập hổ con (tên khoa học là Galeocerdo cuvier) bằng cách phân tích ADN và tìm thấy một nguồn dinh dưỡng bất ngờ, đó là các loài chim biết hót sống trên cạn, chẳng hạn như bồ câu hay chim sẻ mà bạn dễ dàng bắt gặp ở sân sau.

Nhà sinh vật học Kevin Feldheim làm việc tại Bảo tàng Chicago Field cho biết: "Hễ nhìn thấy con mồi nằm trong tầm ngắm, cá mập hổ sẽ lao ra ăn thịt, nhưng tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng cá mập còn có thể ăn cả các loài chim biết hót - tôi nghĩ đây là loại chim biển".

"Đó là một trong những dự án tuyệt vời nhất tôi từng bắt tay vào làm với phương pháp sử dụng ADN để lý giải hiện tượng."

Giới khoa học bắt đầu quan tâm việc này sau khi chứng kiến một con cá mập hổ nhỏ ở ngoài khơi bờ biển Mississippi-Alabama ho ra vài lông chim sống trên cạn, cụ thể là lông chim Brown thrasher (tên khoa học là Toxostoma rufum, sống ở miền Đông Bắc Mỹ) trong một cuộc khảo sát theo dõi quần thể cá mập năm 2010.

Đây là một khám phá bất ngờ, cho nên một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Bang Mississippi quyết định đi điều tra thêm xem hiện tượng này phổ biến tới mức nào. Cách dễ nhất để nghiên cứu nguồn thức ăn của một loài động vật là quan sát thành phần đang được tiêu hóa trong bụng con vật đó, và đó là những gì nhóm nghiên cứu đã tiến hành.

Sau đó, trong các cuộc khảo sát hàng tháng từ năm 2010 tới 2018, nhóm chuyên gia đã để ý tới những thành phần kỳ lạ khác bên trong bụng cá mập. Các nhà khoa học sẽ lôi những con cá mập lên thuyền, bơm dạ dày lên và lại thả những con cá mập xuống nước. Cuối cùng, họ đã thu thập được mẫu thành phần bên trong dạ dày từ 105 con cá mập hổ trong khoảng thời gian trên.

Tất nhiên, bên trong dạ dày của 41 con cá mập trong tổng số 105 con bao gồm các loài chim biết hót đã được tiêu hóa một phần. Chúng được phát hiện hàng năm trong suốt quá trình nghiên cứu khi nhóm các nhà khoa học thu thập mẫu thành phần bên trong dạ dày cá mập.

Lúc này, các nhà nghiên cứu phải dùng tới phương pháp ADN bởi vì rất khó để xác định đó là một con chim do đã bị tiêu hóa một nửa và bao phủ bởi mật của cá mập.

Các mẫu chim được gửi đến Bảo tàng Field; ở đó, ADN của chúng được giải trình tự và khớp với cơ sở dữ liệu AND gốc. Kết quả thật đáng kinh ngạc.

Nhà sinh thái học hải sản Marcus Drymon thuộc Đại học bang Mississippi khẳng định: "Không có loài nào trong số những con chim đó là hải âu, bồ nông, chim cốc hay bất kỳ loại chim biển nào. Chúng đều là những loài chim sống trên cạn."

Đúng hơn là, cho đến nay các nhà khoa học chưa xác định có loài chim biển làm mồi cho cá mập hổ. Họ chỉ đưa ra kết luận khả quan rằng đã xác định 11 loài chim, bao gồm 8 loài chim thuộc bộ chim sẻ, 2 loài chim có họ hàng gần với bộ chim sẻ và một loài chim sinh sống ở nước ngọt.

Vậy làm thế nào mà những con cá mập này lại ăn được những con chim trên cạn? Các nhà khoa học đã lần ra được một manh mối lớn khi các loài chim này xuất hiện trong bụng cá mập.

Từ các cuộc khảo sát là hàng tháng, các nhà nghiên cứu đã có thể xác định mùa chim cao điểm đối với cá mập, trùng khớp hợp lý với khoảng thời gian trong năm mà những con chim sẽ di cư gần vùng cá mập sinh sống.

Bất kỳ con chim nào sa vào mặt nước đều dễ dàng trở thành con mồi cho cá mập hổ.

Feldheim chia sẻ: "Cá mập hổ thường tóm gọn những con chim biết hót đang phải xoay sở khi bay qua đại dương. Trong quá trình di chuyển, chúng bị kiệt sức, lả dần xuống mặt nước hoặc bị lao xuống biển khi gặp phải một cơn bão."

Trong khi đó, vì những con chim biển vốn sinh sống gần vùng biển, cho nên có lẽ chúng có khả năng xử lý vấn đề bị rơi xuống biển tốt hơn những con chim sống trên cạn, do đó những loài chim này không dễ trở thành mục tiêu săn mồi.

Nghiên cứu này là một minh chứng rõ ràng cho các động cơ phức tạp đang diễn ra trong thế giới tự nhiên và còn nằm ngoài vùng hiểu biết của chúng ta; đó là còn chưa kể đến việc thay đổi các yếu tố không đáng kể cũng có thể gây ra hậu quả mà chúng ta còn bỏ qua.

Hiện tượng này giúp con người giải thích tại sao có rất nhiều quần thể cá mập vùng vẫy ngoài biển hàng trăm triệu năm giờ lại đang tiến gần bờ vực tuyệt chủng.

D.N

Chủ đề khác