VnReview
Hà Nội

Thu khí CO2 để khai thác dầu

Nhiều giải pháp được đưa ra để làm mát bầu khí quyển, đồng thời tạo ra những "cỗ máy" có thể hút khí CO2, cứu hành tinh xanh.

Vùng Permian, nơi được Occidental Petroleum chọn để xây dựng nhà máy thu khí CO2 trực tiếp từ không khí

Lượng khí CO2 trong khí quyển đang chạm ngưỡng kỷ lục và theo số liệu mới được công bố của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) thì con số này đã chạm mức 415 phần triệu (ppm). Vì CO2 chính là thủ phạm gây hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu và hiện tượng nóng lên toàn cầu, do đó IEA nhấn mạnh sự cần thiết phải "khống chế" được lượng khí carbon này nhằm hạn chế nền nhiệt toàn cầu đến năm 2060 ở mức thấp hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Xây dựng nhà máy thu khí CO2 trực tiếp từ không khí

Phát thải khí CO2 toàn cầu vẫn ngày càng tăng, ngay cả khi việc tiêu thụ than đá giảm và phát triển năng lượng tái tạo bùng nổ không ngừng. Xu hướng này vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu nhằm hạn chế hiện tượng nóng lên của Trái đất, mặc dù công suất của năng lượng tái tạo đã đạt tới đỉnh ngưỡng. Nhóm nghiên cứu Dự án Carbon toàn cầu ước tính, lượng khí CO2 trên toàn cầu hiện nay là từ nguồn nhiên liệu hóa thạch (chiếm khoảng 90% tổng lượng phát thải từ các hoạt động của con người), đạt mức cao kỷ lục hơn 37 tỷ tấn trong năm 2018.

Mới đây, công ty sản xuất dầu mỏ Mỹ Occidental Petroleum đã hợp tác với Công ty Carbon Engineering có trụ sở tại Canada, xây dựng nhà máy thu khí CO2 trực tiếp từ không khí ở vùng Permian, mỏ dầu đá phiến lớn nhất của Mỹ ở Tây Texas, Đông Nam New Mexico. Lượng CO2 thu được từ không khí sẽ được dùng để khai thác dầu từ những mỏ sâu dưới lòng đất. Nếu còn dư thừa, lượng khí CO2 này sẽ được dùng vào mục đích sưởi ấm hoặc vận hành các phương tiện khác.;

Giám đốc điều hành của Carbon Engineering Steve Oldham cho biết, kế hoạch xây dựng nhà máy bắt đầu từ năm 2021 và mất 2 năm để vận hành. Và điều đặc biệt là nhà máy này có quy mô lớn hơn gấp 100 lần so với bất lỳ nhà máy thu khí trực tiếp nào trên thế giới và vận hành bằng hỗn hợp khí tự nhiên và năng lượng tái tạo. Dự kiến, Carbon Engineering sẽ là nhà cung cấp khí CO2 thu được cho Occidental Petreoleum. Và Carbon Engineering đã tiến hành thu thập khí CO2 từ năm 2015, dẫn đầu trong các công ty thu thập CO2 trên thế giới.

"Hiện nay, nhu cầu năng lượng toàn cầu đang vượt xa so với sự tăng trưởng mạnh mẽ của năng lượng tái tạo và hiệu suất năng lượng. Thời gian trôi qua rất nhanh và chúng ta vẫn đang phải cố gồng mình để kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 2 độ C", Rob Jackson, Giáo sư ngành Khoa học hệ thống mặt đất, Năng lượng và Môi trường của ĐH Standford (Mỹ) cho biết, đồng thời ông hy vọng số lượng khí thải CO2 sẽ được hạn chế ở mức tối đa.

"Bắt và nhốt" CO2 vĩnh viễn

Một thử nghiệm mới được tiến hành và đang được cho là bước tiến dài rất quan trọng trong chiến dịch bảo vệ Trái đất, hành tinh xanh của chúng ta, khi các nhà khoa học Iceland áp dụng phương pháp biến CO2 thành vật liệu xây dựng sau hơn 2 năm thử nghiệm. Dự án chung này có tên CarbFix được thực hiện bởi các nhà khoa học Mỹ, Pháp, Iceland. Hệ thống này có nhiệm vụ "bắt và nhốt" CO2 để làm nguyên liệu sản xuất. Quá trình hoạt động của CarbFix bắt đầu bằng việc bơm CO2 vào trong đá bazan xốp, và hiện tượng khoáng hóa trong đá sẽ "bắt và nhốt" luôn CO2 ở trong đó vĩnh viễn.

Nhóm nghiên cứu đã phải mất hơn 2 năm đặt phòng thí nghiệm tại nhà máy địa nhiệt điện Hellisheidi, một nhà máy địa nhiệt điện lớn nhất thế giới đặt trên núi Hengill (Tây Nam Iceland), để đánh giá hệ thống mới của CarbFix. Nhà máy này nằm trên lớp đá bazan được hình thành từ dung nham của núi lửa. Từ đó, Hellisheidi có thể tiếp cận được nguồn nước gần như vô tận được bơm lên từ dưới núi lửa để chạy tua-bin, cung cấp điện và khí nóng cho Thủ đô Reykjavik (Iceland). Hy vọng, với những giải pháp này, các nhà khoa học có thể tạo ra cơ chế thoát nhiệt và làm mát cho hành tinh của chúng ta.

Theo An Ninh Thủ Đô

Chủ đề khác