VnReview
Hà Nội

Nút "tạm hoãn báo thức" có thể đánh lừa não bộ của bạn như thế nào?

Hầu hết người dùng điện thoại đã dùng đến chức năng hoãn báo thức (Snooze) trên ứng dụng đồng hồ báo thức ở một số thời điểm nhất định trong cuộc sống. Khi bấm nút Snooze, hẳn chúng ta đều có ý định chỉ cần vài phút vùi mình trong chăn rồi dậy và sau đó lại vật lộn với suy nghĩ có nên bước chân ra khỏi giường hay không.

Chức năng Snooze tuy có vẻ vô hại nhưng thực ra là không. Những ai mới biết đến Snooze phải hiểu được mục đích ngay từ đầu khi với tay chạm nút đặt trễ hẹn báo thức. Đối với một số người, đây có thể là một thói quen. Thế nhưng, đối với nhiều người, điều này có thể dẫn đến vấn đề nghiêm trọng đối với giấc ngủ. Giấc ngủ kém đã được chứng minh là có liên quan đến một số rối loạn sức khỏe, bao gồm huyết áp cao, các vấn đề về trí nhớ và thậm chí kiểm soát cân nặng.

Tác giả của bài viết này - Steven Bender là một chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu về giấc ngủ và làm thế nào giấc ngủ ảnh hưởng đến tình trạng đau đớn cho bệnh nhân. Sau khi thử nghiệm, Bender phát hiện ra rằng nhiều bệnh nhân bị chứng đau mãn tính cũng bị rối loạn giấc ngủ theo các cách khác nhau.

Thế nào là một giấc ngủ bình thường?

Nếu một người mệt mỏi ngủ dậy sau khi báo thức kêu, việc nhấn nút Snooze có giúp ích không? Mặc dù chưa có nghiên cứu khoa học nào đề cập cụ thể đến chủ đề này, nhưng câu trả lời có lẽ là không. Đồng hồ sinh học tự nhiên của chúng ta điều chỉnh các chức năng thông qua nhịp sinh học, là những thay đổi về thể chất, tinh thần và hành vi theo chu kỳ trong một ngày.

Hầu hết người trưởng thành cần ngủ ngon mỗi đêm từ khoảng 7 tiếng rưỡi cho đến 8 tiếng. Nhu cầu này cho phép chúng ta dành đầy đủ thời gian để hai giai đoạn của giấc ngủ diễn ra, gọi là Không cử động mắt nhanh (Non-Rapid Eye Movement-NREM) và Cử động mắt nhanh (REM).

Con người thường đi qua ba giai đoạn NREM sang REM từ 4 – 6 lần mỗi đêm. Giai đoạn đầu tiên chủ yếu là giấc ngủ sâu NREM và phần cuối cùng thường là giấc ngủ REM.

Nếu duy trì cấu trúc được nêu cụ thể ở trên, chúng ta đã có một giấc ngủ ngon. Nếu quá trình này bị xáo trộn, con người có xu hướng thức dậy với cảm giác mệt mỏi vào buổi sáng.

Có một số yếu tố ảnh hưởng đến chu kỳ giấc ngủ. Ví dụ như, nếu một người thở không được tốt khi đặt lưng xuống giường (dẫn đến hiện tượng ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ), điều này sẽ làm xáo trộn các chuỗi giai đoạn giấc ngủ bình thường và khiến anh ta cảm thấy cơ thể không đủ phục hồi sau khi mở mắt. Chất lượng giấc ngủ có thể bị suy giảm do sử dụng các thiết bị điện tử, thuốc lá hoặc bia rượu vào buổi tối. Ngay cả việc ăn sát với giờ đi ngủ cũng có thể gây ra vấn đề.

Chúng ta bắt đầu sử dụng nút Snooze khi còn cắp sách đi học; lúc đó, nhịp sinh học của cơ thể bị thay đổi phần nào, khiến chúng ta muốn thức khuya nhiều hơn và thức dậy muộn hơn vào buổi sáng. Việc cố gắng níu kéo 9 phút nán lại trên giường bằng cách kích hoạt nút Snooze chỉ đơn giản là để ngăn không cho chúng ta ngủ thêm nữa. Tuy nhiên, theo một số giả thuyết, trên thực tế, hành vi này có thể khiến bộ não bị nhầm lẫn, bắt đầu quá trình tiết ra nhiều chất hóa học thần kinh gây ra giấc ngủ.

Nói chung, có lẽ tốt nhất là đặt báo thức của bạn tại giờ hẹn cụ thể và sau đó thức dậy ngay lập tức. Nếu bạn thường xuyên mệt mỏi vào buổi sáng, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia về giấc ngủ để tìm hiểu nguyên do.

D.N

Chủ đề khác